Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Cơ sở để xét tác dụng của thuốc theo khoa học hiện đại (Tây y) (Kỳ 3) 13/03/2015 9:01:13 SA
Thuốc vườn nhà

>> Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Cơ sở để xét tác dụng của thuốc theo khoa học hiện đại (Tây y) (Kỳ 1)

>> Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Cơ sở để xét tác dụng của thuốc theo khoa học hiện đại (Tây y) (Kỳ 2)

những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, giáo sư tiến sĩ Đỗ Tất Lợi

B. Nhóm những chất hữu cơ

    Nhóm này rất phức tạp, người ta lại chia làm hai nhóm nhỏ:

    Nhóm những chất độn có ở rất nhiều cây và động vật khác như nước, muối vô cơ, chất hydrat cacbon (đường, tinh bột), chất béo (dầu mỡ, sáp) chất prôtit, các men, lục diệp tố và các sắc tố, .v.v. Những chất độn này một vài khi cũng tham gia làm tăng tác dụng của vị thuốc hay thêm tính chất bồi dưỡng của vị thuốc, nhưng nói chung không có giá trị đặc biệt.

    Cạnh những chất độn có những chất đặc biệt, có tác dụng chữa bệnh, ta gọi là hoạt chất. Hoạt chất hữu cơ thuộc nhiều loại; ở đây chỉ kể một số chính và một số tác dụng chủ yếu của các chất đó. Trong thực tế, cần chú ý là tác dụng không đơn giản.

    Những hoạt chất thường gặp trong các vị thuốc động vật và thực vật là:

    1. Xơ thực vật: Người ta xác định xơ thực vật bao gồm những chất thiên nhiên do thành các tế bào thực vật tạo ra hầu hết là các chuỗi dài các chất cao phân tử khác nhau như cellulose, hemicellulose, pectin, mucilage (chất nhầy), lignin, gomme (gôm), .v.v.

    Chất gôm như nhựa mận, nhựa đào; chất nhầy như sâm bố chính, bạch cập; pectin như cùi bưởi, ổi, khế, là những dẫn xuất của axit uronic.

    Tính chất chung của xơ thực vật là thường không được cơ thể hấp thụ, và có thể hợp với nước tạo thành chất đông (gel) lỏng, sánh hoặc đặc tùy theo từng loại, tính chất hiện nay được biết khá rõ.

    Trước đây người ta coi chất xơ thực vật không giữ vai trò gì quan trọng đối với con người. Nhưng gần đây, xuất phát từ nhận xét rằng từ thời cổ xưa dân châu Âu chỉ sống bằng những sản phẩm nông nghiệp. Mỗi ngày những rau quả đã cung cấp cho họ từ 60-100g xơ thực vật. Nhưng khoảng hai thế kỷ trở lại đây nền công nghiệp thực phẩm đã hoàn toàn thay đổi cách thức chế biến thức ăn, và mỗi ngày người dân chỉ còn ăn vào không quá 20g xơ thực vật. Và nếu so sánh thực phẩm của những người dân ở các nước đang phát triển (trong đó ngũ cốc và rau quả chiếm chủ yếu) thì người ta nhận thấy những bệnh thường gặp ở phương "tây" còn được mệnh danh là "bệnh của những nước văn minh" như táo bón, đái đường, béo phì, cholesterol cao, xơ vữa động mạch, viêm ruột kết (colite, ung thư ruột kết, .v.v.) rất hiếm thấy ở những nước chậm pháp triển mà thức ăn rất giàu xơ thực vật.

    Và người ta thấy rằng xơ thực vật có một số tác dụng sau:

    Xơ thực vật chống táo bón: Xơ thực vật ăn vào giữ nước làm tăng khối lượng phân trong ruột, do đó kích thích sự co bóp của ruột và thải phân ra dễ dàng. Tính nhuần hoạt, làm dịu niêm mạc còn dùng chữa ho, cầm máu.

    Xơ thực vật và béo phì: Những chất đông do xơ thực vật tạo thành giữ những thức ăn trong các mắt lưới và giúp cho những thức ăn đó được tiêu thụ từ từ và bổ sung từ từ vào máu, bảo đảm sự hấp thụ có chừng mực.

    Do đó dẫn đến hai kết quả:

    - Hàm lượng đường trong máu khỏi tăng lên đột ngột. Chất insulin vì vậy khỏi bị tiết ra một các đột xuất với lượng lớn. Và vì vậy, không làm cho lượng đường được tích trữ dưới dạng mỡ trong tế bào mỡ (hiện tượng chỉ xảy ra khi lượng đường được chuyển tới quá lớn).

    - Hàm lượng cholesterol trong máu hạ xuống. Vì xơ thực vật giữ những muối mật lại, và không cho số muối mật này trở lui vào máu. Cơ thể do đó phải tiếp tục sản xuất ra muối mật để bù lại số muối mật đã tiêu thụ hàng ngày. Mà nguyên liệu ban đầu để chế muối mật là cholesterol. Do đó xơ thực vật gián tiếp làm hạ cholesterol trong máu. Xơ thực vật trở thành một thứ thuốc cần thiết hàng ngày.

    2. Axit hữu cơ: Rất phổ biến trong các bộ phận của cây như quả (chanh, cam, quít, bưởi, me, mơ, sơn tra), trong lá (như lá chua me, lá sấu, lá bông).

    Những axit hữu cơ thường gặp như axit focmic, axit xitric, axit malic, axit tactric, axit axetic, axit oxalic, .v.v. Những axit này có khi có thể tự do làm cho vị thuốc có vị chua nhưng cũng có khi ở dưới dạng muối như canxi oxalat (có rất nhiều ở cây). Một số axit đặc biệt như axit xinamic (có trong quế), axit benzoic trong an tức hương (cánh kiến trắng), axit aconitic trong phụ tử, ô đầu.

    Tác dụng của những axit này không giống nhau thường những loại axit benzoic có tác dụng sát trùng, chữa ho, axit xitric, tactric, có tác dụng giải nhiệt (mát), hay nhuận tràng (me), giúp sự tiêu hóa như sơn tra.

    3. Dầu béo: Những vị thuốc có chất dầu béo như hạnh nhận, đào nhân, thầu dầu, ba đậu, đại phong tử, máu chó, vừng, .v.v.

    Những vị thuốc có chất dầu béo, khi ta ép nó vào tờ giấy thì thấy trên tờ giấy có một vết mờ trong để lâu hay hơ nóng cũng không mất đi (khác với tinh dầu).

    Tác dụng của chất béo nhiều mặt: Khi thì là một chất bồi dưỡng như dầu lạc, dầu vừng, khi thì làm thuốc tẩy như thầu dầu, dầu ba đậu, nhưng cũng có khi là thuốc trị bệnh ngoài da như dầu máu chó, đại phong tử, hay dầu vừng dùng chế thuốc cao dán nhọt.

    4. Tinh dầu: Tinh dầu là những chất làm cho vị thuốc có mùi thơm hay hắc.

    Những vị thuốc có tinh dầu, khi ép giữa hai tờ giấy cũng để lại một vết trong mờ, nhưng để lâu hoặc hơ nóng thì bay mất (phân biệt với chất béo). Tinh dầu phần lớn là những thuộc chất của tecpen, nhưng cũng có khi không phải như tinh dầu trong xạ hương.

    Nhũng thuốc tinh dầu thường dùng như hồi, quế, xạ hương, hoắc hương, hương phụ, bạc hà, sa nhân, thảo đậu khấu, đương quy, .v.v.

    Thuốc có tinh dầu thường có tác dụng sát trùng, trị bệnh đường hô hấp (khuynh diệp, quế) hay giúp sự tiêu hóa, làm cho ăn ngon, chóng tiêu, chữa đau bụng, nôn mửa, hoặc có khi dùng chữa cảm sốt, nhức đầu.

    Những thuốc có tinh dầu thường dùng bột, hoặc nếu sắc thì không nên sắc lâu, tinh dầu sẽ bay đi mất. Hay nếu sắc chung với những vị thuốc khác thì cho vào sau cùng, khi sắp được thuốc mới cho vào. Đôi khi những vị thuốc có tinh dầu dùng để xông giải cảm, như đại bi, lá bưởi, long não người ta đun nồi nước sôi cho các thứ lá đó vào rồi chùm chăn lên để hứng lấy những tinh dầu bốc lên.

    5. Chất nhựa (résine): Như nhựa thông, a ngùy, an tức hương, một dược là những chất được tạo thành do ôxy hóa, người ta gọi là nhựa dầu (oleoresin hay bôm).

    Có những thứ nhựa chứa axit thơm như an tức hương (có axit benzoic, xinamic). Những thuốc có chất nhựa không tan trong nước, cho nên ta không dùng dưới dạng thuốc sắc mà dùng dưới dạng rượu thuốc (ngâm trong rượu).

    Những vị thuốc có chất nhựa thường có tác dụng sát trùng đường hô hấp, đường tiểu tiện hay chữa giun.

    Có một loại nhựa đặc biệt gọi là nhựa tẩy có trong vị khiên ngưu, khoai lang, tuy hình thức và một số tính chất giống nhựa, nhưng lại có cấu tạo những chất glucozit nói sau đây.

    6. Những chất glucozit hay heterizit: Rất hay gặp trong các vị thuốc. Nhưng bản thân glucozit là những chất không đơn thuần. Khi đun các chất glucozit với nước axit loãng hay kiềm loãng, thường glucozit tách ra làm hai phần, phần chất đường (glucoza, ramnoza, .v.v.) và một phần không phải là đường (gọi là genin).

    Tùy theo phần không đường này và tác dụng của vị thuốc có, glucozit lại được chia ra làm nhiều loại chất khác nhau nữa. Ta có thể kể một số glucozit chính sau đây:

    (a) Glucozit chữa tim có trong vị trúc đào, thông thiên, hạt đay, một loại vạn niên thanh. Những vị thuốc có chất glucozit tim có vị rất đắng, thường rất độc. Trong nhựa cóc có một chất gần giống glucozit tim cho nên cũng có tác dụng trên tim.

    (b) Glucozit đắng là những chất có vị rất đắng mà không phải là acoloit. Ta thường thấy chất đắng trong bồ công anh, trong long đởm thảo, thạch xương bồ, trong vỏ cam, vỏ quít. Những vị thuốc có chất đắng thường làm cho ăn ngon cơm, chóng tiêu, bổ dạ dày.

    (c) Saponin hay saponozit là những glucozit có tính chất gây bọt, phá huyết. Những vị thuốc có chất saponin khi tán nhỏ, lắc với một ít nước thì sẽ gây rất nhiều bọt như bọt xà phòng trong ống thí nghiệm. Bọt này rất lâu mới tan. Tuy nhiên cũng cần chú ý là những chất như lòng trắng trứng cũng gây bọt mà không phải là saponin.

    Những vị thuốc có saponin rất nhiều như bồ kết (tạo giác), viễn chí, cát cánh, cam thảo, tri mẫu, .v.v.

    Thuốc có chứa saponin thường là những thuốc chữa ho, long đờm, thông tiểu. Nhưng nếu tiêm những thuốc có saponin thì có thể làm chết người do huyết bị phá vỡ.

    (d) Antraglucozit là những chất glucozit có tính chất kích thích sự co bóp của ruột. Khi dùng liều nhỏ thì nó làm cho ăn ngon cơm, tiêu hóa dễ dàng; liều vừa phải thì nhuận tràng, liều cao hơn nữa thì gây tẩy mạnh. Khi dùng ngoài da, thì những chất này có tác dụng sát trùng, thường dùng chữa hắc lào, chống một số bệnh nấm ngoài da. Những vị thuốc có antraglucozit thường gặp như đại hoàng, phan tả diệp, lô hội, chút chít, muồng trâu, thảo quyết minh, .v.v.

    (e) Chất tanin (chất chát) cũng là một glucozit có vị chát và chua. Nhưng tác dụng của nó thì ngược lại với antraglucozit. Uống những thuốc có tanin thì thường gây táo bón, dùng chữa những trường hợp đau bụng đi ỉa lỏng, Những thuốc có tanin hay gặp như ngũ bội tử, búp ổi, búp sim, củ nâu, hạt vải, .v.v.

    Ngoài công dụng cầm ỉa lỏng, tanin còn có tác dụng cầm máu và bổ. Trong hạt sen, lá sen, kim anh, lá chè đều có tanin.

    Những vị thuốc có tanin khi dùng dao sắt hay nấu bằng nồi sắt, nồi gang thì sẽ có màu đen. Cho nên một số vị thuốc có chất tanin thường được ông cha ta dặn là không được dùng dao sắt mà thái uống. Còn việc sắc thuốc thì nhất thiết phải dùng ấm đất rồi. Nếu không có ấm đất thì dùng nồi nhôm, nồi đồng, không thể dùng nồi sắt được.

    (g) Flavon (flavonozit) và antoxyan (anthoxyanozit) là những chất glucozit có màu sắc. Flavon có màu vàng, antoxyan có màu tím (nếu môi trường trung tính) hay đỏ (môi trường axit) hoặc xanh (nếu môi trường kiềm).

    Những chất này có liên quan chặt chẽ với chất tanin. Ta thường thấy chất flavon trong hoa hòe, trong vỏ cam, bồ hoàng, hoàng cầm, chi tử. Một chất flavon rất quý gọi là rutin hay rutozit có trong hoa hòe có tác dụng giảm huyết áp, giúp cơ thể chống lại những trường hợp đứt mạch máu nhỏ khi huyết áp tăng cao.

    Antoxyan có trong vỏ hạt đậu đen, trong nhiều loại hoa như hoa dâm bụt, hoa phù dung. Vai trò của antoxyan hiện nay chưa được xác định rõ rệt về mặt điều trị.

    7. Ancaloit: Đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị. Nó còn đóng vai trò quan trọng trong nông nghiệp vì có thể dùng làm thuốc trừ sâu.

    Ancaloit là những chất hữu cơ, có tính chất kiềm tìm thấy trong thực vật. Một số ít cũng thấy trong động vật. Ancaloit thường có vị rất đắng và có một số tính chất chung làm cho chúng ta có thể phát hiện nó trong cây một cách tương đối dễ dàng.

    Ancaloit cũng thường có tác dụng rất mạnh trên cơ thể và thường dùng với liều lượng rất nhỏ; nếu dùng liều quá cao có thể bị ngộ độc.

    Cũng như các chất khác thường thấy trong cây và động vật, tỷ lệ ancaloit thay đổi tùy theo thời kỳ thu hái, cách chế biến, do đó có tác dụng thay đổi. Vậy cần chú ý thu hái chế biến cho đúng phép.

    Những vị thuốc có chứa ancaloit rất nhiều; có thể kể phụ tử, ô đầu, cà độc dược, ma hoàng, ớt, mã tiền, hoàng nàn, thuốc phiện, .v.v.

    8. Vitamin hay sinh tố: Là những chất tác dụng trên cơ thể với liều rất nhỏ, nhưng thiếu nó thì phát sinh nhiều bệnh phức tạp.

    Tùy theo thứ tự tìm thấy trước sau, người ta phân chia vitamin A, B, C, D, D .v.v. nhưng sau trong mỗi thứ vitamin người ta nhận thấy nhiều thứ khác cho nên phải thêm số vào các chữ cái ví dụ B1, B2, B12, C1, D1, D2, D3, .v.v. hoặc có khi người ta dùng tác dụng chữa bệnh chủ yếu của vitamin để đặt tên ví dụ vitamin antibéribéric (chữa phù = vitamin B1), vitamin antiscobutic (vitamin C). Hiện nay người ta đã tổng hợp được nhiều thứ vitamin, khỏi phụ thuộc nhiều thứ vào thiên nhiên.

    Mặc dầu vitamin cần thiết cho cơ thể nhưng dùng nhiều quá cũng lại có thể phát sinh ra bệnh thừa vitamin.

    9. Các chất nội tiết tố (hocmon): Thường gặp trong các vị thuốc nguồn gốc động vật như tử hà sa (nhau thai nhi), kê nội kim (màng mề gà), lộc nhung, hải cẩu thận, .v.v.

    Cơ thể cũng chỉ cần những liều rất nhỏ của nội tiết tố. Dùng quá liều cũng sẽ gây tai biến rối loạn.

    10. Chất kháng sinh: Gần đây người ta phát hiện trong cây có chất kháng sinh. Những chất kháng sinh có thể là những chất đã biết như tinh dầu, ancaloit, nhưng có thể có cấu tạo khác.

    Trên đây mới chỉ kể sơ lược một số hoạt chất thường gặp. Hiện nay khoa học còn đang cố gắng phát hiện ra những chất mới khác trong cây và động vật.


Theo "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam"

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI