Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu

HOÀNG ĐẰNG LOONG TRƠN

Tên khoa học Cyclea bicristata Diels.

Thuộc họ Tiết dê (Menispermaceae).

Còn gọi là sâm hai sóng.

A. MÔ TẢ CÂY

Loại cây leo, đường kính gốc thân có thể đạt 8-10cm, thân dài 20cm hoặc hơn. Trên thân cây thỉnh thoảng có u lồi, vỏ màu ngà vàng. Cắt ngang thân có màu vàng tươi với nhiều vòng tầng tăng trưởng. Các tia tủy xếp xít nhau thành hình nan hoa. Cây chứa nhiều nước, nhấm có vị đắng. Cuống lá dài, hai đầu phình, phiến lá hình tim, dài 10-12cm, rộng 8-9cm, lá đơn nguyên, mọc cách, mặt lá xanh sẫm, không có lông lá, có 5 gân nổi rõ. Phát hoa trên phần giá, hoa đực không cánh, đài dính, 4-5 bao phấn hoa cái có cánh hoa bằng nửa lá đài. Quả tròn 4mm.

Ta có thể phân biệt giữa 3 cây hoàng đằng, vàng đằng và hoàng đằng loong trơn dựa theo một số đặc điểm sau đây:

Đặc điểm lá:

    - Hoàng đằng loong trơn: Mặt dưới xanh, 5 gân chính. Góc lá hình tim.

    - Hoàng đằng: Mặt dưới xanh, 3 gân chính. Góc lá thẳng, hơi lồi.

    - Vàng đằng: Mặt dưới mốc trắng, 5 gân chính. Góc lá thẳng, hơi lồi.

B. PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN

Dây hoàng đằng loong trơn mọc hoang dại rất phổ biến ở các tỉnh phía Nam từ Quảng Trị trở vào, cả ở Cămpuchia.

Trong cuốn Cây cỏ miền Nam Việt Nam (Q.1), Phạm Hoàng Hộ có kể Cyclea aphylla Gagn. (dây sâm không lá thấy mọc ở Định Quán), Cyclea tonkinensis Gagn. (dây sâm nam đỏ phát hiện ở Quảng Trị), Cyclea barbata Miers (dây sâm, sâm lông thấy mọc ở các tỉnh phía Nam tới Nha Trang), được nhân dân trồng để lấy lá dùng với tên Nhân sâm, rễ dùng làm thuốc lọc máu và lợi tiểu và cây Cyclea bicristata Diels (sâm hai sóng) phát hiện ở Bảo Lộc.

Ngoài ra A. Petelot (1952) còn kê thêm Cyclea peltata Hook. et Thw. (nhân sâm, sâm nam - tiếng Cămpuchia Plou, plou bat), thấy ở các tỉnh phía Nam và Cămpuchia, có tác dụng lợi tiểu, lọc máu và chữa bệnh gan).

Ngô Vân Thu và Vương Văn Ánh phát hiện cây hoàng đằng loong trơn trong tỉnh Thuận Hải được thấy nhân dân xã Sùng Nhơn huyện Đức Linh dùng chữa bệnh kiết lỵ, tiêu chảy, sốt rét, cảm sốt.

C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Ngô Vân Thu và Vương Văn Ánh (Dược học 2, 1986) đã thấy trong hoàng đằng loong trơn có chứa ancaloit mà chủ yếu là becberin, với hàm lượng từ 0,9 đến 1,1%.

D. CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Làm nguyên liệu chiết suất becberin.

Dùng làm thuốc chữa kiết lỵ, ỉa chảy, ăn uống không tiêu, sốt; cách và liều dùng như vị hoàng đằng hoặc vàng đằng.

Nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI



Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

Tra cứu theo "Phân loại bệnh":

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]