Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu

ĐẠI PHONG TỬ - 大風子

Còn gọi là chùm bao lớn, krabao phlêthom (Cămpuchia).

Tên khoa học Hudnocarpus anthelmintica Pierre.

Thuộc họ Mùng quân (Flacourtiaceae).

đại phong tử, 大風子, chùm bao lớn, krabao phlêthom, Hudnocarpus anthelmintica Pierre., họ Mùng quân, Flacourtiaceae

đại phong tử, 大風子, chùm bao lớn, krabao phlêthom, Hudnocarpus anthelmintica Pierre., họ Mùng quân, Flacourtiaceae

Đại phong tử - Hudnocarpus anthelmintica

Cây đại phong tử cho vị thuốc đại phong tử (Semen Hydnocarpi) là hạt phơi hay sấy khô của cây đại phong tử.

Tên Hydnocarpus do hai chữ hydnon có nghĩa là một loài cây, carpus là quả nghĩa là quả giống một loài cây đã biết, anthelmintica do chữ Hy Lạp anti là chống lại, helminthe là trùng trong ruột ý muốn nói tác dụng của vị này đối với ký sinh trong ruột.

Phong là tên Đông y của bệnh hủi và giống hủi, đại phong tử là loại quả to có tác dụng chữa bệnh hủi và giống hủi - tên này do Lý Thời Trân ghi chép trong cuốn Bản thảo cương mục (1595).

A. MÔ TẢ CÂY

Cây to, thân mọc thẳng đứng, có thể cao 25-30m, đường kính thân trung bình 0,4-1,3m, nếu mọc gần nước thường chỉ cao 10-12m, đường kính 0,8m phân rất nhiều cành to, cành lá xanh tốt quanh năm cho nên nhiều thành phố dùng làm cây cho bóng mát, vỏ thân rất nhiều xơ, lá dài hình mác 2 đầu hơi nhọn, mép nguyên, dài 10-30cm, rộng 3-7cm, mặt trên mờ, mặt dưới hơi vàng nhạt, 8-10 đôi gân bên, cuống lá dài 12-15mm. Cụm hoa mọc ở nách lá gồm 2-5 chùm mang ít hoa, mọc về một phía. Hoa màu hồng, cùng gốc hay tạp tính. Quả hình cầu giống như quả cam to màu nâu nhạt, trong chứa 30-40 hạt nhiều cạnh, dài 2cm, rộng 1cm, vỏ cứng, phôi nhũ nhiều. Mùa hoa tháng 11-12; mùa quả tháng 7-8.

B. PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN

Cây mọc hoang ở rừng rậm khá phổ biến ở nước ta, nhiều nhất ở miền Trung, Cămpuchia, Lào, ngay tại thành phố Hà Nội cây này được trồng làm cây bóng mát ở quanh bờ Hồ hoàn Kiếm và Bách Thảo. Còn mọc ở Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ. Trung Quốc trước đây nhập đại phong tử của Thái Lan, từ năm 1922 di thực vào Đài Loan, sau đó vào Quảng Tây và đảo Hải Nam.

Khi quả chín (tháng 7-8) hái về, đập lấy hạt, loại bỏ các tạp chất, phơi hay sấy khô, không phải chế biến gì khác.

Có khi dùng hạt để ép dầu, sử dụng với tên dầu đại phong tử - Oleum Chaulmoograe.

C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Thành phần chủ yếu của đại phong tử là dầu với hàm lượng chừng 40% (14% nếu tính cả vỏ hạt) đến 55% (nếu chiết tính bằng dung môi).

Trong hạt tươi còn có một men thủy phân và một glucozit - Glucozit này chỉ có trong hạt tươi, hạt để lâu sẽ mất. Khi thủy phân, glucozit cho glucoza và axit xyanhydric. Do chất glucozit này cho nên bã (khô) sau khi ép dầu không thể dùng cho súc vật ăn được.

Dầu đại phong tử có màu vàng nâu, tỷ trọng 0,94-0,96 ở 25o, năng suất quay cực (α) D 25: +48 đến 60o, ở nhiệt độ 25o hay thấp hơn thường đặc lại và có những đám đặc thành khối màu trắng nhạt, mùi đặc biệt.

Thành phần chủ yếu của dầu đại phong tử là các glyxerit của một số axit béo đặc biệt và một số glyxerit thường gặp.

Axit béo đặc biệt đầu tiên phát hiện được đặt tên là axit gynocacdic vì khi ấy người ta cho rằng dầu đại phong tử là dầu ép từ hạt của cây Gynocardia.

Nhưng về sau, Pawer và Gocnan nghiên cứu thấy rằng axit gynocacdic chỉ là hỗn  hợp của hai axit không no, có một nhân 5 cạnh và một dây chuyền ngang có 10 hay 12 nhóm CH2 với một chức axit. Đó là axit chaulmoogric C18H32O2 và axit hydnocacpic C18H12O2 (đặt tên như vậy vì lần đầu tiên chiết từ dầu của cây Hynocarpus anthelmintica còn gọi là dầu chaulmoogra).

Cả hai axit này đều đặc ở nhiệt độ bình thường và quay phải.

Hỗn hợp của hai axit này cho axit gynocacdic và các este etylic của axit gynocacdic được dùng trong điều trị.

Người ta lấy các axit này khỏi axit béo khác bằng phép kết tinh, nhưng tách hai thứ axit này riêng ra rất khó. Năm 1920 A. L. Đin và R. Vơrinsan đã lấy ra bằng cách cất trong áp suất giảm các este metylic hoặc cất trong chân không các axit đó. Axit chaulmoogric là đồng phân của axit linoleic, nhưng axit linoleic có chuỗi thẳng, hai nối kép, đính 4 nguyên tử brom hay iốt còn axit chaulmoogric chỉ đính có hai nguyên tử do đó phải có một nhân vòng và một nối kép.

Công thức của axit chaulmoogric là:

axit chaulmoogric

Barrowcliff và Pawer cho rằng axit chaulmoogric có một dạng hỗ biến:

dạng hỗ biến của axit chaulmoogric

Axit chaulmoogric có độ chảy +68o5, năng suất quay cực (α) D+68o1.

Axit hydnocacpic có công thức:

axit hydnocacpic

Axit hydnocacpic chảy ở 69o5 và năng suất quay cực là (α) D+69o3.

Theo André năng suất quay cực của dầu đại phong tử không phải chỉ do hai axit trên mà thôi. Phần lỏng sau khi đã lấy hai axit trên vẫn còn tinh chất quay cực. Vậy trong dầu có thể còn các axit béo lỏng có tính chất quay phải và cũng có nhân 5 cạnh.

Dầu đại phong tử có hai phần: Phần lỏng gồm các chất chưa rõ thành phần nhưng có năng xuất quay phải và có tính chất gần như phần đặc. Phần đặc gồm phần lớn là glyxerit của axit chaulmoogric và axit hydnocacpic.

Em. André và Đ. Gouatte còn chiết từ dầu goocli (dầu của hạt cây Onchoba echinata châu Phi) một axit khác gọi là axit goclic, có cùng một kiến trúc nhưng có dây chuyền ngang không no.

Theo Bửu Hội, Canhiăng và Đanicô thì công thức của axit goclic là:

axit goclic

D. TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Dầu đại phong tử có tác dụng kích ứng, bôi lên da thì nơi da bôi dầu bị đỏ và có khi mọng nước. Thường dùng bôi lên da để chữa ngứa và bệnh hủi.

Trước đây người ta chữa hủi bằng cách cho uống hạt đại phong tử, hay tốt hơn là uống dầu đại phong tử. Nhưng gần đây người ta cho rằng dùng những dẫn xuất của axit béo thì tốt hơn.

Do tính chất chịu axit (acidoresistance) của vi trùng lao và hủi giống nhau cho nên người ta nghĩ đến việc sử dụng đại phong tử và dầu đại phong tử để chữa lao phổi và lao thanh quản. Trong quá trình điều trị người ta nhận xét vết loét giảm, từng đám vi trùng tan hoặc tiêu đi.

Người ta vẫn chưa thống nhất về cơ chế tác dụng của thuốc: Theo Mercado thì đây là một tác dụng gián tiếp do lượng bạch huyết tăng, nhưng Rogers thì cho rằng do những axit chaulmoogric và hydnocacpic là những axit không no cho nên có thể cho những hợp chất cộng, và những muối natri của những hợp chất này tham gia vào việc tạo thành vỏ bọc của những vi trùng lao và hủi chịu axit.

Walker, Sweeney và School cũng nhận thấy tác dụng diệt vi trùng của những muối natri của các axit béo trong đại phong tử và cho rằng khi kết hợp vào vỏ sáp của vi trùng, thì những axit vòng đặc biệt ấy sẽ mang theo một nhóm chức độc đối với tế bào của vi trùng.

Người ta còn nhận xét rằng những axit béo mang 16-18 nguyên tố cacbon trong chuỗi ngang tác dụng mạnh hơn. Những hợp chất hudrogen hóa của axit chaulmoogric tác dụng mạnh hơn, và ít độc hơn, do đó có thể dùng với liều cao hơn.

Thí nghiệm đã chứng minh rằng những dầu có các axit béo trong đại phong tử dù pha loãng tới mức độ không còn tác dụng đối với vi trùng không chịu axit, vẫn còn tác dụng sát trùng rất mạnh.

Việc điều trị thường đòi hỏi thời gian dài và tác dụng mạnh nhất đối với những bệnh nhân trẻ và những người mới bị.

Mới đây người ta thí nghiệm dùng điều trị có kết quả bệnh lao, đau mắt hột, bại liệt, bôi ngoài chữa bệnh ghẻ của chó.

E. CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Theo tài liệu cổ đại phong tử có vị cay, tính nóng, có độc; có tác dụng làm khô ẩm ướt (táo thấp), sát trùng, chủ yếu dùng chữa hủi, mẩn ngứa, giang mai. Khi uống thường gây nôn mửa cho nên chủ yếu dùng ngoài. Những người âm hư huyết nhiệt không dùng được.

Hiện nay đại phong tử được dùng chữa phong hủi, bệnh ngoài da có những triệu chứng bề ngoài như bệnh phong hủi.

Thường dùng dưới dạng thuốc dầu 10% (trong dầu vazơlin) hay thuốc mỡ 20% để bôi tại chỗ.

Uống dưới dạng những giọt dầu nhũ hóa trong một ít sữa hay cho vào nang. Bắt đầu mười (X) giọt sau tăng dần lên 100 (C) đến 200 (CC) có khi tới 300 (CCC) mỗi ngày, nhưng không bao giờ vượt quá liều có thể gây những biến chứng trong dạ dày và ống tiêu hóa, nếu trộn với magiê nung thì thuốc ít gây khó chịu hơn.

Có khi được chuyển thành dạng muối natri (hydnocacpat natri) để tiêm hoặc tốt hơn dưới dạng este etylic để uống (2-4 viên nang mỗi viên 0,15g mỗi ngày) hoặc để tiêm bắp (0,5 đến 2g) hay tiêm dưới da (2ml mỗi ngày).

Trong y học nhân dân đại phong tử được dùng phối hợp với một số vị thuốc khác chữa một số bệnh ngoài da (xem các đơn thuốc).

Đơn thuốc có vị đại phong tử:

    1. Chữa ghẻ lở, giang mai: Đại phong tử thiêu tồn tính 10g, khinh phấn 0,5g; giã  nhỏ đại phong tử, thêm khinh phấn, cuối cùng thêm dầu vừng vào làm thành thuốc mỡ bôi lên những vết ghẻ lở, lở loét đã rửa sạch.

    2. Chữa vết loét hủi: Dầu đại phong tử 40g, khổ sâm tán nhỏ 120g, thêm rượu viên bằng hạt ngô, mỗi ngày uống 50 viên vào lúc đói, dùng rượu hâm nóng để chiêu thuốc. Nơi lở loét thì dùng nước sắc khổ sâm để rửa.

    3. Chữa bệnh mũi đỏ: Đại phong tử 30 hạt, bóc bỏ vỏ giã nhỏ, hạt hồ đào 15 hạt, giã nhỏ trộn đều với đại phong tử; thêm 4g thủy ngân, trộn đều, cho tất cả vào miếng vải mịn, có chuôi cầm; cầm chuôi vải xát mạnh vào mũi. Mỗi ngày xát ba lần, xát liền trong 3 ngày lại nghỉ 1 ngày. Làm đều như vậy nhanh thì nửa tháng, lâu thì một tháng rưỡu sẽ thấy kết quả. Sau khi dùng liền ba ngày mũi hơi khó chịu. Nghỉ một ngày lại bình thường.

Chú thích:

Ngoài cây cho vị đại phong tử nói trên đây, trên thế giới còn dùng một số cây khác như sau:

1. Chùm bao nhỏ Hydnocarpus saigonensis Pierre, cây cao 10-12m, thấy mọc ở Tây Ninh nhưng chưa thấy nhân dân sử dụng.

2. Đại phong tử Gynocardia odorata R. Br cho hạt không đều, màu xám nâu nhạt, mọc ở Quảng Nam và một số tỉnh miền Nam Trung Bộ. Hạt có độc thường chỉ dùng tán bột, trộn với dầu để dùng ngoài.

3. Một số loài Taraktogenos như loài Taraktogenos microcarpa Pierre (krabao soua ở Cămpuchia), Taraktogenos serrata Pierre (Gia da trắng ở miền Nam và Cămpuchia), Taraktogenos subintegra Pierre (chùm bao nhỏ ở miền Nam).

4. Đại phong tử Ấn Độ: Hydnocarpus wightiana Blume được sử dụng ở Ấn Độ và Miến Điện. Tuy nhiên loài Hydnocarpus anthelmintica được công nhận dùng phổ biến nhất.

Nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI



Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

Tra cứu theo "Phân loại bệnh":

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]