Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu

BẠCH HOA XÀ - 白花丹

Còn gọi là bạch tuyết hoa, cây chiến (Bắc Lệ, Lạng Sơn), cây đuôi công, pit phì khao (Luang Prabang), xitraca (Ấn Độ).

Tên khoa học Plumbago zeylanica L., (Thela alba Lour.).

Thuộc họ Đuôi công (Plumbaginaceae).

bạch hoa xà, 白花丹, bạch tuyết hoa, cây chiến, cây đuôi công, pit phì khao, xitraca, Plumbago zeylanica L., Thela alba Lour., họ Đuôi công, Plumbaginaceae

Bạch hoa xà - Plumbago zeylanica

1. Cành và lá            2. Hoa và quả

A. MÔ TẢ CÂY

Bạch hoa xà là một loài cỏ sống dai, cao 0,3-0,6m, có thân rễ, thân có đốt và nhẵn. Lá mọc so le, hình trứng đầu nhọn, phía cuống hơi như ôm vào thân, mép nguyên, không có lông, nhưng mặt dưới hơi trắng nhạt. Hoa màu trắng, mọc thành bông ở đầu cành hay kẽ lá, đài hoa có lông dài, nhớt. Tràng dài gấp 2 lần đài. Mùa hoa gần như quanh năm nhưng nhiều nhất vào các tháng 5-6.

B. PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN

Cây mọc hoang ở khắp nơi ở Việt Nam, Nam, Bắc, Miền núi, Miền đồng bằng đều có.

Còn thấy ở Ấn Độ, Malaixia, nam Trung Quốc, Nhật Bản, Inđônêxya, châu Phi.

Thường người ta dùng rễ tươi, để lâu kém tác dụng. Rễ đào về có đường kính 2-5cm, khi khô có màu đỏ nhạt, mép ngoài sẫm, có những rãnh dọc, phần trong màu nâu, vị hắc và buồn nôn. Tính chất ăn da và làm phồng da.

Có nơi dùng cả lá tươi để làm thuốc.

C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Trong rễ cây bạch hoa xà có một chất gọi là plumbagin hay plumbagon hoặc ophloxylin.

Plumbagin có công thức mytyl-2-juglon hay metyl-2-hyddroxy-5-naphtoquinon-1-4.

plumbagin, plumbagon, ophloxylin, mytyl-2-juglon, metyl-2-hyddroxy-5-naphtoquinon-1-4

Plumbagin hắc và gây xung huyết da. Dung dịch plumbagin trong nước tiêm vào bụng chuột trắng có chửa sẽ gây chết thai và rối loạn buồng trứng (Japanese J. Obstetr. and gynecol. 16 (3), 1933:254-257).

Tại Ấn Độ, người ta dùng plumbagin chiết từ rễ bạch hoa xà để điều trị khối u ung thư thực nghiệm trên chuột làm giảm 70%.

D. CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Cây bạch hoa xà mới chỉ thấy được dùng trong phạm vi nhân dân làm thuốc chữa những bệnh ngoài da, những vết loét, vết thương. Thường dùng rễ hay lá giã nhỏ với cơm cho thành một thứ bột nhão, đắp lên những nơi sưng đau.

Có nơi sắc rễ lấy nước bôi ghẻ, lá bạch hoa xà giã nát đắp lên đầu chốc lở đã rửa sạch hễ thấy nóng thì bỏ ra.

Do nhựa của cây bạch hoa xà làm chậm sự thành sẹo cho nên một số dân châu Phi đã dùng nhựa cây này bôi lên các hình vẽ trên người bằng dao cạo để cho hình nổi lên, nó có tác dụng tăng sinh trưởng những tổ chức đã bị rạch.

Tại một số nước châu Phi, nhân dân dùng bột rễ cây này trộn với chất nhầy của một loại dâm bụt (Hibiscus esculentus) có nơi gọi là cây mướp tây (có trồng ở Việt Nam lấy quả ăn được) để đắp lên các vết hủi, sau đó người ta đắp lên đó một loại lá khô của một cây có nhựa chưa xác định được tên khoa học, nhưng nhân dân Nigiêria (châu Phi) đã gọi tên là cây Niêcca.

Tại Ấn Độ và Nhật Bản, người ta dùng rễ cây này làm thuốc sẩy thai, cho uống bột rễ cây này hay tán một ít bột cho vào khoang tử cung, thai sẽ tự ra do bị kích thích, nhưng hay gây ra viêm tử cung có khi chết người.

Cần chú ý nghiên cứu.

Chú thích:

    Ở nước ta còn một cây nữa mang tên cây đuôi công hay xích hoa xà (Plumbago rosea L. - Plumbago coccinea Boiss, hay Thela coccinea Lour.) cùng họ. Cây nhỏ, có thân cứng, trên có rãnh dọc, nhẵn. Lá hình mác, hơi tù ở đầu, phía dưới ôm vào thân, dài 10cm, rộng 4cm hay hơn. Hoa màu đỏ mọc thành bông dài ở đầu cành, trên có khi phân nhánh, ống tràng dài gấp 4 lần ống đài.

    Cũng mọc hoang ở nhiều nơi trong nước ta, nhân dân sử dụng cũng như cây bạch hoa xà.

    Tại Ấn Độ, người ta dùng bột rễ cây này trộn với dầu để thoa bóp những nơi bị tê thấp và tê liệt. Còn dùng chữa ung thư, hủi và một số bệnh ngoài da khác (Revue botanique appliquée et Agriculture coloniále 18 - 1938: 272).

    Tại Bắc Lệ (18-4-1964), người ta dùng chữa đau gân, đau xương, làm ra thai. Thường dùng lá, nếu đau xương đào lấy rễ.

    Lá xào ăn được, ăn nhiều thì tẩy. Nấu canh với dấm hay chanh. Uống độ 1 bát canh, sau 1 giờ thì đi ngoài, người không mệt, nếu muốn thôi đi ngoài, vò lá với nước lạnh uống 1/2 chén. Uống lạnh.

Nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI



Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

Tra cứu theo "Phân loại bệnh":

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]