Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tra cứu theo "Tên Việt Nam":

A B C D Đ E G H I K L M N O P Q R S T U V X Y Tất cả

Kết quả tra cứu

CÂY THÔNG THẢO - 通草

Còn có tên là cây thông thoát.

Tên khoa học Tetrapanax papyrifera (Hook) Koch (Aralia papyrifera Hook.).

Thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae).

cây thông thảo, thông thảo, 通草, cây thông thoát, Tetrapanax papyrifera (Hook) Koch (Aralia papyrifera Hook.), họ Ngũ gia bì, Araliaceae

cây thông thảo, thông thảo, 通草, cây thông thoát, Tetrapanax papyrifera (Hook) Koch (Aralia papyrifera Hook.), họ Ngũ gia bì, Araliaceae

Thông thảo - Tetrapanax papyrifera

1. Cành      2. Cụm hoa      3. Vị thuốc

Thông thảo (Medulla Tetrapanacis) là lõi phơi hay sấy khô của thân cây thông thảo.

A. MÔ TẢ CÂY

Thông thảo là một cây nhỏ thường cao 3m có khi có thể tới 6m. Thân cứng nhưng dòn. Giữa thân có lõi trắng xốp, cây càng già, lõi càng đặc và chắc hơn. Lá to chia thành nhiều thùy có khi cắt sâu, mép có răng cưa to; cuống lá dài 30cm, đường kính 1cm có lõi mềm; phiến lá dài 30cm đến 90cm. Hoa màu trắng hình cầu, cụm hoa hình tán tụ thành chùm. Quả dẹt gần hình cầu.

B. PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN

Ta mới khai thác một số cây mọc hoang dại ở những nơi ẩm vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang.

Có thể trồng bằng hạt hay bằng cách chia gốc.

Nếu trồng bằng hạt thì mùa Thu hái quả chín về phơi khô, sang Xuân gieo hạt. Sau một tháng cây mọc. Một năm sau có thể đánh cây con để trồng.

Có thể trồng bằng cách chia gốc: Vào mùa Đông, cuốc cho tơi đất xung quanh gốc, năm tới cây sẽ cho nhiều cây con, khi đã khá lớn đem đánh đi trồng chỗ khác.

Sau khi trồng 3 năm, có thể thu hoạch, cắt bỏ đầu và chia thành từng đoạn dài 50-60cm. Dùng que tròn kích thước vừa bằng lõi mà đẩy lõi ra phơi nắng cho khô. Nếu gặp mưa thì treo trong nhà, chỗ thoáng gió, không dùng than sấy vì bị biến chất. Có thể thu hoạch quanh năm.

C. THÀNH PHẦN HÓA HỌC VÀ TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Chưa thấy có tài liệu nghiên cứu, công dụng còn ở phạm vi nhân dân.

D. CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Tính vị theo tài liệu cổ: Có vị ngọt, nhạt, tính hàn; vào 2 kinh Phế và Vị. Có tác dụng lợi tiểu, thanh thấp nhiệt, hạ sữa. Dùng chữa thủy thũng, tiểu tiện khó khăn, ít sữa.

Nhân dân dùng làm thuốc thông tiểu tiện, giảm sốt, trấn tĩnh, dùng chữa bệnh sốt khát nước, tiểu tiện khó khăn, ho.

Còn dùng làm thuốc lợi sữa.

Ngày dùng 3-6g dưới dạng thuốc sắc.

Đơn thuốc lợi sữa: Thông thảo 10g, cám gạo nếp 10g, hạt bông (sao vàng) 15g, nước 600ml; sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.

Chú thích:

    1. Người ta còn dùng và cũng gọi là thông thảo, gỗ phơi khô của cây dút - Aeschynomene aspera L.

    2. Tại nước ta nhân dân còn khai thác với tên thông thảo một số loài cây thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae) như Trevesia palmata (đu đủ rừng) và một số cây khác cùng họ có thân rỗng xốp.

Nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI



Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

Tra cứu theo "Phân loại bệnh":

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]