Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Ngải cứu có thể gây trúng độc?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 05/12/2011 08:46 SA

Hỏi:

Tôi đọc trên một tờ báo thấy nói, lá ngải cứu có tác dụng phòng ngừa cảm cúm do nhiễm lạnh rất tốt. Có lần tôi đã ra vườn hái một nắm to ngải cứu, mang về nấu nước uống thay nước trong ngày. Tôi định uống liền 3-5 ngày, nhưng đến ngày thứ hai thì phải ngừng, vì thấy bụng rất khó chịu, buồn nôn, chân tay bải hoải và rất mệt. Nay tôi viết thư này đề nghị "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết: Có đúng ngải cứu có tác dụng phòng cảm cúm hay không? Dùng ngải cứu có thể dẫn tới tác dụng phụ hay không? Người có cơ địa như thế nào không nên dùng ngải cứu?

Trần Thanh Bình, Tây Hồ, Hà Nội

Đáp:

IMG

Ngải cứu là cây thuốc vườn nhà rất giàu dược tính. Có thể sử dụng để chữa trị rất nhiều bệnh, nhất là các chứng bệnh phụ khoa. "Danh y biệt lục" – bộ sách thuốc đầu tiên có những ghi chép về tác dụng chữa bệnh của ngải cứu đã đặt tên nó là "y thảo" - nghĩa là thứ cỏ chuyên dùng trong y học.

Theo  Đông y:

    - Ngải diệp có vị đắng, cay, tính ấm, hơi có độc (hữu tiểu độc); đi vào 3 kinh Tỳ, Can và Thận. Có công năng tán hàn chỉ thống, ôn kinh chỉ huyết, an thai, khứ thấp chỉ dương, tịch uế sát trùng.

    - Liều dùng: Sắc uống từ 3-10g. Trường hợp đặc biệt (tùy theo bệnh tình và cơ địa) có thể sử dụng tới 20g (cần có ý kiến của thầy thuốc). Dùng ngoài: Lượng tùy theo yêu cầu, giã đắp, bó, rửa và dùng làm ngải nhung trong khoa châm cứu. Khi dùng để cầm máu, sao cháy thành than, thường sao với giấm.

    - Lưu ý: Trong các sách thuốc vài chục năm trước tại Trung Quốc thường ghi liều dùng từ 6-12g, nhưng sách thuốc gần đây ghi liều dùng chỉ từ 3-10g, do có nhiều thông báo về các ca ngộ độc ngải cứu.

    - Nghi kỵ: Thích hợp với các chứng hàn, người thể tạng "âm hư huyết nhiệt" (theo cách phân loại chứng hậu của Đông y) sử dụng phải cẩn thận. Nói chung đối với những phụ nữ cơ thể suy yếu, kinh nguyệt không điều hòa, hành kinh đau bụng, thích chườm ấm, sắc diện tím tái, ... thuộc "hư hàn", ngải diệp có tác dụng trị liệu rất tốt. Nhưng người có nội nhiệt, cao huyết áp thì không nên dùng.

Ngải diệp là vị thuốc rất thông dụng, lại được nhiều người sử dụng như một loại rau. Do đó ít người chú ý đến độc tính và người tiêu dùng bình thường nói chung không biết rằng, đó là vị thuốc "hữu tiểu độc" (hơi có độc, độ độc nhỏ); không được sử dụng quá liều và dài ngày.

Bình thường nếu là lá ngải cứu khô, nói chung chỉ nên sử dụng uống trong với liều từ 3-5g, nếu là ngải cứu tươi chỉ dùng 9-15g. Để phòng ngừa cảm cúm mùa lạnh, có thể dùng một nắm con ngải cứu tươi (khoảng 9-10g) sắc nước uống trong ngày. Theo kết quả nghiên cứu gần đây: Chỉ cần uống 1-2 tuần một lần như vậy, đã có tác dụng phòng ngừa tốt.

Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, liều độc LD50 của dầu ngải diệp thụt vào dạ dày chuột nhắt là 2,47ml/kg, tiêm ổ bụng là 1,12ml/kg; của nước sắc ngải diệp tiêm ổ bụng là 23g/kg.

Trên thực tế khi dùng uống trong, nói chung dùng khoảng 3-5g (khô) là tốt. Tối đa cũng không dùng quá 10g (khô). Dùng 20-30g đã có thể dẫn tới trúng độc. Một số thông báo khoa học cho biết: Một vài trường hợp dùng khoảng 100g sắc uống, đã dẫn tới tử vong.

Tinh dầu trong ngải diệp là thành phần có tác dụng chữa bệnh, nhưng cũng là thành phần có độc tính trong ngải cứu. Dùng ngoài, có thể làm cho niêm mạc da bị nóng rát, đỏ ửng. Dùng uống trong với liều khoảng 3-5g có tác dụng kích thích dạ dày tăng tiết dịch vị, khiến ăn ngon hơn. Nhưng dùng liều cao có thể dẫn tới phản tác dụng hoặc bị, trúng độc.

Biểu hiện: Ban đầu miệng và họng bị kích thích nhẹ, họng người bệnh có cảm giác khô khát. Sau khi dùng thuốc khoảng nửa giờ, xuất hiện cảm giác khó chịu ở vùng thượng vị; đau bụng, lợm giọng, buồn nôn, nôn, ... do dạ dày, ruột bị viêm cấp tính. Sau vài ngày, khi dược chất đi vào gan, có thể gây rối loạn chuyển hóa của tế bào gan, dẫn tới viêm gan cấp tính do trúng độc và viêm gan vàng da; gan to, nước tiểu đục, nước tiểu có lẫn dịch mật (chứng bệnh biliuria), ... Dược chất của ngải cứu cũng có thể gây tổn hại huyết quản và thành các vi huyết quản, dẫn tới xung huyết và xuất huyết tử cung, khiến cho thai phụ bị sảy thai, ...

Độc tính của ngải diệp tác động rõ nhất đối với thần kinh trung ương. Với liều điều trị, ngải diệp có tác dụng gây hưng phấn vỏ não và tổ chức hạ bì. Nhưng khi dùng liều quá cao, thần kinh trung ương bị hưng phấn quá mức, dẫn tới chân tay giun giật, sau đó cục bộ hoặc toàn thân co giật; Sau vài lần có thể dẫn đến kinh quyết (co cứng), nói sàm, thậm chí tê liệt. Kiểm tra bằng kính hiển vi có thể phát hiện các tổn thương ở tế bào não. Sau khi khỏi bệnh, vẫn thường để lại những di chứng như hay quên, ảo giác, viêm thần kinh, ...

Cách xử lý: Cần đặt bệnh nhân nằm trong phòng tối. Tránh mọi kích thích. Trường hợp nặng, cần tiến hành xử lý tại bệnh viện: Khi co giật nhiều cho hít ê-te, dùng các loại barbital, ... Khi hết co giật, dùng dung dịch thuốc tím rửa dạ dày. Cho uống than hoạt tính để hút chất độc; Truyền dịch và điều trị triệu chứng, ...

Tóm lại:

(1) Khi sử dụng lá ngải cứu sắc uống thay trà, chỉ nên sử dụng khoảng 3-5g khô (9-15g tươi). Chỉ nên sử dụng theo từng đợt, khỏi bệnh thì nghỉ.

(2) Đối với những chị em cần dùng món "trứng gà ngải cứu" để tẩm bổ hoặc để an thai, ... chỉ nên dùng 3-5 ngọn nhỏ (khoảng 9-15g tươi), tránh dùng quá liều. Cần bỏ thói quen xin nhà hàng cho thêm ngải cứu.

(3) Người bình thường không có bệnh, không sử dụng nước sắc ngải cứu, như một thứ nước uống thường xuyên, giống như nước trà.

Lương y HƯ ĐAN

Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Ngải cứu


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]