Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Đậu xanh - chữa bệnh, giải độc

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 03/12/2011 11:43 CH

Hỏi:

Đã nhiều năm nay, cứ tới mùa hè là tôi dùng đỗ xanh nấu cháo, nấu chè hay nấu canh cho cả nhà ăn, vì nghe đài báo nói, đỗ xanh là thức ăn rất mát và bổ. Ăn đỗ xanh như vậy đã có tác dụng tốt, vì mấy năm nay mùa hè người nhà hầu như không ai bị mắc bệnh. Nay tôi rất muốn tìm hiểu thêm, ngoài tác dụng bổ và mát, còn có thể dùng đậu xanh để chữa trị những bệnh gì khác?

Lê Thị Miến, Hưng Hà, Thái Bình

Đáp:

IMG

Ngoài tác dụng làm thực phẩm, đậu xanh còn có thể dùng để chữa bệnh.

Theo Đông y:

    - Hạt đậu xanh (phần nhân) có vị ngọt, tính mát, không độc; vào 2 kinh Thủ thiếu âm Tâm và Túc dương minh Vị. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chống nắng, tiêu tích nhiệt, giải bách độc (nhiều loại chất độc). Thường dùng để phòng ngừa cảm nắng và say nắng, giải nhiệt độc, tiêu phù thũng, giải các chất độc, ... Vỏ hạt đậu xanh (còn gọi là "lục đậu xác", "lục đậu y") vị ngọt, tính hàn không độc, có tác dụng giải nhiệt độc, sáng mắt, ...

    - Liều dùng: Đậu xanh ngày dùng 20-40g, vỏ đậu xanh 9-15g.

    - Kiêng kỵ: Người Tỳ Vị hư hàn, ỉa chảy không dùng được.

Một số chứng bệnh có thể sử dụng đậu xanh để chữa trị:

(1) Chữa say nắng (trúng thử):

    (1.1) Đậu xanh 100g, vo sạch, cho vào nồi, đổ ngập nước đun sôi qua, chắt lấy nước, để nguội rồi uống. Chú ý: Nấu kỹ quá nước đỗ sẽ đục (không còn xanh như ngọc bích nữa), tác dụng sẽ kém đi.

    (1.2) Đậu xanh 60g, hoa mướp tươi 8 bông, nước lã 3 bát lớn. Ninh đậu xanh cho chín, sau đó cho hoa mướp vào đun đến khi sôi lại, chắt lấy nước uống khi còn nóng.

(2) Miệng khát, người phát nóng: Vỏ đậu xanh 12g, lá sen tươi 30g, hoa đậu ván trắng 9 bông; sắc nước, chia ra nhiều phần uống trong ngày.

(3) Chữa quai bị: Đậu xanh 60g, cho vào nồi nấu với nước đến khi đỗ chín, cho thêm 2-3 cái nõn rau cải trắng vào nấu tiếp khoảng 15-20 phút nữa, chắt lấy nước, chia thành 2-3 phần uống trong ngày. Đối với bệnh quai bị mới phát, tác dụng càng rõ ràng.

(4) Viêm khoang miệng, niêm mạc lở loét: Trứng gà tươi 1 quả, đậu xanh 20g. Cách sử dụng: đập trứng gà vào bát, trộn đều; đậu xanh nấu với nước đến khi gần chín, chắt lấy nước đổ vào bát trứng gà rồi uống, ngày 2 lần, buổi sáng và buổi tối.

(5) Bỗng nhiên bị khản cổ, mất tiếng: Giá đỗ xanh 300-500g, rửa sạch, giã nát, đổ thêm chút nước đun sôi để nguội vào, chắt lấy nước uống. Kinh nghiệm cho thấy, sau một lúc, tiếng nói đã trở lại bình thường; nhiều người đã ứng dụng có kết quả tốt.

(6) Trẻ nhỏ lên sởi: Vỏ đậu xanh 15g, sắc với nước, chia ra uống thay nước trong ngày, khi uống thêm chút đường, uống đến khi bệnh khỏi thì ngừng.

(7) Phòng bệnh sởi: Đậu xanh 30g, rễ cỏ tranh tươi 30g, sắc với nước, chia ra 3 phần uống trong ngày, liên tục trong 3 ngày.

(8) Tăng huyết áp, cholesterol máu cao: Đậu xanh 100g, gạo tẻ để lâu ngày 100g, nấu thành cháo, ăn hàng ngày.

(9) Đái tháo đường: Đậu xanh 200g, lê 2 quả, củ cải 250g; nấu thành món canh ăn hàng ngày.

(10) Tiểu tiện không thông, đái nhỏ giọt: Đậu xanh 200g, vừng 100g, trần bì 10g (nghiền nhỏ), tất cả đem nấu thành món cháo, chia 2-3 lần ăn trong ngày. Đối với người cao tuổi thêm 8g quế (đã tán thành bột mịn) vào cùng nấu càng tốt.

(11) Viêm niệu đạo: Giá đậu xanh 500g, giã vắt lấy nước, thêm chút đường trắng vào uống.

(12) Buồn nôn: Đậu xanh 16g, đường phèn 16g, sắc nước uống. Hoặc dùng đậu xanh 100 hạt, hồ tiêu 10 hạt; tất cả đem nghiền mịn, đổ nước sôi vào uống.

(13) Phụ nữ huyết trắng (khí hư, bạch đới) quá nhiều: Đậu xanh 500g, mộc nhĩ đen 100g; cả hai thứ sao tồn tính, nghiền thành bột mịn; ngày uống 2 lần, mỗi lần 15g, chiêu thuốc bằng nước cơm.

(14) Bị trúng độc thực phẩm: Đậu xanh 30-120g, ngâm nước, nghiền mịn, gạn lấy nước uống từng bát lớn.

(15) Trúng độc nông dược và nấm độc: Đậu xanh 4 phần, cam thảo 1 phần, sắc nước, uống liên tục từng bát lớn.

(16) Trúng độc chì: Đậu xanh 120g, cam thảo 15g, sắc nước, chia 2 phần uống trong ngày; uống liên tục trong 15 ngày (1 liệu trình). Nói chung sau 2 liệu trình thì khỏi bệnh. Trong quá trình điều trị nếu có điều kiện uống bổ sung Vitamin C càng tốt.

Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]