Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Cây sống đời chữa viêm tai giữa?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 12/09/2014 09:15 SA

Hỏi:

Tôi nghe một số người già nói, cây sống đời chữa viêm tai rất hay. Nhưng là loại bệnh viêm tai nào và cách sử dụng như thế nào thì mỗi người lại nói một khác. Mong được "Thuốc vườn nhà" cung cấp những thông tin cụ thể về vấn đề này.

Doãn Thị Mùi, Việt Yên, Bắc Giang

Đáp:

ây sống đời, trường sinh, thổ tam thất, đả bất tử, diệp sinh căn, sái bất tử, lạc địa sinh căn, Kalanchoe pinnata (Lam.) Pers., Bryophylum calycinum Salisb., họ Thuốc bỏng (Crassulaceae)

Sống đời

Cây sống đời còn gọi là "trường sinh", "thổ tam thất", "đả bất tử", "diệp sinh căn", "sái bất tử", "lạc địa sinh căn", ... tên khoa học Kalanchoe pinnata (Lam.) Pers. (Bryophylum calycinum Salisb.); họ Thuốc bỏng (Crassulaceae).

Sống đời là loại cây thảo, cao chừng 0,6-1m. Lá mọc đối, thành hình chữ thập. Lá dày, có khi nguyên, có khi phân thành 3-5 thùy; phiến lá dài 5-15cm, rộng 2-10cm, mép có răng cưa to, mặt bóng, cuống lá dài 2,5-5cm, phía dưới phát triển ẩn vào thân cây. Cụm hoa mọc ở ngọn hay kẽ lá, màu tím hồng hoặc đỏ, mọc rủ chúc xuống. Hoa nở vào các tháng 2-5. Quả đậu vào các tháng 3-6.

Nếu ngắt một lá để trên đĩa có ít nước hay trên mặt đất, từ mép lá, nơi răng cưa của lá sẽ mọc lên một cây khác. Có khi treo lá trên tường để ở chỗ mát, cây con cũng mọc lên như vậy. Do cây có sức sống mạnh như vậy, nên mới có tên là "cây sống đời" hay "cây trường sinh", ...

Sống đời là loài cổ nhiệt đới. Phân bố ở Ấn Độ, Nam Trung Quốc và Việt Nam. Tại nước ta, cây mọc hoang ở các vách đá, ven suối, nơi có nhiều ánh sáng. Cũng thường được trồng để làm cảnh và làm thuốc. Ngọn và lá non có thể thái nhỏ nấu canh ăn. Có thể trồng bằng lá, vì lá có khả năng tạo thành cây - mọc ra từ nách các vết khía của mép lá. Thu hái lá quanh năm, thường dùng tươi.

Theo Đông y: Sống đời có vị nhạt, hơi chua, chát, tính mát. Có tác dụng giải độc tiêu thũng, hoạt huyết chỉ thống, bạt độc sinh cơ. Dân gian thường sử dụng làm thuốc giải độc, chữa bỏng, đắp vết thương, đắp mắt đỏ sưng đau, đắp mụn nhọt và cầm máu. Cũng dùng chữa viêm loét dạ dày, viêm ruột, trĩ nội, đi ngoài ra máu.

Do có tác dụng kháng khuẩn nên nó được dùng trị một số bệnh đường ruột và bệnh nhiễm trùng khác. Tại  Ấn Độ, người ta dùng lá đắp trị bỏng, vết thương, mụn nhọt và các vết cắn đốt của côn trùng. Tại Trung Quốc, toàn cây được dùng chữa ung sang thũng độc, viêm tuyến vú, đan độc, ngoại thương xuất huyết, đòn ngã tổn thương, gãy xương, bỏng, viêm tai giữa.

Trở lại vấn đề chữa viêm tai.

Dùng cây sống đời chữa viêm tai là một kinh nghiệm dân gian, nhiều người ứng dụng có kết quả tốt và đã được ghi lại trong sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi, vắn tắt như sau:

    - Chữa viêm tai giữa cấp tính: Lá tươi giã nát, vắt lấy nước nhỏ vào tai.

    Ngoài ra, dân gian còn thường dùng cây sống đời để chữa:

    - Bị đánh, bị thương thổ huyết: Lấy lá sống đời giã nát, thêm rượu và đường vào; chia ra uống trong ngày, nam dùng 7 lá, nữ dùng 9 lá.

    - Chữa phong khí bỗng dưng phát ngứa: Dùng lá sống đời, nghề răm, lá ké, bồ hòn; nấu nước xông và tắm; trong dùng lá ké đầu ngựa sắc uống.

    - Chữa đi lỵ và bệnh trĩ lòi rom, lở loét: Dùng lá sống đời và rau sam - mỗi vị 5-6g; nhai sống hay sắc uống. Nếu lòi rom và lỗ hậu môn lồi, nấu nước bồ kết ngâm rửa và giã lá sống đời đắp ở ngoài.


Sống đời từng là một vị thuốc rất thông dụng trong thời bao cấp. Có một thời, cây sống đời được tôn vinh như một thần dược - cho rằng có thể chữa bách bệnh (giống như tôn vinh cây lược vàng những năm gần đây).

Theo "Thuốc vườn nhà", sống đời tuy không phải là "thần dược", nhưng là một cây thuốc có tác dụng kháng sinh, thanh nhiệt giải độc tốt, có thể sử dụng chữa trị một số bệnh nhiễm khuẩn thường gặp. Cây lại dễ trồng và độc tính rất thấp (có thể nấu canh ăn), do đó, đây là một trong số những cây "Thuốc vườn  nhà" ta nên tận dụng.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]