Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Cách dùng hành tây chữa tiểu đường

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 24/08/2014 09:49 SA

Hỏi:

Tôi bị tiểu đường đã nhiều năm. Dùng thuốc tây rất tốn kém và nhiều tác dụng phụ. Gần đây tôi có nghe một số người nói, củ hành tây có tác dụng rất tốt đối với người mắc bệnh tiểu đường. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng không? Cách sử dụng như thế nào có hiệu quả nhất?

Lê Minh, Trực Ninh, Nam Định

Đáp:

cây hành tây, củ hành tây, hành tây, Allium cepa L.

Củ hành tây

Hành tây (Allium cepa L.) có nguồn gốc từ vùng Trung Á, được trồng từ thời thượng cổ. Cây được di thực vào nước ta và đã thích hợp điều kiện ở các vùng trồng hành lớn, như đồng bằng sông Hồng, vùng duyên hải miền Trung cũng như vùng Đà Lạt, Lâm Đồng.

Cây hành tây có dò (củ) to hơn hành ta, hình cầu dẹt, ngoài có vẩy màu đỏ nâu, lá hình trụ rỗng, dài 25-50cm, đường kính 1-1,5cm, cán mang hoa có thể cao tới 1m, rỗng, cụm hoa hình tán nhưng tụ thành hình cầu màu hơi hồng hay hơi trắng, quả khô, trong chứa nhiều hạt dẹt, màu đen.

Hành tây là loại rau rất giàu chất dinh dưỡng, do đó tại một số nước Âu Mỹ, hành tây được tôn vinh là "Nữ hoàng của các loài rau". Ngoài  tác dụng dùng làm thực phẩm, hành tây còn được dùng làm thuốc, cả trong Đông y và Tây y.

Theo Đông y: Hành tây có vị cay ngọt, tính bình, vô độc; vào 3 kinh Can, Tỳ và Tâm. Có công năng kiện tỳ vị (mạnh tiêu hóa), khư đàm (trừ đờm), giải độc, hoạt huyết, chỉ huyết (cầm máu). Chủ trị bệnh mạch vành tim, đái tháo đường, thương phong nhiều đờm, kém ăn, viêm ruột ỉa chảy, sang thương, lở loét, phụ nữ viêm âm đạo, ...

Các kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy: Hành tây có tác dụng hạ mỡ máu, tăng cường hoạt tính của men fibrinolysin, chống ngưng tập tiểu cầu, chống ung thư và hạ đường huyết. Còn có tác dụng tiêu tán ứ huyết, cải thiện bệnh biến vi huyết quản, có thể chữa trị và phòng ngừa xơ vữa động mạch. Thường xuyên sử dụng có tác dụng tốt đối với người mắc bệnh mạch vành tim, đồng thời còn có tác dụng giảm béo.

Đối với tác dụng hạ đường huyết, kết quả nghiên cứu cho thấy: Trong hành tây có chứa loại hợp chất có tác dụng kích thích quá trình tổng hợp và phóng thích insulin trong tuyến tụy, làm hạ hàm lượng đường trong máu. Kết quả quan sát lâm sàng cho thấy, thuốc chiết xuất từ hành tây có tác dụng làm hạ đường huyết đối với cả những trường hợp tăng đường huyết do alloxan và do tuyến thượng thận. Nói chung, dù để sống hay nấu chín ăn, hành tây đều có tác dụng hỗ trợ trị liệu tốt đối với bệnh tiểu đường.

Để hỗ trợ điều trị và dự phòng tiểu đường, trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng hành tây dưới dạng Món ăn - Bài thuốc như sau:

    (1) Hành tây xào: Dùng hành tây 250g, xào chín ăn. Có tác dụng ôn trung, hạ khí, tiêu cốc, chữa đái tháo đường ("Trung y dược dưỡng sinh tập túy").

    (2) Hành tây  luộc: Dùng củ hành tây 100g, rửa sạch, chần qua hoặc hãm qua nước sôi, vớt ra thêm mắm muối gia vị cho vừa miệng, ăn 2 lần trong ngày. Có tác dụng giảm nhẹ các chứng trạng bệnh lý trong bệnh tiểu đường.

Ngoài tác dụng chữa trị tiểu đường, còn có thể sử dụng hành tây để chữa trị một số bệnh thường gặp khác:

    (1) Chữa cao huyết áp, bệnh mạch vành tim: Dùng hành tây như cách dùng để chữa tiểu đường; hoặc chế biến các loại món ăn trong bữa cơm hàng ngày.

    (2) Chữa mất ngủ: Dùng hành tây lượng thích hợp, giã nát, cho vào lọ, đậy kín; khi nằm ngủ mở nắp lọ ra, đặt cạnh mũi; mùi hành có tác dụng an thần, chống mất ngủ rất tốt. Cũng có thể chỉ cần đặt củ hành tây ở bên gối, dùng dao bổ đôi hoặc bổ hình chữ thập cho hơi hành dễ bốc ra. Làm như vậy, ngoài chống mất ngủ, còn có tác dụng xua đuổi muỗi.

    (3) Chữa đau xương khớp: Dùng hành tây 100g, chân gà 1 đôi, gừng tươi 20g, hầm chín ăn (uống nước canh và ăn thịt gà). Để tăng cường tác dụng có thể ngâm hành tây trong cồn, tẩm cồn thuốc bôi, đắp vào chỗ bị bệnh.

    (4) Phòng cảm cúm mùa Đông và bệnh đường ruột trong mùa Hè: Thường xuyên dùng hành tây chế biến các món ăn trong bữa ăn hàng  ngày.

    (5) Chữa kiết lỵ: Dùng hành tây 1 củ, gạo tẻ 30g; cùng nấu cháo, khi ăn hòa thêm chút đường trắng.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]