Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Cây nhàu có thể chữa được bệnh gút?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 29/08/2014 06:32 CH

Hỏi:

Tôi nghe một số người nói, cây nhàu có thể sử dụng chữa bệnh gút. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng không? Đồng thời xin cho biết thêm, cây nhàu còn dùng chữa bệnh gì và có độc không?

Nguyễn Bình, Hà Nội

Đáp:

cây nhàu, nhàu lớn, cây ngao, nhầu núi, nhàu rừng, giầu, Morinda citrifolia L., họ Cà phê (Rubiaceae)

Cây nhàu

Cây nhàu còn có tên "nhàu lớn", "cây ngao", "nhầu núi", "nhàu rừng", "giầu", ... tên khoa học là Morinda citrifolia L., thuộc họ Cà phê (Rubiaceae).

Cây nhàu là một cây cao chừng 6-8m, thân nhẵn, thường mọc hoang ở những nơi ẩm thấp dọc bờ sông bờ suối. Cây có nhiều cành to, lá mọc đối, hình bầu dục rộng, có góc ở gốc, nhọn ở đầu, dài 12-30cm, rộng 6-15cm, bóng loáng, dạng màng. Hoa trắng, hợp thành đầu, đường kính 2-4cm, nở vào tháng 1-2. Quả hình trứng, xù xì, dài chừng 5-6cm; gồm nhiều quả mọng nhỏ, màu vàng lục nhạt, bóng, dính với nhau. Quả chín vào tháng 7-8. Ruột quả có một lớp cơm mền ăn được, chính giữa có một nhân cứng. Nhân dài chừng 6-7mm, ngang chừng 4-5mm, có 2 ngăn chứa 1 hạt nhỏ mềm.

Cây mọc nhiều ở các tỉnh miền Nam, có thể trồng dễ dàng ở các tỉnh miền Bắc. Để làm thuốc, có thể sử dụng lá, quả, vỏ cây và rễ, dùng tươi hoặc phơi hay sấy khô.

Theo "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư Tiến sĩ khoa học Đỗ Tất Lợi:

    - Rễ nhàu: Là vị thuốc trước kia được sử dụng nhiều ở các tỉnh phía Nam, chủ yếu dùng chữa bệnh cao huyết áp. Hằng ngày dùng 10-20g rễ, sắc nước uống thay trà trong ngày. Sau chừng 15 ngày sẽ thấy kết quả. Nhưng phải uống tiếp tục 2-3 tháng liền sau đó tiếp tục uống với liều giảm xuống. Dân gian còn dùng rễ thái nhỏ, sao vàng ngâm rượu, uống chữa xương khớp nhức mỏi, đau lưng (một số nơi dùng quả nhàu non, thái mỏng sao khô thay thế rễ, cũng có tác dụng). Ngoài ra, rễ nhàu còn được dùng để nhuộm màu đỏ quần áo, vải lụa.

    - Quả nhàu: Dân gian có kinh nghiệm dùng quả nhàu ăn với muối, giúp dễ tiêu cơm, nhuận tràng, có tác dụng điều hòa kinh nguyệt, trị băng huyết, bạch đới, đau gân xương, đái tháo đường; nướng chín ăn để chữa đi lỵ.

    - Lá nhàu: Giã nát, đắp chữa mụn nhọt, làm chóng lên da. Sắc uống chữa lỵ, đi ngoài, chữa sốt và làm thuốc bổ. Liều dùng 8-10g sắc với 500ml nước, chia làm 2 lần uống trong ngày (chữa những người hay nhức đầu chóng mặt). Lá nhàu còn dùng nấu canh lươn để ăn cho bổ.

Thí nghiệm dược lý trên động vật thí nghiệm từ nhiều năm trước đã cho thấy, rễ nhàu có một số tác dụng:

    - Nhuận tràng nhẹ và lâu dài;

    - Lợi tiểu nhẹ;

    - Làm dịu thần kinh giao cảm;

    - Hạ huyết áp;

    - Độ độc không đáng kể và không gây nghiện.

Kết quả nghiên cứu những năm gần đây cho thấy:

    - Vỏ rễ nhàu chứa moridon, acid rubicloric và một số hợp chất có tác dụng hạ huyết áp mạnh và kéo dài. Ngoài ra còn có tác dụng ức chế nhẹ đối với hệ thần kinh trung ương.

    - Dịch quả nhàu chứa chất damnacanthal có tác dụng ức chế nhiều loại tế bào ung thư do làm giảm lượng máu tới khối u. Dịch chiết quả nhàu làm giảm sự tiết dịch của niêm mạc dạ dày, tá tràng, rất tốt cho trường hợp viêm dạ dày thể đa toan hoặc trường hợp trào ngược dịch dạ dày, viêm phế quản, hen suyễn; các bệnh tự miễn: viêm khớp dạng thấp, vảy nến, tiểu đường týp 2, bệnh luput ban đỏ, bệnh nhiễm khuẩn, viêm gan mạn tính, ...

    - Cao lỏng rễ nhàu có tác dụng giảm đau, chống viêm, hạ đường huyết.

Như vậy có thể thấy, nhàu là một vị thuốc rất đa năng, có thể sử dụng để chữa nhiều chứng bệnh của xã hội hiện đại.

Trở lại vấn đề chữa bệnh gút.

Trong các tài liệu nói về tác dụng chữa bệnh của cây nhàu, chỉ thấy nói đến tác dụng chữa đau xương khớp. Tuy chưa chỉ đích danh bệnh gút, nhưng gút, cũng là một loại bệnh sưng đau xương khớp, do đó theo "Thuốc vườn nhà", không loại trừ khả năng cây nhàu có thể chữa khỏi một số trường hợp đau xương khớp, mà Tây y gọi là bệnh gút.

Mặt khác, như trên đã nói, nhàu là vị thuốc có độc tính không đáng kể và không gây nghiện. Do đó bạn có thể yên tâm áp dụng thử mà không sợ bị ngộ độc.

Nhân tiện xin chép lại một số cách sử dụng cây nhàu tương đối thông dụng:

    (1) Chữa tăng huyết áp: Dùng rễ nhàu rửa sạch, phơi khô hoặc sấy khô, thái nhỏ; hàng ngày dùng 10-20g hãm hoặc sắc uống; nên uống vào buổi tối trước khi đi ngủ, kết quả tốt hơn; uống theo từng liệu trình, mỗi liệu trình kéo dài 2-3 tuần, nghỉ 1 tuần, tùy theo mức độ huyết áp lúc đó, có thể dùng tiếp liệu trình sau. Khi huyết áp đã hạ, những lần sau có thể giảm liều xuống 10-12g hoặc 8-0g.

    (2) Chữa đau lưng, nhức xương khớp: Dùng rễ nhàu ngâm rượu, với tỷ lệ 10% uống. Để tận dụng dược liệu, có thể đem rễ nhàu sấy khô, tán thô, rồi mới ngâm rượu; sau 3-4 tuần chiết lấy dịch ngâm lần thứ nhất, ngâm tiếp lần thứ hai (giảm lượng rượu xuống chỉ bằng nửa lần ngâm đầu), sau 2-3 tuần chiết lấy dịch; trộn đều dịch ngâm của 2 lần, để lắng, lọc bỏ cặn. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 20-30ml trước bữa ăn.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Ý kiến bạn đọc

1 Ý kiến bạn đọc
le thi thanh tuyen (03/05/2017 05:31 SA)

e muon mua loai nay neu nhan duoc thong tin xin lien he so 093826xxxx (tuyen).thnaks

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]