Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Dùng tỏi như thế nào để tránh bị “bốc hỏa”?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 08/09/2014 08:54 SA

Hỏi:

Tôi đọc sách báo, nghe nhiều người nói, ăn tỏi rất có lợi đối với tim mạch. Nhưng tôi chỉ ăn vài ba nhánh là đã bị "bốc hỏa"... nhiệt miệng, đau mắt đỏ, ... Đề nghị "Thuốc vườn nhà" giải thích vì sao? Và hướng dẫn cách sử dụng tỏi như thế nào để khỏi bị "bốc hỏa".

Mạnh Cường, Hà Nội

Đáp:

tỏi, củ tỏi, cây tỏi

Tỏi là thứ "thực dược lưỡng dụng" - vừa là thức ăn vừa là thuốc.

Ngoài công dụng dùng làm gia vị, từ thời xa xưa tỏi đã được sử dụng làm thuốc. Như thời cổ đại ở Hy Lạp, tỏi đã được sử dụng như một loại "đô-pinh", dùng để tăng cường thể lực cho các vận động viên; còn ở La Mã cổ đại tỏi đã được sử dụng để chữa cảm lạnh, hen suyễn, sởi và động kinh, ... có kết quả tốt.

Từ thế kỷ thứ 5, các thầy thuốc ở Ấn Độ đã phát hiện thấy, sử dụng tỏi thường xuyên có tác dụng tăng cường trí lực. Cũng khoảng thời gian đó, tỏi đã du nhập từ Ấn Độ vào Việt Nam và Trung Quốc.

Trong Đông y, tác dụng làm thuốc của tỏi được ghi chép sớm nhất trong sách "Bản thảo kinh tập chú" của Đào Hoằng Cảnh (456-536).

Theo Đông y: Tỏi có vị cay, tính ấm; không độc; quy kinh vào Tỳ, Vị, Phế và Đại Tràng. Có công năng ôn trung hành khí (ấm bụng, xúc tiến tiêu hóa), giải độc sát trùng. Tỏi được sử dụng rộng rãi trong việc tăng cường sức khỏe, phòng bệnh và chữa bệnh.

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Tỏi có tác dụng chống nhiều loại vi-rút và vi khuẩn gây bệnh, giảm mỡ máu, hạ huyết áp, phòng ngừa xơ vữa động mạch, bảo vệ gan, chống ung thư và tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể.

Tuy nhiên, tỏi là một loại gia vị, khi ăn chỉ sử dụng với liều lượng nhỏ; không dùng nhiều như ngũ cốc hay các loại rau. Còn khi dùng làm thuốc, cũng phải tuân theo nguyên tắc "đúng người đúng bệnh", mới có thể phát huy được tác dụng tốt.

Theo Y học hiện đại: Những người bị viêm loét dạ dày và hành tá tràng, viêm ruột, viêm thận, viêm gan phải cẩn thận khi sử dụng tỏi. Khi dùng nhiều tỏi, dạ dày bị kích thích mạnh và thể gây nên viêm cấp tính. Nói chung không nên ăn nhiều tỏi vào lúc đang đói bụng; có những trường hợp không nên sử dụng tỏi.

Còn theo kinh nghiệm của Đông y: Tỏi có tính cay nóng, nên người thể tạng "Âm hư hỏa vượng", cũng như những người bị mắc các chứng bệnh về mắt, miệng và lưỡi, trĩ lở loét, ... không nên dùng.

Người "Âm hư hỏa vượng" thường có những biểu hiện như miệng lưỡi khô háo, lưỡi không rêu, miệng lưỡi dễ bị viêm loét; môi đỏ khô; đầu hay choáng váng, mắt hoa; lưng gối thường đau mỏi; hâm hấp nóng hoặc sốt cơn về chiều, lòng bàn chân bàn tay nóng, ...

Sách "Bản thảo cương mục" của Lý Thời Trân viết: Ăn tỏi lâu ngày làm tổn thương tạng Can và hại mắt. Những người Can suy yếu và cận thị nên thận trọng khi dùng tỏi.

Sách Đông y còn viết: Ăn tỏi trường kỳ đến 50 tuổi con ngươi mắt sẽ bị đục, thị lực giảm, tai ù, đầu nặng chân nhẹ.

Ta cũng nên tham khảo, tự rút kinh nghiệm khi sử dụng. Nói chung, trước khi dùng tỏi để tự chữa bệnh nên, ta nên tham khảo thêm ý kiến của thầy thuốc.

Để tránh bị kích thích quá mạnh, khi cần dùng tỏi, tốt nhất là không nên ăn sống. Để hạn chế những tác dụng phụ, như gây "bốc hỏa", đau mắt đỏ, nhiệt miệng, ... có thể chế biến tỏi theo một số cách như sau:

    1. Tỏi ngâm đường: Tỏi đem bóc bỏ vỏ ngoài, nhưng vẫn giữ nguyên lớp vỏ lụa bên trong; rửa sạch, sau đó đem ngâm trong nước muối nhạt (nước muối 9-10%) khoảng nửa ngày, để tiêu độc và bảo quản được lâu; vớt tỏi ra, để cho róc nước rồi cho vào hũ hoặc lọ thủy tinh, cho thêm đường kính và giấm gạo; mỗi 1kg tỏi cho khoảng 1,5kg đường kính trắng, còn lượng giấm nhiều hay ít  tùy theo khẩu vị; cuối cùng thêm nước trắng đun sôi để nguội, đổ nước cho ngập tỏi là được; không cần trộn, đường sẽ tự tan dần và ngấm vào tỏi; đậy kín nắp, sau khoảng 2 tuần đến 1 tháng là có thể sử dụng.

    2. Tỏi muối giấm: Lấy nửa cân tỏi bóc vỏ rồi dùng 50g muối đem "muối" như muối dưa; sau khoảng 3 ngày vớt tỏi ra hong khô, cho vào liễn hoặc hũ ngâm với giấm ăn, thêm chút đường, để vài ngày là dùng được.

    Sau khi đã chế biến theo một trong hai cách nói trên, hàng ngày vào sáng sớm và tối trước khi đi ngủ ăn vài tép và uống thêm chút nước ngâm tỏi; liên tục 10-15 ngày (1 liệu trình), nghỉ 3 ngày lại tiếp tục 1 liệu trình khác.

    Món tỏi chế biến theo 2 cách nói trên, có tác dụng hạ mỡ máu, điều hòa huyết áp, rất có lợi với hệ tim mạch. Ngoài ra, còn có tác dụng chữa viêm khí quản mạn tính và ho lâu ngày.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]