Hỏi đáp

Long nha thảo chữa các chứng xuất huyết

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 04/05/2012 05:41 SA

Hỏi:

Năm ngoái, trong thời gian công tác ở Bắc Kạn, một hôm đi nắng về, tôi thấy người mệt lả và máu mũi chảy ra rất nhiều. Đi khám, được cho uống mấy loại tân dược, nhưng người vẫn rất mệt và máu mũi vẫn chảy ra ngày 4-5 lần. Mấy hôm sau, tôi được một cụ già người Tày hái cho nắm lá, bảo giã nát vắt lấy nước uống. Sau khi uống thấy người rất dễ chịu, và suốt ngày hôm đó máu từ mũi cũng không chảy ra nữa. Hai ngày tiếp đó, mỗi hôm lại uống thêm một lần như vậy, thì bệnh khỏi hẳn. Tôi đến cảm ơn và được cụ già cho biết, thứ cây chữa khỏi bệnh cho tôi ở địa phương gọi là "mạ lìn an". Rất mong "Thuốc vườn nhà" giải đáp cho biết, cây "mạ lìn an" còn có những tác dụng gì khác, khi dùng có gây tác dụng phụ hay không?

Trần Mạnh Toàn, Kim Sơn, Ninh Bình

Đáp:

tiên hạc thảo, mạ lìn an, long nha thảo,  Agrimonia  pilosa ledeb var nepalesis (D. Don) Nakai

Theo các điều tra về dược liệu, ở vùng Bắc Kạn, có 3 cây rất khác nhau, được các thầy thuốc người dân tộc gọi cùng một tên là "Mạ lìn an".

Đó là:

    1. Cây "Hà thủ ô trắng" (Streptocaulen juventas (Lour.) Merr.);

    2. Cây "Long nha thảo" (Agrimonia  pilosa ledeb var nepalesis (D. Don) Nakai);

    3. Dây mã tiền (Strychnos umbellata (Lour). Merr).

"Hà thủ ô trắng" chủ yếu được chế biến để làm thuốc bổ, còn "Dây mã tiền" thường chỉ dùng hạt. Vì vậy, cây thuốc cụ già đã sử dụng chữa bệnh cho bạn, nhiều khả năng là "Long nha thảo".

Long nha thảo là loại cỏ sống lâu năm, cao 0,5-1,5m; toàn thân có vạch dọc và mang lông trắng, nhiều cành. Thân rễ mọc ngang, đường kính có thể đạt tới 1cm. Đầu mùa Hè cây đâm mầm, mọc ra nhiều cành, lá xum xuê. Lá mọc so le, kép lông chim, dìa lẻ; lá chét hình trứng dài, mép có răng cưa to. Cạnh những lá chét to, có nhiều lá chét nhỏ. Lá chét to dài chừng 6cm, rộng chừng 2,5cm; lá chét nhỏ có khi chỉ dài 5mm. Cả hai mặt lá đều mang nhiều lông. Hoa nhỏ mọc thành chùm mọc ở đầu cành hoặc kẽ lá. Cánh hoa màu vàng. Quả gồm 2-3 quả bế, bọc xung quanh bởi đế hoa có đài ở mép trên. Phần trên mặt đất của cây được sử dụng là thuốc với tên "Long nha thảo", hoặc "Tiên hạc thảo". Thu hái về cắt ngắn, dùng tươi hoặc sấy khô.

Trong Y học cổ truyền: Long nha thảo được xếp vào loại thuốc "chỉ huyết" (cầm máu).

Theo Đông y: Long nha thảo có vị đắng chát, tính ấm; vào 4 kinh Tâm, Phế, Can và Thận. Có tác dụng cầm máu, dùng chữa lỵ, sốt rét và bồi dưỡng cơ thể. Dân gian thường sử dụng long nha thảo làm thuốc cầm máu, chữa thổ huyết, khái huyết (ho ra máu), nục huyết (đổ máu cam), đi lỵ phân lẫn máu, sốt rét và mụn nhọt lở loét ngoài da. Trên lâm sàng, thường được sử dụng chữa các bệnh như ban xuất huyết do giảm tiểu cầu, ban xuất huyết do dị ứng, bệnh ưa chảy máu (huyết hữu bệnh – hemophilia), xuất huyết đường tiêu hóa, xuất huyết đường tiết niệu, xuất huyết tử cung, ... Liều dùng hàng ngày: 6-15g, dưới dạng thuốc sắc; một số trường hợp có thể sử dụng liều cao hơn.

Tại một số địa phương, đầu xuân người ta hái lá long nha thảo non, chần qua nước sôi, tiếp đó dùng nước sạch rửa vài lần để trừ bỏ vị đắng chát, sau đó xào chín, làm món ăn trong bữa cơm thay rau. Từ đó có thể thấy, long nha thảo có độc tính tương đối thấp. Tuy nhiên, đã là thuốc, cần sử dụng đúng người đúng bệnh, mới có thể tránh được tác dụng phụ ngoài sự mong muốn.

Một số bài thuốc có dùng long nha thảo:

    (1) Chữa các chứng xuất huyết (đổ máu cam, ho ra máu, đại tiểu tiện ra máu, ...): Dùng long nha thảo tươi một nắm to (30-50g), thêm nước đã đun sôi, giã vắt lấy nước uống. Hoặc dùng long nha thảo khô 15g sắc nước uống.

    (2) Chữa ban xuất huyết do giảm tiểu cầu: Dùng long nha thảo 20g, đan bì 10g, sinh địa 10g, kim ngân hoa 12g, cỏ nhọ nồi 10g, sắc nước uống trong ngày.

    (3) Chữa ỉa chảy do lỵ trực trùng: Long nha thảo 15-20g, sắc lấy nước, hòa thêm 25g đường trắng, chia ra uống 3 lần trong ngày.

    (4) Chữa nổi hạch, tràng nhạc: Dùng long nha thảo 20g, nghệ đen 12g, ngưu tất 10g, xạ can 10g, huyền sâm 12g; sắc uống.

    (5) Chữa mụn nhọt lở loét sưng đau: Long nha thảo 30-60g, sắc với nửa nước nửa rượu uống. Ngoài dùng long nha thảo tươi trộn mật ong giã nát, đắp vào chỗ bị bệnh.

    (6) Chữa ngứa âm đạo do trùng roi: Long nha thảo lượng thích hợp, sắc kỹ, chắt lấy nước, chế thành cao lỏng 200% (1ml cao tương đương 2g dược liệu); mỗi ngày dùng bông y tế thấm cao thuốc bôi vào âm đạo 1 lần; liệu trình 7 ngày.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]