Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

2 bài thuốc chữa viêm bể thận mạn tính

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 20/04/2012 09:02 SA

Hỏi:

Khoảng 2 năm nay, tôi thường bị đái rắt, phải tiểu tiện liên tục, nhưng luôn có cảm giác đi không hết bãi, đôi khi đau buốt đường tiểu tiện, và mỗi khi người mệt mỏi thì mặt và chân lại bị phù, ... Tôi đã đến bệnh viện khám, được chẩn đoán là "viêm bể thận mạn", nhưng đã điều trị nhiều đợt bằng tân dược, người rất mệt, mà bệnh không khỏi. Do đó tôi muốn chuyển sang điều trị bằng Đông y và mong "Thuốc vườn nhà" phổ biến cho một số bài thuốc, có thể dùng để chữa bệnh.

Đào Thị Xuân Mai, Sóc Sơn, Hà Nội

Đáp:

Viêm bể thận (pyelonephritis) là chứng viêm ở nhu mô thận và bể thận, phần lớn do nhiễm khuẩn và thường kèm viêm đường tiết niệu dưới. Bệnh có thể phát ở mọi độ tuổi, nhưng hay gặp nhất ở phụ nữ độ tuổi sinh sản. Trên lâm sàng thường chia ra hai giai đoạn là cấp tính và mạn tính. Viêm bể thận mạn tính là nguyên nhân chính dẫn tới suy thận mạn tính, vì vậy cần tiến hành điều trị triệt để.

Viêm bể thận mạn thuộc phạm vi của chứng "lao lâm" trong Đông y.

Theo Đông y: Nguyên nhân dẫn tới "lao lâm" chủ yếu do thấp nhiệt ứ đọng lâu ngày trong cơ thể, làm cho chính khí bị suy yếu, tân dịch bị hao tổn, chức năng của các tạng tỳ, thận bị rối loạn, từ đó dẫn tới những chứng trạng như đái rắt, đái buốt, đái lẫn máu, kém ăn, đầy bụng, phù thũng, hay bị viêm nhiễm, ...

Để dùng thuốc chữa trị, Đông y thường chia viêm bể thận mạn tính thành hai thể: "Tỳ thận lưỡng hư" và "Thận hư thấp nhiệt lưu trệ".

Bạn có thể căn cứ vào những triệu chứng ở bản thân, mà chọn dùng các phép chữa, bài thuốc tương ứng, theo hai phương án sau:

1. Thể tỳ thận lưỡng hư:

đảng sâm

    - Chứng trạng: Tiểu tiện nhiều lần, lắt nhắt, không hết bãi, bệnh dai dẳng, tái phát đi tái phát lại, mỗi khi mệt nhọc bệnh lại nặng thêm, kèm theo cảm giác buồn nôn, kém ăn, bụng trướng, đại tiện lỏng, chân tay lạnh, sợ lạnh, có khi mặt và chân hơi phù, lưng mỏi gối yếu; chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng hoặc có vết răng, mạch trầm nhược (chìm, yếu).

    - Phép chữa: Kiện tỳ ích thận, thanh nhiệt lợi thấp.

    - Bài thuốc thường dùng: Đảng sâm 12g (hoặc nhân sâm 8g), bạch truật 12g, bạch biển đậu (đậu ván trắng) 15g, ý dĩ nhân (hạt bo bo) 15g, sơn dược (củ mài) 15g, nhẫn đông đằng (dây kim ngân) 12g, vỏ núc nác 9g, sinh địa 9g, trạch tả 15g, thổ phục linh 12g, xa tiền thảo 15g, sa nhân 6g, trần bì 6g; sắc lấy nước đặc, chia 3 lần uống trong ngày, cách xa bữa ăn; theo từng liệu trình 10-15 ngày.

    Gia giảm:

        + Nếu buồn nôn và kém ăn nhiều, thêm: Cành và lá tía tô 10g, bán hạ (tẩm nước gừng sao) 9g, kê nội kim (màng mề gà) 6g.

        + Nếu phù nặng, thêm: Đại phúc bì (vỏ ngoài quả cau) 12g.

        + Nếu đái không hết bãi, thêm: Ích trí nhân 9g, dây tơ hồng 12g.

2. Thận hư thấp nhiệt lưu trệ:

núc nác

    - Chứng trạng: Đái rắt, đái buốt, bệnh lúc nặng lúc nhẹ, khi người mệt mỏi bệnh thêm nặng, kèm theo mồ hôi vã ra nhiều, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, lòng bàn chân bàn tay hâm hấp nóng, môi khô, miệng háo; chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít, mạch tế sác (nhỏ nhanh) hoặc trầm tế (chìm nhỏ).

    - Phép chữa: Tư âm, bổ thận, lợi thấp.

    - Bài thuốc tiêu biểu: Sinh địa 15g, quy bản (mai rùa) 9g, chi tử (dành dành) 10g, vỏ núc nác 9g, sơn thù du 9g, hoàng kỳ 30g, đảng sâm 12g, sơn dược 12g, câu kỷ tử 9g, ngưu tất 9g, thỏ ty tử 12g, lộc giác giao 12g, trạch tả 9g, phục linh 12g, cam thảo 6g; sắc lấy nước đặc, chia 3 lần uống trong ngày, cách xa bữa ăn; theo từng liệu trình 10-15 ngày.

    Gia giảm:

        + Nếu đầu choáng mắt hoa, tai ù nhiều, thêm: Thiên ma 6g, cúc hoa 9g, thạch quyết minh 30g.

        + Nếu tiểu tiện đau buốt nặng, thêm: Biển súc 9g, xa tiền tử (hạt mã đề) 15g.

Viêm bể thận mạn là một bệnh dai dẳng, rất khó chữa khỏi ngay bằng thuốc, vì vậy bạn cần tìm đến một phòng chẩn trị có uy tín, để được các thầy thuốc chẩn mạch, hướng dẫn dùng thuốc cụ thể.

Hai bài thuốc trên chỉ có tính tham khảo, dùng thử nếu không thấy chuyển biến tốt, cần ngừng ngay.

Ngoài việc dùng thuốc, cần chú ý làm việc và nghỉ ngơi điều độ, luyện tập thân thể ở mức độ thích hợp. Đồng thời, trong ăn uống cần chú ý hạn chế hoặc kiêng hẳn những thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ. Nên ăn uống thanh đạm, dùng nhiều loại rau quả nhiều nước, như rau cải, bí đao, dưa chuột, cùng các loại đỗ, như đỗ xanh, đậu đỏ nhỏ hạt, ...

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]