Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Thận trọng khi dùng hương nhu chữa cảm nắng

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 24/04/2012 08:00 SA

Hỏi:

Tôi nghe các cụ nói Hương nhu là vị thuốc chữa cảm mạo mùa Hè rất tốt. Thế nhưng gần đây, một lần tôi đi nắng về bị cảm mạo, ra vườn hái nắm lá Hương nhu sắc uống thì bệnh lại nặng thêm. Rất mong "Thuốc vườn nhà" giải đáp cho biết, phải chăng nhận định của các cụ là sai? Có thể sử dụng Hương nhu để chữa trị những loại bệnh gì?

Trần Thu Phong, Hoài Đức, Hà Nội

Đáp:

hương nhu, hương nhu tía

Trước hết, cây Hương nhu ở nước ta có 2 loại là Hương nhu tía và Hương nhu trắng, được sử dụng làm thuốc với cùng công dụng:

    1. Hương nhu tía: Ở miền Trung và miền Nam thường gọi là "é rừng" hay "é tía", tên khoa học là Ocimum sanctum L.. Hương nhu tía là một loại cây nhỏ, sống hằng năm hoặc nhiều năm, có thể cao 1,5-2m. Thân và cành thường có màu tía, có lông quặp. Lá có cuống dài, thuôn hình mác hay hình trứng, dài 1-5cm, mép có răng cưa, 2 mặt đều có lông. Hoa màu tím, mọc thành chùm, xếp thành từng vòng từ 6-8 chiếc trên chùm, ít khi phân nhánh. Lá và hoa vò ra có mùi thơm đinh hương. Cây này thường được trồng làm thuốc quanh nhà.

    2. Hương nhu trắng: Còn gọi là "é lớn lá", tên khoa học là Ocimum gratissmum L.. Hương nhu trắng thường cao hơn Hương nhu tía. Lá mọc đối, có cuống, phiến lá dài 5-10cm, hình trứng nhọn, phía cuống thon, mép khía tai bèo hay có răng cưa thô, trên gân chính của lá có lông. Hoa nhỏ mọc thành xim đơn 6 hoa, xếp thành chùm, đôi khi ở phía dưới có phân nhánh. Hạch nhỏ hình cầu. Hạt không nở và không có chất nhầy bao quanh khi cho vào nước. Hương nhu trắng có hàm lượng tinh dầu cao hơn Hương nhu tía, nên mùi hắc và khó uống. Chủ yếu được khai thác để cất tinh dầu.

Trong Đông y, Hương nhu được xếp vào nhóm các vị thuốc chữa ngoại cảm.

Theo Đông y:

    - Hương nhu có vị cay, tính hơi ấm; vào 3 kinh Phế, Tỳ và Vị. Có tác dụng làm ra mồ hôi, chữa cảm mạo, giảm sốt, lợi thấp hành thủy. Dùng chữa mùa Hè bị cảm nắng, hoặc đi mưa bị nhiễm lạnh người phát sốt phát rét, đầu nhức, bụng đau, miệng nôn, thủy thũng, đi ỉa lỏng, chảy máu cam, ...

    - Liều dùng: Ngày dùng 3-8g.

    - Kiêng kỵ: Những người âm hư và khí hư không dùng được.

Về câu hỏi vì sao bạn bị cảm nắng, uống Hương nhu bệnh càng nặng thêm, xin lưu ý vấn đề như sau:

    - Cảm nắng (thương thử) được Đông y chia thành 2 loại là "Dương thử" và "Âm thử".

    - "Dương thử" là cảm phải nắng nóng, do đi đường xa, làm việc lâu dưới trời nắng nóng, ... gây nên. "Dương thử" có những biểu hiện của "chứng nhiệt", phải dùng các vị thuốc mát, như kim ngân, rau má, sắn dây, lá tre, ... để chữa trị.

    - Còn "Âm thử" là trong ngày Hè nắng nóng, đêm ngủ ngoài trời cho đỡ nóng, uống quá nhiều nước lạnh, nước đá, ăn quá nhiều những thứ rau quả sống lạnh, ... khiến cho "hàn khí" cảm nhiễm vào cơ thể mà gây nên bệnh. Trái với trường hợp trên, "Âm thử" có những biểu hiện của "chứng hàn", để chữa trị cần dùng những vị thuốc cay ấm, như hương nhu, tía tô, hoắc hương, ... để chữa trị.

    - Sách thuốc Đông y xưa thường viết: Hương nhu là thuốc giải cảm trong Hè (Hạ nguyệt giải biểu chi dược); hoặc là, mùa Hè dùng Hương nhu giống như mùa Đông dùng Ma hoàng (Hạ nguyệt chi dụng Hương nhu, do Đông nguyệt chi dụng Ma hoàng).

Như vậy: Khi nói "Hương nhu là vị thuốc dùng chữa cảm mạo mùa Hè", cần hiểu đó là cảm mạo thể "Âm thử" do nhiễm lạnh trong mùa Hè, với những triệu chứng như sợ lạnh, phát sốt, đầu đau, không ra mồ hôi, bụng đầy, chán ăn, lợm giọng nôn mửa, ỉa chảy, ...

Một số đơn thuốc tiêu biểu có sử dụng Hương nhu:

    (1) Hương nhu ẩm: Hương nhu 8g, hậu phác 6g, bạch biển đậu 12g; sắc nước uống. Có tác dụng chữa mùa Hè bị cảm do nhiễm gió lạnh, uống quá nhiều thứ nước mát, hoặc bị cảm nắng dẫn đến người phát sốt, sợ lạnh, đầu đau, ngực đầy, không mồ hôi.

    (2) Chữa cảm nắng nôn mửa ỉa chảy hoặc do mùa Hè ăn quá nhiều các thứ sống lạnh: Hương nhu 12g, tía tô (lá và cành) 9g, mộc qua 9g, sắc nước uống trong ngày.

    (3) Chữa trẻ nhỏ viêm đường hô hấp trên: Hương nhu, hoắc hương, kinh giới, bán hạ, phục linh, đảng sâm, hoàng cầm - mỗi 10g, cam thảo 5g; sắc với nước, chia thành 4-6 lần uống trong ngày.

    (4) Chữa cảm lạnh, phát sốt, thổ tả, nhức đầu, đau bụng, chân tay lạnh ngắt, buồn bực: Hương nhu 500g, hậu phác (tẩm gừng nướng) 200g, bạch biển đậu (sao vàng) 2000g; tất cả 3 vị tán nhỏ trộn đều, mỗi lần dùng 10g, pha với nước đun sôi uống, có thể dùng tới 20g.

    (5) Chữa cảm trong 4 mùa (Tứ thời cảm mạo): Hương nhu tán nhỏ, mỗi lần dùng 8g, pha với nước sôi hay dùng rượu hâm nóng mà chiêu thuốc; uống vào mồ hôi ra được là khỏi bệnh.

    (6) Chữa cảm sốt nhức đầu: Dùng lá hương nhu tươi một nắm, giã nhỏ, chế thêm nước sôi, vắt lấy nước cốt uống, bã đắp lên đầu, trán, và hai bên thái dương. Nếu sốt có mồ hôi thì thêm củ sắn dây tươi 20g, cùng giã vắt nước uống.

    (7) Chữa phù thũng, tiểu tiện đỏ, không mồ hôi: Hương nhu 9g, bạch mao căn (rễ cỏ tranh) 30g, ích mẫu thảo 12g; sắc nước uống thay trà trong ngày.

    (8) Chữa hôi miệng: Hương nhu 10g sắc với 200ml nước; dùng súc miệng và ngậm.

    (9) Chữa trẻ con chậm mọc tóc: Hương nhu 40g; sắc với 200ml nước, cô đặc, trộn với mỡ lợn, bôi lên đầu.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Ý kiến bạn đọc

1 Ý kiến bạn đọc
Thuy (23/04/2016 08:23 CH)

Hương nhu có phải là hoắc hương không?

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]