Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Muống biển - Thần dược giải độc sứa

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 19/04/2012 09:45 SA

Hỏi:

Mùa hè đi biển nghỉ mát, tôi rất rất thích bơi và ngâm mình dưới nước biển. Có điều, từ 3 năm nay, không biết do cơ địa thay đổi thế nào, tôi bắt đầu bị dị ứng sứa, nên phải bỏ thú vui tắm biển. Gặp hôm biển động, sứa nhiều, khắp cả người tôi bị mẩm đỏ và ngứa kịch liệt, chẳng có thuốc gì chữa khỏi được... Gần đây, tôi nghe có người nói, cây muống biển có thể chữa được dị ứng sứa. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không?

Trần Minh, Yên Mỹ, Hưng Yên

Đáp:

muống biển, rau muống biển, mã an đằng, nhị diệp hồng thự, Ipomoea pescarpae (L.)Sweet [I. biloba Forsk.]

Ở nước ta, cây muống biển mọc hoang ở khắp các bãi cát ven theo bờ biển, suốt từ Bắc chí Nam. Cây còn mọc ở Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônêxia, Philippin, ... Muống biển có thể trồng bằng cành vào mùa mưa, trên đất phù sa, nhưng ít khi trồng.

Muống biển còn có tên là "rau muống biển", "mã an đằng", "nhị diệp hồng thự", ... tên khoa học là Ipomoea pescarpae (L.)Sweet [I. biloba Forsk.] thuộc họ Khoai lang - Convolvulaceae.

Muống biển là loài cây thảo, sống nhiều năm, mọc bò lan trên mặt đất, không mọc leo. Bò lan đến đâu, rễ mọc đến đấy. Thân phân rất nhiều cành. Thân tím như thân rau muống ăn, nhưng đặc và không rỗng như thân rau muống. Thân có 2 đường rãnh nông, ở hai bên thân, chạy dọc theo chiều dài từ mấu nọ đến mấu kia. Lá mọc so le, gần như hình vuông, phía cuống hình tim, đầu hơi tròn và xẻ thành hai như hình móng chân con trâu. Cuống lá dài 5-7cm, có khi tới 12cm, phiến lá dài 4-6cm, rộng 5-7cm, hai mặt đều nhẵn. Lá non có 2 mảnh cụp vào nhau. Lá và dây có nhựa đục trắng như sữa. Khi ngắt có nhựa đục trắng chảy ra giống như nhựa khoai lang. Hoa lớn, màu hồng tím, giống như hoa rau muống, mọc thành xim ít hoa ở kẽ lá, cuống chung dài 2-4cm, 5 nhị màu trắng đính vào cuối tràng hoa, bao phấn chia 2 ngăn nứt theo chiều dọc, tua nhị phình to phía dưới, có lông. Quả nang hình cầu, đường kính 2cm, chứa 4 hạt đường kính 7mm, màu hung. Hoa nở vào các mùa Hè và Thu.

Để làm thuốc, thường dùng lá và cành non, hoặc toàn bộ phần ở trên mặt đất (thân, cành, lá); có khi dùng cả rễ; có thể dùng tươi, hoặc phơi, sấy khô dùng dần.

Tại những nơi có muống biển mọc ở nước ta, dân gian thường dùng lá làm thức ăn cho thỏ, dê, ngựa, chuột lang. Cũng có thể dùng làm thức ăn cho trâu bò, nhưng chúng không thích ăn, vì có mùi hăng và làm cho sữa bò có mùi vị không ngon.

Toàn cây được dùng làm thuốc uống chữa cảm mạo, sốt, sốt rét, tê thấp, chân tay đau nhức, mỏi, thông tiểu tiện, chữa thủy thũng, đau bụng. Dùng ngoài lấy lá tươi giã nát đắp lên các vết loét, mụn nhọt đang mưng mủ và cũng dùng trị rắn cắn; còn có thể phơi khô, tán nhỏ, rắc lên những nơi bị bỏng.

Tại ấn Độ, lá được dùng đắp ngoài trị tê thấp và đau bụng, dịch lá dùng trị bệnh phù và đồng thời dùng lá giã nát đắp vào những phần bị phù. Tại Thái Lan, lá được dùng ngoài để trị chất độc của thịt sứa. Tại Trung Quốc, người ta dùng toàn cây chữa phong thấp đau nhức khớp xương, đau ngang thắt lưng; mụn nhọt và viêm mủ da; trĩ xuất huyết.

Theo Đông y:

    - Muống biển có vị cay, đắng (tân khổ), tính hơi lạnh (vi hàn); vào 2 kinh Can và Tỳ. Có tác dụng trừ phong thấp, tiêu ung, tán kết. Dùng chữa phong thấp đau nhức, mụn nhọt sưng đau, trĩ lậu, ...

    - Liều dùng: Sắc uống 30-60g tươi (hoặc 10-20g khô). Dùng ngoài, lấy cây tươi giã đắp hoặc thiêu tồn tính, nghiền mịn bôi.

    - Kiêng kỵ: Không dùng cho phụ nữ có thai.

Muống biển có thể sử dụng để chữa dị ứng sứa kết quả rất tốt. Mùa hè năm ngoái chúng tôi đã phổ biến thông tin về tác dụng giải độc sứa của cây muống biển cho một người bạn ở Đà Nẵng rất mê tắm biển, mới bị mắc chứng dị ứng sứa vài năm gần đây; đã sử dụng đủ các biện pháp mà chữa trị không khỏi. Khi nhận được thông tin về tác dụng của muống biển, anh đã thử sử dụng như sau: Hái lấy một nắm muống biển tươi (cây mọc ngay trên các bãi cát ở bờ biển), giã nhuyễn, chế thêm chút nước, trộn đều, rồi vắt lấy nước cốt. Sau khi đã tắm lại bằng nước ngọt, lấy nước cốt muống biển bôi lên khắp người.

Người bạn ở Đà Nẵng đó là lương y Phan Công Tuấn, Phó tổng biên tập tạp chí "Cây Thuốc Quý". Sau khi thoát khỏi được căn bệnh trầm kha, anh đã làm một bài vè cho dễ nhớ, để phổ biến kinh nghiệm quý giá này, cho những người "đồng bệnh" như sau:

"Dị ứng do sứa

Mẩn ngứa đầy người

Thuốc chữa đây rồi

Lá rau muống biển

Đem giã thật nhuyễn

Vắt nước thoa liền

Kinh nghiệm cổ truyền

Rất là thần hiệu"

Ngoài ra, còn có thể sử dụng muống biển chữa một số chứng bệnh khác, cụ thể như sau:

    (1) Chữa phong thấp, khớp xương đau nhức: Dùng muống biển 45g, sắc nửa nước nửa rượu; chia 2-4 lần uống trong ngày.

    (2) Chữa ung nhọt, viêm mủ da: Dùng muống biển 30-60g, sắc và thêm đường đỏ uống. Bên ngoài dùng cây tươi giã nát đắp vào chỗ bị bệnh.

    (3) Chữa trĩ xuất huyết: Hàng ngày dùng muống biển 30g, hầm với 300-500g lòng lợn; chia 2 lần ăn như thức ăn trong ngày; liên tục 10 ngày (1 liệu trình), nếu chưa khỏi nghỉ 3-5 ngày lại tiếp tục 1 liệu trình khác. Cũng để chữa trĩ, theo sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của cố Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi: Tại Campuchia, có nơi dùng lá giã nhỏ, trộn với lá dây đau xương, củ sả và vỏ dừa đốt lấy khói xông lên chỗ trĩ ở hậu môn.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]