Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Lá mơ không chỉ chữa kiết lỵ

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 21/05/2013 08:23 CH

Hỏi:

Gần đây tôi nghe người ta nói, lá mơ là thuốc chữa đi lỵ rất tốt. Tuy nhiên, cách sử dụng như thế nào thì tôi chưa biết. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" hướng dẫn cho biết. Và xin hỏi thêm là, ngoài chữa lỵ lá mơ còn có những tác dụng gì khác?

Lê Mai, Phú Thọ

Đáp:

lá mơ, mơ tam thể, dây mơ tròn, cẩu xư đằng, my mao, mơ lông, thối địt, thối dư, dắm chó, co tốt ma

Mơ tam thể

Lá mơ còn có rất nhiều tên gọi khác như "mơ tam thể", "dây mơ tròn", "cẩu xư đằng", "my mao", "mơ lông", "thối địt", "thối dư", "dắm chó", "co tốt ma" (Thái), ... Cây mọc hoang ở khắp nước ta, thường thấy cây mọc leo lên các bờ rào; cây cũng được trồng làm rau sống, thường dùng ăn với món thịt chó.

Mơ tam thể là một thứ cây leo, lá mọc đối, hình trứng hay mác dài, gốc lá tròn hay hình tim, cuống dài, hai mặt lá có lông mịn và hay bị nấm Aecidium paederiae ăn hại. Hoa tím nhạt, tràng hình ống, mọc thành xim kép ở kẽ lá hoặc đầu cành. Quả hình cầu có đài màu vàng - nâu bóng.

Theo Đông y: Mơ tam thể có tính bình, vị đắng ngọt. Có tác dụng thanh nhiệt, sát trùng, tiêu thũng trướng. Dùng chữa hoàng đản (vàng da), kiết lỵ, báng, phụ nữ bế kinh, ... Liều dùng 9-15g sắc uống.

Tại Ấn Độ người ta dùng cây này uống trong và xoa bóp để chữa tê thấp; nước sắc cho thêm đường, gừng. Tại Philipin, dân gian uống nước sắc của lá mơ tam thể để chữa bệnh sỏi thận, bí tiểu tiện.

Trên thực tế, ngoài tác dụng chữa đi lỵ, lá mơ còn có thể sử dụng để chữa trị một số chứng bệnh khác.

Dưới đây là một số bài thuốc tiêu biểu có sử dụng lá mơ tam thể:

    (1) Chữa lỵ trực trùng Shiga: Lá mơ tam thể 30-50g, trứng gà 1 quả; lá mơ lau sạch, thái nhỏ trộn với trứng gà (có người chỉ dùng lòng đỏ, nhưng  kinh nghiệm dùng cả quả phổ biến hơn); bọc vào lá chuối đem nướng hoặc đặt lên chảo mà rán (không có mỡ) cho thơm; ngày ăn 2-3 lần, liên tục từ 3-5 ngày. Năm 1960, Bệnh viện quân y 108 đã áp dụng thử có kết quả tốt, từ đó kinh nghiệm này bắt đầu được phổ biến rộng rãi.

    (2) Chữa vàng da: Dùng rễ mơ tam thể 60-90g, đậu tương 200g; hầm chín nhừ, thêm mắm muối cho hợp khẩu vị, chia ra ăn trong ngày.

    (3) Chữa bụng trướng đau, ăn không tiêu: Dùng rễ mơ tam thể 30g, sắc nước uống trong ngày. Hoặc dùng rễ mơ tam thể, phơi hoặc sấy khô, tán thành bột mịn, ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 2g.

    (4) Trừ giun kim: Dùng lá mơ tam thể một nắm (khoảng 30g), chế 50ml nước chín, giã vắt lấy nước cốt; tối trước khi đi ngủ, bơm thụt vào hậu môn, sau khoảng 20 phút, giun sẽ bò ra.

    (5) Chữa phụ nữ bế kinh do huyết hư (thiếu máu): Dùng rễ mơ tam thể 30g, kê huyết đằng 15g (mua ở hàng thuốc Nam); 2 thứ bọc vào túi vải sô, hầm với 200-300g thịt lợn, thịt gà hoặc thịt bò, chia ra ăn trong ngày.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]