Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Cỏ sữa ngoài chữa kiết lỵ còn chữa được những bệnh gì?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 03/05/2013 09:15 CH

Hỏi:

Vừa qua, tôi bị đau bụng đi lỵ, được một người bạn mách dùng cây cỏ sữa sắc uống, tôi đã uống theo và thấy có kết quả rất tốt. Tôi rất mong "Thuốc vườn nhà" cho biết thêm về những tác dụng của thứ cỏ này. Vì ở quê tôi, cỏ sữa mọc hoang khắp các chân tường, ngõ xóm; nếu biết tận dụng để làm thuốc sẽ rất có lợi.

Trần Công, Nam Định

Đáp:

cây cỏ sữa, cỏ sữa, cỏ sữa nhỏ lá, vú sữa đất, nhả mục nọi, nhả nậm mòn, tiểu phi dương thảo, lỵ tật thảo, cẩm địa, thiên căn thảo, tiểu nhũ chấp thảo, Euphorbia thymifolia L.

Cỏ sữa nhỏ lá

Cây cỏ sữa còn có nhiều tên khác. Các tỉnh phía Nam nước ta thường gọi là "vú sữa đất"; người dân tộc Thái gọi là "nhả mục nọi"; người Tày gọi là "nhả nậm mòn"; trong sách thuốc Trung Quốc thường gọi là "tiểu phi dương thảo", "lỵ tật thảo", "cẩm địa", "thiên căn thảo", "tiểu nhũ chấp thảo", ... trong đó, tên "lỵ tật thảo" có nghĩa là thứ cỏ chữa khỏi được bệnh lỵ.

Cỏ sữa là loài cây mọc hoang ở khắp nơi, ưa thứ đất có lẫn đá sỏi, thường gặp ở các bờ đường, dọc đường xe lửa dải đá vôi xanh. Trong thành phố thường thấy ở kẽ những viên gạch, vết nứt sân xi măng, ...

Cây có sắc đỏ tía, bấm toàn thân đều có một chất nhựa mủ trắng như sữa chảy ra. Thân cây gầy, mọc là là trên mặt đất, lá mọc đối, hình bầu dục hay thon dài. Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành xim, đơn nang, ít hoa; quả nang đường kính 1,5mm, có lông; hạt nhẵn, dài 0,7mm có 4 góc.

Để dùng  làm thuốc, người ta nhổ toàn cây phơi hoặc sấy khô, và bảo quản ở nơi khô ráo.

Ở Việt Nam thường thấy có hai loài cỏ sữa, là loài nhỏ lá và loài lá lớn. Cả hai loài đều là những vị thuốc có tác dụng diệt khuẩn, tiêu viêm, nhưng tính năng và công dụng có những điểm không hoàn toàn giống nhau; ở đây chỉ nói về cỏ sữa nhỏ lá - có tên khoa học là Euphorbia thymifolia L., còn loài lá lớn sẽ giới thiệu trong một dịp khác.

Theo Đông y: Cỏ sữa nhỏ lá có vị chua, chát; tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, tiêu thũng, giải độc, thu liễm, chống ngứa. Dùng chữa sốt rét, kiết lỵ, ỉa chảy, viêm ruột, trĩ lở loét chảy máu, chàm (eczema), viêm da dị ứng, ngứa, ... Liều dùng: 15-30g khô (hoặc 30-60g tươi), sắc nước hoặc giã vắt lấy nước cốt uống; dùng ngoài giã đắp lên những chỗ bị bệnh.

Để chữa bệnh đau bụng, đi lỵ, thường sử dụng cỏ sữa như sau:

    - Chữa kiết lỵ cấp tính: Bệnh phát đột ngột, sốt cao hoặc nhẹ, ỉa nhiều lần, cấp bách, mót rặn (ngồi lâu, phân ít hoặc không có phân), trong phân có lẫn hoặc toàn là chất nhờn dính hay máu mủ. Có thể sử dụng cỏ sữa theo một trong những cách sau đây:

        (1) Dùng một vị cỏ sữa nhỏ lá 50-60g; sắc nước uống thay trà trong ngày.

        Nếu có điều kiện, nên kết hợp với những thứ thuốc khác.

        (2) Cỏ sữa nhỏ lá 50g, rau sam 50g, cỏ nhọ nồi 50g; tất cả cho vào ấm, sắc với 500ml nước, sắc cạn còn 200ml; người lớn chia thành 2 lần uống trong ngày, trẻ nhỏ tùy tuổi chia thành 3-4 lần, uống lúc đói bụng.

        (3) Rau sam 200g, cỏ sữa nhỏ lá 200g, cỏ phượng vĩ (cỏ seo gà) 100g, lá mơ lông 100g, hạt cau già 100g; rau sam, cỏ sữa nhỏ lá, lá mơ lông giã vắt lấy nước cốt; củ phượng vĩ, hạt cau tán thành bột mịn, trộn với nước cốt trên phơi khô, tán mịn lại, luyện với hồ thành viên bằng hạt ngô; người lớn mỗi lần uống 8g với nước nóng, trẻ nhỏ tùy theo tuổi giảm bớt liều, mỗi lần uống từ 4-6g.

    - Chữa lỵ mạn tính (lúc khỏi lúc phát): Dùng cỏ sữa nhỏ lá 30g, lá chè già 15g; sắc lấy nước, pha thêm đường hoặc mật ong vào; chia ra 2-3 lần uống trong ngày.

Ngoài dùng chữa lỵ, còn có thể sử dụng cỏ sữa để chữa một số chứng bệnh thường gặp khác như sau:

    (1) Chữa ho gà (bách nhật khái):

        - Dùng cỏ sữa nhỏ lá 20, lá chanh 20g, lá táo 20g, cỏ gà 20g, vỏ rễ dâu tằm 20g (tẩm mật sao), củ sả 10g, gừng tươi 10g, hoa đu đủ đực 10g; tất cả các vị thuốc cùng sao vàng, hạ thổ; sắc lấy nước, chia thành nhiều lần uống trong ngày.

        - Cũng có thể chế thành cao dưới dạng xi rô để uống dần.

        - Thuốc này có thể sử dụng cho tất cả các dạng ho gà theo phân loại Đông y (phế hàn, phế nhiệt và hư hàn).

    (2) Chữa sốt rét: Dùng cỏ sữa nhỏ lá tươi 60g; sắc lấy nước, pha thêm đường cát đỏ vào cho đủ ngọt; uống 2 giờ trước lúc lên cơn.

    (3) Chữa trẻ nhỏ lên cơn kinh phong, mắt trợn ngược, chân tay co quắp: Dùng cỏ sữa nhỏ lá 60g; rửa sạch, giã nát, trộn đều với nước vo gạo, bỏ bã, đun sôi, pha thêm đường vào cho trẻ uống.

    (4) Chữa viêm da nổi mẩn, ngứa: Dùng cỏ sữa nhỏ lá giã nát, xoa vào chỗ da bị viêm; hoặc đun nước với cỏ sữa nhỏ lá để rửa những chỗ da bị viêm.

    (5) Chữa viêm da, chàm, trĩ lở loét xuất huyết: Dùng cỏ sữa nhỏ lá một lượng thích hợp; sắc lấy nước để rửa những nơi mắc bệnh.

    (6) Chữa nhũ ung (nhọt mọc ở bầu vú, viêm tuyến vú cấp tính): Dùng cỏ sữa nhỏ lá và đường phên; cùng giã nát, đắp vào chỗ bị bệnh. Có tác dụng tiêu viêm, trừ thũng và giảm đau khá tốt.

    (7) Chữa mụn rộp loang vòng: Dùng cỏ sữa nhỏ lá một nắm, tỏi một củ; giã nát, trộn với nước lạnh, bôi vào chỗ bị bệnh.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]