Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Cách sử dụng cây cóc mẳn chữa cảm cúm

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 08/05/2013 09:06 CH

Hỏi:

Năm 2012, tôi đã thử sử dụng cây cóc mẳn để chữa viêm mũi dị ứng, theo hướng dẫn của "Thuốc vườn nhà" có tác dụng rất tốt. Tôi đã nhổ mấy khóm cây mọc hoang về trồng trong chậu ở góc sân, để tiện sử dụng mỗi khi bị lên cơn dị ứng. Nay cây đã mọc lan ra đầy cả chậu lớn và tôi rất muốn biết thêm, ngoài tác dụng chữa viêm mũi dị ứng, cây có mẳn còn có những tác dụng gì khác?

Trần Đình Long, Đan Phượng, Hà Nội

Đáp:

cây cóc mẳn, cóc mẳn, Centipeda minima (L.), cúc mẳn, cúc ma, cỏ the, cây thuốc mộng, cây trăm chân, cóc ngồi, thạch hồ tuy, địa hồ tiêu, cầu tử thảo, nga bất thực thảo

Cóc mẳn

Việc bạn đem những cây cóc mẳn mọc hoang dại về trồng trong vườn nhà là sáng kiến rất hay. Vì ngoài tác dụng chữa viêm mũi dị ứng, cây cóc mẳn còn có thể sử dụng để chữa trị nhiều loại bệnh khác, kể cả những bệnh truyền nhiễm do vi-rút (siêu vi) gây nên.

Cây cóc mẳn có tên khoa học là Centipeda minima (L.). Cây còn có rất nhiều tên khác, như "cúc mẳn", "cúc ma", "cỏ the", "cây thuốc mộng", "cây trăm chân", "cóc ngồi" (Miền Nam), "thạch hồ tuy", "địa hồ tiêu", "cầu tử thảo", ... Trong Đông y Trung Quốc, cây có tên là "nga bất thực thảo" - có nghĩa là thứ cỏ mà con ngỗng không ăn ("nga" = con ngỗng, "bất thực" = không ăn, "thảo" = cỏ).

Cây cóc mẳn mọc hoang ở khắp những nơi ẩm thấp, thường thấy ở ruộng bỏ hoang, bờ ao, ven đường, ... Ngay trong các thành phố, ở những chân tường ẩm, cũng thấy cây mọc nhiều. Cây cóc mẳn thường chỉ được bán dùng làm thuốc ở một vài hàng lá, trong các cửa hàng Đông Nam dược rất ít khi có. Tuy  nhiên, bạn nào quan tâm có thể tự đi kiếm về dùng.

Cóc mẳn là một loại cỏ nhỏ, thân mềm, mọc bò lan, cành lòa xòa mọc sát mặt đất, phân rất nhiều cành, ở ngọn có lông trắng mịn, nhưng toàn thân trông nhẵn bóng. Lá đơn, mép có khía 1-3 răng cưa, mọc so le. Cụm hoa hình đầu, mọc ở nách lá, hoa cái gồm nhiều lớp, cánh hoa hình ống màu trắng, trên có răng cưa, tràng hoa hình chuông có 4 răng hình trứng rộng, màu hơi tím. Quả 4 cạnh, trên cạnh có lông mịn nhỏ. Mùa hoa vào các tháng 2-5; mùa quả vào các tháng 4-7.

Để dùng làm thuốc, thường hái toàn cây cả rễ, dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô.

Theo Đông y: Cóc mẳn có vị cay, tính ấm; vào kinh Thủ thái âm. Có tác dụng trừ phong, tán hàn, thắng thấp, thông mũi. Dùng chữa cảm mạo, hen suyễn, viêm họng, viêm amiđan, ho gà, kiết lỵ, lở loét ngoài da.

• Trước hết "Thuốc vườn nhà" xin nhắc lại cách dùng cây cóc mẳn để chữa viêm mũi dị ứng, để Quý bạn đọc khác cùng tham khảo:

    - Cách 1: Dùng cây cóc mẳn (tươi hoặc khô đều được) vò nát, đưa vào sát lỗ mũi, hít vào sẽ hắt hơi, sau đó sẽ cảm thấy dễ thở và dễ chịu; mỗi ngày thực hiện 2-3 lần.

    - Cách 2: Vò nát cây cóc mẳn tươi, vê tròn rồi nhét vào lỗ mũi. Có tác dụng thông mũi, tiêu viêm rất tốt.

    - Cách 3: Dùng cóc mẳn tươi 20-25g (khô 10g), tân di hoa 8g; sắc lấy nước đặc, nhỏ mũi ngày 3-4 lần.

Những đơn thuốc trên không chỉ sử dụng để chữa viêm mũi dị ứng, đối với các loại viêm mũi khác, như viêm mũi cấp, viêm mũi đơn thuần mạn tính, viêm xoang mũi, ... cũng có tác dụng khá tốt.

• Chữa cảm cúm và các bệnh khác:

    Kết quả nghiên cứu thực nghiệm những năm gần đây đã phát hiện, dịch chiết và nước sắc cóc mẳn có tác dụng ức chế khá mạnh đối với sự sinh trưởng của vi-rút cúm.

    Hiện tại, trên lâm sàng cây có mẳn thường dùng để chữa cảm cúm theo các phương pháp sau:

        - Phương pháp 1: Dùng cây cóc mẳn tươi 100g; rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cốt, hòa thêm chút rượu trắng; chia 2 lần uống trong ngày, uống ấm (trước khi uống hâm lại cho ấm). Có tác dụng khu phong tán hàn, chống vi-rút. Dùng chữa cúm thể phong hàn (với các triệu chứng như phát sốt, sợ lạnh, tắc mũi, mũi chảy nước, đau đầu, đau mình mẩy, ...).

        - Phương pháp 2: Dùng cóc mẳn phơi khô, tán thành bột mịn; ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g (trẻ nhỏ giảm nửa liều), chiêu thuốc bằng nước ấm. Có tác dụng phát tán phong hàn, kháng vi-rút. Dùng chữa bệnh cúm mới phát, với những biểu hiện thuộc thể phong hàn (với các triệu chứng như phát sốt, sợ lạnh, tắc mũi, mũi chảy nước, đau đầu, đau mình mẩy, ...).

    Một số đơn thuốc khác có dùng cây cóc mẳn:

        (1) Chữa ho gió (do ngoại cảm): Cóc mẳn (khô 15g hoặc 30g tươi); nước 500ml, sắc còn 100ml; chia 3 lần uống trong ngày.

        (2) Chữa ho gà: Dùng cóc mẳn 80g, cát cánh 60g, cam thảo 60g, bách bộ 60g, đường trắng 250g; sắc với 1500ml nước, đun cạn còn 750ml; ngày uống 3 lần, mỗi lần 10-15ml.

        (3) Chữa viêm amiđan: Dùng cóc mẳn 30g, gạo nếp 30g; trước hết giã cóc mẳn lấy nước cốt ngâm gạo nếp, sau đó nghiền gạo nếp thành bột nước; cho người bệnh ngậm và nuốt từ từ từng ít một.

        (4) Chữa suyễn thở khò khè do hàn đàm nghẽn tắc: Dùng cóc mẳn nghiền lấy nước cốt, hòa với rượu uống.

        (5) Chữa lỵ amip: Dùng cóc mẳn 15g, ô quyết 15g (còn gọi là "ô cửu", "hành đen", mọc hoang nhiều nơi ở nước ta, tên khoa học là Stenoloma chusanum (L.) Ching); sắc nước uống.

        (6) Chữa mẩn ngứa (eczema): Cóc mẳn 2 phần, đậu xanh 1 phần, muối vài hạt; cả 3 thứ giã nhỏ đắp lên nơi eczema đã rửa sạch.

        (7) Chữa nhọt độc: Dùng cóc mẳn một nắm (khoảng 15-20g), xuyên sơn giáp 2g (thiêu tồn tính), đương quy vĩ 9g; thêm 1 bát rượu, giã vắt lấy nước uống, bã đắp lên nhọt.

        (8) Chữa trĩ lở loét sưng đau: Dùng cóc mẳn tươi một mắn, giã đắp, băng cố định.

        (9) Chữa viêm da thần kinh: Dùng cóc mẳn xát vào chỗ da bị bệnh. Có tác dụng tiêu viêm, chống ngứa.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]