Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Vị thuốc, phương thuốc từ... xương rồng

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 10/02/2014 09:04 CH

Hỏi:

Từ nhỏ, tôi vẫn coi xương rồng là một loài cây rất độc, cần phải tránh xa. Gần đây tôi nghe một số người nói, xương rồng là một vị thuốc quý, có thể sử dụng để chữa nhiều chứng bệnh. Tôi cảm thấy rất thắc mắc. Vì vậy, mong "Thuốc vườn nhà" cho biết rõ hư thực ra sao?

Nguyễn Hoàng Long, Thạch Thất, Hà Nội

Đáp:

Xương rồng được sử dụng làm thuốc ở tất cả các Châu lục trên Thế giới. Từ xưa, người da đỏ ở châu Mỹ đã biết dùng xương rồng làm thuốc chữa bệnh. Trong Dược điển Mehico có tới trên 100 mục ghi chép về tác dụng và phương pháp sử dụng xương rồng để chữa bệnh. Ở Châu Âu, từ xưa người ta đã biết sử dụng xương rồng làm thuốc hạ đường huyết, cholesterol máu; trị loét dạ dày, viêm kết tràng, đái tháo đường, ... Còn ở Phương Đông, xương rồng cũng đã được sử dụng làm thuốc chữa bệnh từ rất lâu đời.

Trong phạm vi bài viết này "Thuốc vườn nhà" xin phép chỉ giới thiệu về tác dụng làm thuốc của một số loài xương rồng thường gặp ở Việt Nam. Khi nói về tác dụng chữa bệnh của xương rồng, ta cần lưu ý, có nhiều cây quen gọi là "xương rồng", song lại không thuộc Họ Xương rồng (Cactaceae), mà lại thuộc Họ thực vật khác.

1. Xương rồng ông:

xương rồng ông, xương rồng 3 cạnh, Euphorbia antiquorum L., họ Thầu dầu Euphorbiaceae

Xương rồng ông

    Cây còn hay gọi là "xương rồng 3 cạnh", tên khoa học là Euphorbia antiquorum L., thuộc họ Thầu dầu Euphorbiaceae. Cây này trước kia thường trồng làm hàng rào và hiện nay hay được trồng như một thứ cây cảnh.

    Theo Đông y: Xương rồng ông có vị đắng, tính hàn, có độc. Thân cây có tác dụng tiêu thũng, thông tiện, sát trùng. Lá có tác dụng thanh nhiệt, hành ứ; nhựa có tác dụng hành thủy, tả hạ, chống ngứa; nhị hoa có tác dụng thanh nhiệt, tiêu thũng.

    Dân gian thường dùng để chữa các chứng bệnh:

        (1) Chữa đau răng, sâu răng: Lấy cành cạo bỏ gai đem nướng nóng rồi giã nát, loại bỏ xơ, thêm muối vào lấy nước ngậm, sau một lúc nhổ đi.

        (2) Chữa mụn nhọt: Dùng thân xương rồng hơ trên lửa rồi đắp vào vết thương.

    Ở Trung Quốc thân xương rồng ông được dùng để chữa viêm dạ dày, viêm ruột cấp, sốt rét, đòn ngã sưng đau; dùng ngoài trị đinh nhọt, bệnh ecpet mảng tròn; làm thuốc sát trùng diệt sâu bọ, ...

    Ở Ấn độ nước sắc thân xương rồng ông được dùng để trị bệnh thống phong; nhựa dùng trị thấp khớp, đau dây thần kinh, phù thũng.

    Còn ở Thái Lan người ta dùng nhựa tươi để trị mụn cóc.

2. Xương rồng bà:

xương rồng bà, vợt gai, tiên nhân trưởng, họ Xương rồng Cactaceae, Opuntia dillenii Haw

Xương rồng bà

    Là cây có nguồn gốc châu Mỹ, được nhập và trồng ở nước ta khoảng từ thế kỷ 17, hiện tại đã trở thành thứ cây hoang dại, mọc nhiều ở những vùng đất cát dọc theo bờ biển.

    Xương rồng bà còn gọi là vợt gai, tiên nhân trưởng, đây mới là cây xương rồng thực sự - thuộc Họ Xương rồng Cactaceae; tên khoa học là Opuntia dillenii Haw.

    Theo Đông y: Xương rồng bà có vị đắng, tính mát, có tác dụng hành khí, hoạt huyết, thanh nhiệt giải độc, tán ứ tiêu thũng, kiện vị, chỉ thống, trừ khái, ...

    Dân gian thường dùng cành xương rồng bà chữa mụn nhọt, đầu đinh như sau: Lấy một khúc thân cạo sạch gai, giã nát với là ớt, lá mồng tơi; đem rịt vào chỗ sưng, nếu có mủ mụn sẽ vỡ nhanh.

    Tại Trung Quốc cây này được sử dụng tương đối rộng rãi, dùng để chữa tâm vị thống, viêm loét dạ dày - tá tràng, báng, lỵ, trĩ, ho, đau họng, bỏng lửa, rắn cắn, ...

3. Xương rồng ta:

xương rồng ta, xương rồng Ngọc lân, Euphorbia neriifolia L., họ Thầu dầu

Xương rồng ta

    Còn gọi là Xương rồng Ngọc lân, tên khoa học là Euphorbia neriifolia L., thuộc họ Thầu dầu, cũng là một vị thuốc dùng trong dân gian.

    Nhựa cây có tác dụng xổ và long đờm; lá có tác dụng chữa hen; rễ có tác dụng thanh nhiệt giải độc, chống co thắt.

    Trong dân gian có kinh nghiệm chữa đau khớp, buốt dọc theo xương sống như sau: Dùng thân cây cạo bỏ vỏ xanh, rửa sạch, bổ đôi, bỏ ruột lõi, thái nhỏ, phơi khô, sắc nước uống hoặc ninh thịt gà lấy nước ăn.

* Lưu ý: Xương rồng có thể dùng làm thuốc chữa bệnh, song nó là cây có độc, nếu chế biến và sử dụng không đúng phương pháp có thể gây nguy hiểm. Cho nên những kinh nghiệm giới thiệu ở trên chỉ nên xem như những thông tin tham khảo, không nên sử dụng tùy tiện khi chưa có sự hướng dẫn của các nhà chuyên môn.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]