Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Có thể sử dụng bàm bàm chữa trẻ nhỏ sài giật?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 17/12/2013 08:22 CH

Hỏi:

Tôi nghe nói cây bàm bàm chữa trẻ nhỏ sài giật rất hay. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không? Ngoài ra, cây còn có tác dụng gì khác và có độc không?

Nguyễn Công Anh, Phú Thọ

Đáp:

bàm bàm, dây bàm, đậu dẹt, Entada phaseoloides (L.) Merr.

Bàm bàm

Bàm bàm là loài cây mọc hoang dại ở khắp những rừng thứ sinh. Cây còn có tên là "dây bàm", "đậu dẹt"; tên khoa học là Entada phaseoloides (L.) Merr.

Bàm bàm là một loại dây leo, cứng. Lá kép 2 lần lông chim, cuống chính dài 10-25cm, tận cùng bởi 1 tua cuống xẻ 2. Cuống phụ gồm 2 đôi. Phiến lá chét 2-4 đôi, hình trứng dài 4-6cm, rộng 2-3cm. Hoa mọc ở kẽ lá, mọc thành bông, màu trắng nhạt, dài 15-20cm. Quả dài 45-60cm có khi tới 1m, rộng 5-7cm, chỗ giữa các hạt hơi hẹp lại. Hạt nhẵn, dày, màu nâu, đường kính 4-5cm, có vỏ dày cứng như sừng.

Để làm thuốc dân gian thường dùng lá, dây và có khi dùng hạt. Ngoài công dụng làm thuốc, thời trước dân gian còn dùng vỏ bàm bàm để tắm gội thay xà phòng. Vỏ cây hái về, cắt thành từng mảnh, đập nát, phơi hay sấy khô. Khi dùng ngâm vào nước sẽ được một thứ nước màu nâu đỏ, dùng để tắm hay gội đầu. Gỗ tuy chứa ít saponin hơn nhưng cũng dùng được. Hạt gần chín phơi khô cũng có thể dùng thay vỏ và gỗ.

Theo Đông y:

    - Dây bàm bàm có vị đắng chát, tính bình; có tác dụng trừ thấp, hoạt huyết.

    - Hạt có vị ngọt chát, tính bình, có độc; có tác dụng chống co giật, giảm đau, lợi tiểu.

Dân gian thường dùng dây bàm bàm chữa thấp khớp, đau chân tay, đau lưng, đòn ngã tổn thương. Dùng trong dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu uống, liều dùng trong ngày từ 10-30g; dùng ngoài nấu lấy nước tắm rửa. Hạt dùng chữa đau dạ dày, đau thoát vị, trĩ, hoàng đản, phù thũng. Thường dùng dưới dạng bột, hòa nước uống, với liều chỉ 1-3g.

Chú ý đặc biệt: Hạt có độc, nên dân gian thường dùng để duốc cá. Để chữa bệnh, chỉ dùng liều nhỏ và phải chế biến cẩn thận theo đúng quy trình. Người chưa có kinh nghiệm không nên sử dụng hạt. Khi bị ngộ độc thường có dấu hiệu choáng váng, buồn nôn, tăng huyết áp, nhịp tim chậm lại, thận chí có thể tử vong.

Đúng như thông tin bạn có được, trong dân gian có lưu truyền kinh nghiệm dùng bàm bàm để chữa sài giật.

Theo sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi: "Chữa nóng, sốt, sài giật trẻ em: Lá bàm bàm tươi 50g, phối hợp với lá găng trâu, lá chanh giã nhỏ, xát khắp người trẻ em như kiểu đánh gió".

Ngoài ra, có thể dùng bàm bàm để chữa ghẻ như sau: Vỏ giã nát ngâm nước, dùng nước đấy tắm ghẻ, bã vỏ thì xát lên người vào những nơi ghẻ. Một số nơi còn dùng hạt bàm bàm để đắp lên vết rắn cắn.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]