Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Măng tre: Chữa bệnh, tránh ngộ độc

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 22/01/2014 12:53 SA

Hỏi:

Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết, có thể dùng măng để chữa bệnh gì ? Ngoài ra, gần đây báo chí đưa tin, ăn măng có thể gây trúng độc, đề nghị "Thuốc vườn nhà" giải thích giúp vì sao, và cần phòng tránh như thế nào?

Trần Hoài Sơn, Lạng Giang, Bắc Giang

Đáp:

măng tre

Măng tre

Măng tre là một loại "thực dược lưỡng dụng" - vừa dùng làm thức ăn, lại vừa dùng làm thuốc.

Thời xưa, người ta thường phân loại măng theo mùa thu hái. Hái vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 gọi là "măng Xuân", cuối Thu đầu Đông là "măng Đông", còn thu hái vào mùa Hè gọi là "măng tiên" hay "măng vòi". Măng Đông là thứ cao cấp nhất, thứ măng củ này đã được nuôi dưỡng trong lòng đất qua kỳ ngủ Đông nên béo mập, mềm, ròn, ăn rất ngon. Thứ đến là măng Xuân, cũng ngon và mập. Còn măng mùa Hạ thường gầy, dài như chiếu roi ngựa, nên gọi là "măng tiên" ("tiên" = chiếc roi), hay là "măng vòi".

Măng có thể dùng tươi, phơi khô để dùng dần; có thể ngâm nước để chua thành măng chua, ... Măng tươi có thể luộc ăn thay rau, nấu món "giả cầy", các món xáo vịt, xáo ngan, ... Măng chua thường không thái mà xé dọc thành từng miếng nhỏ, đem luộc hoặc xào.

Măng tre đã được sử dụng làm thuốc trong dân gian từ nhiều thế kỷ trước.

Theo Đông y: Măng tre có vị ngọt nhạt (cam đạm), tính hơi lạnh (vi hàn). Có tác dụng thanh nhiệt, lợi niệu, hoạt huyết, khu phong. Chủ trị các chứng ho nhiệt nhiều đờm, cảm mạo phong hàn, cửu lỵ (đi lỵ lâu ngày), thoát giang (lòi rom, sa trực tràng), sởi không mọc. Còn có tác dụng giải say rượu khá tốt.

• Một số bài thuốc từ măng tre:

    (1) Chữa ho do phế nhiệt (phổi nóng): Măng tre 150-200g, đem bóc vỏ, thái lát nấu kỹ với 1 chiếc phổi lợn; chia ra ăn hàng ngày.

    (2) Chữa mất ngủ, bồn chồn: Măng tre 150-200g, thái lát, sắc kỹ lấy nước, uống hàng ngày trước khi đi ngủ. Nếu không có măng, có thể dùng búp tre non, cỏ bấc đèn - mỗi thứ 30g, sắc lên uống.

    (3) Tăng huyết áp, đau đầu, mặt đỏ, phiền khát, tối ngủ không yên giấc: Măng tre 250-300g, luộc ăn hàng ngày. Hoặc có thể dùng búp tre 30-60g, hạ khô thảo 15g, hoa hòe 9g, sắc uống.

    (4) Trị trẻ mới bị lên sởi, nốt sởi không mọc ra được hoặc mới bị thủy đậu, phát sốt, miệng khát, tiểu tiện ít: Dùng măng tre 200g, gừng tươi 5 lát, sắc nước cho uống. Hoặc lấy măng tươi nấu canh với cá diếc cho trẻ ăn sẽ mau chóng khỏi bệnh.

    (5) Kiết lỵ lâu ngày, thoát giang: Măng tre tươi nấu với gạo tẻ thành cháo ăn.

    (6) Chữa phụ nữ đẻ xong lòng bàn chân bàn tay nóng, bồn chồn: Trúc nhự tươi, búp tre tươi - mỗi thứ 30g; sắc nước uống.

• Kiêng kỵ, phòng ngộ độc:

    Theo cuốn "Doanh dưỡng bách khoa" do Hội dinh dưỡng Thượng Hải biên soạn mới xuất bản gần đây: Thành phần của măng có các amin acid như lysine, tryptophan, threonine, serine, aminopropionic, và trong số đó 3 loại đầu là những "acid amin thiết yếu" đối với cơ thể. Ngoài ra trong 100g măng có protid 4,1g, lipid 0,1g, các carbohydrate 5,7g, calcium 22mg, photpho 56mg, sắt 0,1mg, caroten 0,08mg, vitamin B1 (thiamine) 0,08mg, vitamin B2 0,08mg, niacin 0,06mg, vitamin C 1.0mg và nhiều chất xơ.

    Trong măng có nhiều calcium oxalate khó tan, cho nên những người bị viêm thận, sỏi tiết niệu khi sử dụng phải hết sức thận trọng. Măng cũng không nên nấu với đậu phụ, để calcium trong đậu phụ khỏi hóa hợp với oxalic acid trong măng, tạo nên nhiều calcium oxalate khó tan.

    Trong măng tươi có một loại glycoside có thể gây ngộ độc, tên là cyanogenic glycoside. Chất cyanogenic glycoside cũng có trong củ sắn tươi. Tuy nhiên hàm lượng cyanogenic glycoside trong măng còn tùy thuộc vào mùa thu hoạch. Nếu không luộc chín, cyanogenic glycoside sẽ chuyển hóa thành hydrogen cyanide và có thể dẫn tới ngộ độc.

    Cách phòng ngộ độc măng tươi, tương tự như phòng ngừa ngộ độc sắn tươi: Cần ngâm nước kỹ và luộc cho thật chín. Nếu bị ngộ độc, sau khi ăn vài phút, sẽ xuất hiện các chứng trạng như lợm giọng, buồn nôn, đau đầu, ...

    Đối với trường hợp ngộ độc măng tre nhẹ, cũng tiến hành như giải độc sắn, cụ thể:

        - Pha nước đường cho bệnh nhân uống; cũng có thể cho uống nước mía, nước mật, ăn kẹo, ... Sau đó lấy 50-70g đậu xanh cả vỏ giã nát, vò với một bát nước đun sôi để nguội, lọc lấy nước, chia 2 phần uống trong ngày.

        - Cũng có thể lấy rau muống giã nát vắt lấy bát nước lớn cho uống.

        - Nếu có điều kiện, còn có thể sắc nước rễ cỏ tranh hoặc râu ngô; dùng rau má rửa sạch, giã nát, ép lấy nước uống. Uống nhiều lần có thể giải độc và khỏi say.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]