Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Trà thiên đông chữa kinh nguyệt quá nhiều

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 25/11/2011 08:56 SA

Hỏi:

Cháu rất năm nay 27 tuổi, hàng tháng vẫn có kinh đều nhưng gần đây những ngày có kinh cháu cảm thấy rất mệt mỏi và máu ra nhiều, chu kỳ kinh cũng thường kéo dài, ... Cháu được bạn bè giới thiệu "Trà thiên đông" dùng cho người kinh nguyệt quá nhiều. Vậy xin "Mỹ phẩm từ thiên nhiên" cho biết Thiên đông là quả hay củ và có thể tìm mua ở đâu?

Đinh Thanh Th., Bắc Mê, Hà Giang

Đáp:

thiên môn, thiên đông môn

Thiên môn

"Thiên đông" là một tên gọi khác (dị danh) của vị thuốc "Thiên môn đông" - còn gọi là "thiên môn", "minh thiên đông", ...

Vị thuốc "thiên đông" là rễ củ của cây "thiên môn đông", người Kinh thường gọi là cây "tóc tiên leo", người Thái gọi là "co sin sương", người Mèo gọi là "sùa sú tung".

Cây thiên môn đông là loại dây leo sống lâu năm, thân có nhiều cành 3 cạnh; lá rất nhỏ trông như vẩy; hoa trắng nhỏ mọc ở kẽ lá; quả tròn mọng, khi chín màu đỏ; rễ chùm, củ hình thoi mẫm bên trong có lõi nhỏ.

Cháu có thể tự đi kiếm thiên đông hoặc mua ở các cửa hàng Đông Nam dược. Cây mọc hoang nhiều nơi, hay gặp ở núi đá, ở Hà Giang cũng có rất nhiều.

Theo Đông y: Thiên đông có vị ngọt đắng, tính rất lạnh (đại hàn). Có tác dụng thanh phế giáng hỏa (mát phế, hạ hỏa), bổ âm, nhuận táo (chống khô háo). Thường dùng chữa "âm hư phát nhiệt" (sốt do âm hư), tiêu khát (đái tháo đường), ho, thổ huyết, ...

Có thể sử dụng chữa kinh huyết quá nhiều, tuy nhiên thiên đông là vị thuốc có tính "đại hàn" nên chỉ thích ứng với chứng kinh nguyệt quá nhiều thể "huyết nhiệt"; với các triệu chứng như kinh huyết quá nhiều hoặc thời gian hành kinh kéo dài, sắc huyết đỏ thẫm hoặc tím, chất huyết dính hoặc vón cục, kèm theo lưng, bụng trướng đau, mặt đỏ, miệng khát, tiểu tiện vàng, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch đập mạnh.

Còn với thể "khí hư", với các triệu chứng như kinh nguyệt quá nhiều, sắc huyết nhợt, chất huyết lỏng loãng, kèm theo những biểu hiện như hoa mắt, chóng mặt, trống ngực, sắc mặt nhợt nhạt, mệt mỏi, kém ăn, chất lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng, mạch đập yếu, ... thì không nên dùng.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]