Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

"NGUYÊN SÂM" là sâm gì?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 21/11/2011 08:19 SA

Hỏi:

Tôi có người nhà mới bị mắc bệnh viêm tắc động mạch chi dưới. Một người bạn mách cho bài thuốc gia truyền (nói rằng thời trước gia đình có làm thuốc Đông y, các cụ thường dùng bài thuốc này chữa rất hiệu nghiệm) có tên là "thoát ung diệu phương". Bài thuốc rất đơn giản chỉ có 4 vị thuốc là: kim ngân, nguyên sâm, đương quy và cam thảo. Có điều, về vị "nguyên sâm" tôi đã hỏi khá nhiều người quen, mà chẳng ai biết chính xác là thứ sâm gì? Vì vậy rất mong "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết "nguyên sâm" là sâm gì, có những tác dụng gì?

Nguyễn Văn Tân, Yên Bái

Đáp:

huyền sâm, nguyên sâm

"Nguyên sâm" là tên dùng trong đơn thuốc xử phương danh của vị thuốc "huyền sâm".

"Huyền sâm" là một cây thuộc họ Hoa môi (Scrophulariaceae), đã được di thực vào nước ta và mọc tốt. "Huyền sâm" còn có nhiều tên gọi khác nhau như "trọng đài", "chính mã", "lộc tràng", "huyền đài", "dã chi ma", "hắc sâm", "nguyên sâm", ... trong các đơn thuốc Bắc thường gọi là "huyền sâm" hoặc "nguyên sâm".

Bài thuốc "Thoát ung diệu phương" mà bạn hỏi, có lẽ chính là bài "Tứ diệu dũng an thang", một bài thuốc cổ, được chép lại trong sách "Nghiệm phương tân biên".

Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, phương thuốc này có tác dụng làm giãn mạch và cải thiện tuần hoàn tại chỗ. Thời trước, Đông y thường dùng "Tứ diệu dũng an thang" để chữa chứng "thoát ung" - tương ứng với bệnh "viêm tắc động mạch" trong Tây y.

Theo chúng tôi được biết, thời kỳ Hà Nội mới giải phóng, các cụ lang ở Viện Đông y Hà Nội đã ứng dụng bài thuốc này chữa trị nhiều trường hợp viêm tắc động mạch đạt kết qủa tốt.

Thành phần bài thuốc "Tứ diệu dũng an thang": Huyền sâm 30g, kim ngân hoa 30g, đương quy 15g, cam thảo 10g. Sắc nước, chia 3 lần uống trong ngày.

Theo Đông y: Huyền sâm có vị đắng ngọt hơi mặn, tính hàn; vào 2 kinh Phế và Thận. Có tác dụng tư âm, giáng hỏa, trừ phiền, chỉ khát, giải độc, lợi yết hầu, nhuận táo, hoạt trường. Dùng chữa các bệnh nhiệt, phiền khát, điên cuồng, yếu hầu sưng đau, ung thũng, tràng nhạc, táo bón.

Trong dân gian: Huyền sâm thường được dùng để hạ sốt, giải độc, chữa các chứng viêm họng, viêm amiđan, chữa ho khan, mụn nhọt, lở loét, ...

Kiêng kỵ: Những người huyết áp thấp, đường huyết thấp hoặc hay đi lỏng không nên dùng độc vị huyền sâm.

Một số bài thuốc khác có sử dụng huyền sâm:

    (1) Chữa viêm họng, viêm amiđan: Huyền sâm 10g, cam thảo 3g, cát cánh 5g, mạch môn đông 8g, thăng ma 3g, nước 600ml; sắc còn 200ml chia làm nhiều lần uống trong ngày hoặc làm thuốc súc miệng.

    (2) Huyền sâm giải độc thang: Huyền sâm 9g, chi tử 6g, hoàng cầm 6g, kinh giới 6g, cát cánh 6g, cát căn 9g, sinh địa 9g, cam thảo 3g, sắc nước uống trong ngày. Có công dụng chữa viêm họng, yết hầu sưng đau, mụn nhọt lở loét.

    (3) Chữa miệng lở loét: Huyền sâm, hoàng liên, đại hoàng - các vị thuốc dùng liều lượng bằng nhau; tán thành bột mịn, ngày uống 2 lần mỗi lần 10g.

    (4) Trẻ nhỏ sốt cao: Huyền sâm 12g, kim ngân hoa 10g, thạch cao 30g, kinh giới 10g; sắc nước, chia ra uống trong ngày.

    (5) Chữa viêm tuyến tiền liệt mạn tính: Huyền sâm 15g, a giao 10g, hoàng bá 10g, xa tiền thảo 10g, nhũ hương 10g, một dược 10g, bồ công anh 20g, tử thảo 20g; sắc nước uống mỗi ngày một thang (Hiện đại thực dụng trung dược học).

    (6) Chữa tràng nhạc, viêm hạch bạch huyết: Huyền sâm (hấp chín), mẫu lệ (tẩm giấm nướng), bối mẫu (bõ lõi, hấp chín) - các vị thuốc dùng liều lượng bằng nhau; nghiền thành bột mịn, luyện với mật làm thành viên; ngày uống 2 lần mỗi lần 9g (Trung Hoa lâm sàng trung dược học).

    (7) Chữa viêm họng mạn tính: Huyền sâm, mạch môn đông, thảo quyết minh - mỗi thứ 5-10g; hãm với 200ml nước sôi, ủ trong 10 phút, uống mỗi ngày vài lần, liên tục 1 tháng (1 liệu trình), nghỉ vài ngày lại uống tiếp như vậy cho đến khi khỏi (Trung Tây y kết hợp tạp chí).

    (8) Chữa táo bón: Huyền sâm 15g, thiên hoa phấn 15g, lai phục tử 30g; chế thành thuốc tán, ngày uống 3 lần mỗi lầm 6g, mỗi liệu trình 10 ngày (Hiện đại thực dụng trung dược học).


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]