Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Tề thái - Rau dại tốt trong mùa xuân hè

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 10/04/2013 08:48 CH

Hỏi:

Gần đây đọc một cuốn sách Đông y dịch của Trung Quốc, tôi thấy tác giả giới thiệu thứ rau có tên là tề thái, nói rằng đó là loài rau dại tốt nhất trong mùa xuân hè. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết, cây tề thái có mọc ở nước ta hay không? Nếu có mọc, mong Quý báo giới thiệu cho biết về những tác dụng và các dùng cụ thể.

Trần Đình Đống, Sóc Sơn, Hà Nội

Đáp:

tề thái, tề, tề thái hoa, địa mễ thái, Capsella bursa pastoris (L.) Medic.,thuộc họ Chữ thập, Brassicaceae (Cruciferae), vị thuốc tề thái, Herba Capsellae, Herba Bursae pastorisTề thái

"Tề thái" còn gọi là "tề", "tề thái hoa", "địa mễ thái"; tên khoa học là Capsella bursa pastoris (L.) Medic.,thuộc họ Chữ thập Brassicaceae (Cruciferae).

Vị thuốc tề thái (Herba Capsellae) hoặc (Herba Bursae pastoris) là toàn cây tề thái phơi hay sấy khô. Thu hoạch vào mùa hạ (từ lập hạ đến hạ chí - theo nông lịch). Nhổ toàn cây lên, cắt bỏ rễ, phơi khô.

Tề thái là loại cỏ, mọc hằng năm hay 2 năm. Thân gầy nhỏ, màu xanh lục nhạt có lông mịn, phân nhánh hoặc không phân nhánh. Cao từ 20-40cm. Lá phía gốc mọc sát mặt đất thành hoa thị, cuống ngắn hoặc không cuống; phiến lá xẻ thành nhiều răng cưa thô to, trên phiến lá có lông nhỏ. Lá phía trên không có cuống, ôm lấy thân cây, mép có răng cưa hoặc nguyên hay hơi cắt sâu. Hoa mọc thành chùm ngắn ở đầu cành hay kẽ lá. Hoa nhỏ màu trắng. Đầu xuân nở hoa, 4 cánh, 4 lá đài xếp thành hình chữ thập. Nhị 4. Bầu thượng, 2 ngăn. Quả hình tim ngược dẹt giống cái túi của người chăn cừu bên châu Âu, do đó có tên Bursa là túi, pasoris có nghĩa là người chăn cứu.

Cây mọc hoang ở miền Bắc Việt Nam, nhiều nhất ở vùng Sapa (Lào Cai), Ninh Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tây (cũ), Hà Nội thường thấy trên các bãi hoang.

Cây còn mọc tại các nước khác, như Trung Quốc, Liên Xô (cũ), Pháp và một số nước châu Âu khác, ... Tại Liên Xô (cũ) tề thái được công nhận là vị thuốc được dùng chính thức (có trong dược điển).

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Trong cây có axit fumaric và nhiều muối kaki (40% tro là muối kaki), ngoài ra còn có colin. Gần đây người ta còn thấy trong tề thái có vitamin K. Không thấy ancaloit.

Thí nghiệm dược lý cho thấy: Tề thái có một số tác dụng chủ yếu, như hạ huyết áp; giãn huyết quản, tăng lượng máu qua động mạch vành; cầm máu; co cơ trơn, gây co thắt tử cung; hạ nhiệt; hưng phấn hô hấp; làm lành vết loét; lợi niệu. Tề thái có tác dụng dược lý giống như cựa lõa mạch; cao lỏng tề thái tác dụng trên tử cung cô lập hay trên mẩu ruột đều gây co bóp rõ rệt; axit bursic có tác dụng cầm máu. Vì trong tề thái có colin và axetylcolin cho nên cao lỏng tề thái tiêm dưới da động vật, lập tức gây hạ huyết áp và co thắt cơ hô hấp. Tiêm cao lỏng tề thái vào tĩnh mạch của chó đã gây mê, thì thấy có tác dụng hạ huyết áp, đồng thời hô hấp được hưng phấn.

Theo Đông y: Tề thái có vị cam đạm, tính mát; vào kinh Can. Có tác dụng hòa vị, lợi thủy, chỉ huyết, minh mục. Chủ trị lỵ tật, thủy thũng, lâm bệnh (tiểu nhỏ giọt), đái đục, thổ huyết, tiện huyết, huyết băng, mắt sưng đỏ đau.

Đông y và Tây y đều dùng tề thái làm thuốc cầm máu, chữa sốt, lợi tiểu, dùng trong những trường hợp ruột, tử cung xuất huyết, khái huyết, kinh nguyệt quá nhiều.

Trong "Bản thảo cương" mục ghi rằng: Tề thái có khả năng lợi gan, hòa trung, lợi ngũ tạng, rễ dùng chữa đau mắt, làm sáng mắt, ích dạ dày, rễ và lá đốt thành than chữa xích bạch lỵ; hạt minh mục (làm sáng mắt) chữa đau mắt, thong manh, bổ ngũ tạng, chữa lỵ lâu ngày.

"Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu một số bài thuốc có sử dụng tề thái:

    (1) Dự phòng viêm não dịch: Tề thái hoa 30g; sắc nước uống thay trà, cách ngày hoặc cách 3 ngày sắc uống 1 lần; liên tục 2-3 tuần.

    (2) Dự phòng sởi: Tề thái hoa 500g; thêm 500ml nước, nấu còn 250ml; mỗi tuần uống 1 lần, mỗi lần 100ml.

    (3) Chữa trẻ lên sởi hỏa thịnh: Tề thái tươi 50-100g, bạch thái căn 200-500g; sắc nước uống thay trà.

    (4) Chữa khạc ra máu: Tề thái tươi 30g, ngó sen 30g; sắc nước uống.

    (5) Chữa cao huyết áp, xuất huyết đáy mắt, choáng váng đau đầu: Tề thái tươi 50g; sắc nước uống thay trà.

    (6) Chữa lao thận: Tề thái 30g, nước 3 bát sắc còn 1 bát; đập 1 quả trứng gà vào, đun lại cho chín, thêm chút muối; ăn trứng uống nước thuốc.

    (7) Chữa phù thũng: Tề thái tươi 30-50g; sắc nước uống thay trà.

    (8) Chữa kinh nguyệt quá nhiều:

        - Tề thái khô 15g, nước 200ml, sắc còn 100ml; chia 3 lần uống trong ngày.

        - Hoặc dùng tề thái hoa 30g, thịt lợn nạc 120g; nấu canh ăn. Còn có thể dùng tề thái và mặc ngư (cá mực) nấu canh ăn.

    (9) Chữa sản hậu xuất huyết: Tề thái tươi 30g; sắc nước, chia 2 lần uống trong ngày.

    (10) Chữa lỵ: Tề thái 60g; sắc nước uống. Có thể pha thêm đường đỏ uống.

    (11) Chữa nội thương thổ huyết: Tề thái 30g, mật táo 30g; sắc nước uống.

    (12) Chữa đái dưỡng chấp, tiểu đục: Ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc. Có thể dùng cao lỏng mỗi lần 1-3ml, ngày 3 lần; hoặc cồn 1/10 ngày dùng nhiều lần, mỗi lần 15ml.

    (13) Chữa mắt đỏ sưng đau: Tề thái tươi giã nát, vắt lấy nước cốt; nhỏ vào mắt.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]