Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Dùng niệt gió chữa bệnh ngoài da

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 04/04/2013 11:19 CH

Hỏi:

Tôi nghe nói, niệt gió là vị thuốc Nam chữa được rất nhiều bệnh, kể cả ung thư. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không? Đồng thời đề nghị "Thuốc vườn nhà" giới cho một số bài thuốc tương đối đơn giản dùng niệt gió, có thể áp dụng trong điều kiện gia đình.

Lê Thương Mẫn, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc

Đáp:

niệt gió, niệt dó, gió niệt, gió cánh, gió miết, gió chuột, liễu kha vương, kê tử ma, sơn lục ma, hồng đăng lung, Wikstroemia indica C. A. Mey., thuộc họ Trầm, Thymeleaceae, cam toại NamNiệt gió

Niệt gió là loài cây mọc hoang khắp nơi ở nước ta, thường hay gặp nhất ở các bờ, bụi, vùng rừng núi cũng như đồng bằng; còn thấy mọc ở nhiều nước Đông Nam Á khác.

Cây còn có nhiều tên gọi khác, như "niệt dó", "gió niệt", "gió cánh", "gió miết", "gió chuột", "liễu kha vương", "kê tử ma", "sơn lục ma", "hồng đăng lung", ... tên khoa học là Wikstroemia indica C. A. Mey., thuộc họ Trầm (Thymeleaceae). Dân gian miền Trung dùng vỏ cây niệt gió thay "cam toại", nên có tên là "cam toại Nam".

Niệt gió là loại cây nhỏ, quanh năm xanh tươi, cao 0,3-0,6m, mang nhiều cành gầy, màu đỏ nhạt, nhiều khi mọc đối, có những sẹo lá nổi rõ lên. Lá hầu như không cuống, nhẵn, hình trứng thuôn dài, hai đầu tù hay hơi tròn, phiến lá dài 3-4cm, rộng 1-2cm. Hoa mọc thành chùm ở đầu cành hay thành bông rất ngắn. Quả mọng khi chín có màu đỏ tươi hình trứng, kèm theo vết tích của bao hoa, phần cơm hơi dày. Hạt có vỏ mỏng và mềm, vỏ trong cứng và đen nhạt.

Toàn cây có thể dùng làm thuốc, hay sử dụng nhất là lá, cành non mang lá, rễ và vỏ rễ. Lá hái vào mùa hạ; rễ hái vào mùa thu, đông hay đầu mùa xuân.

Theo Đông y: Niệt gió (cành, lá cũng như rễ) có vị đắng, cay; tính lạnh và độc. Có tác dụng thanh nhiệt, lợi niệu, giải độc, sát trùng, phá tích tán ứ. Sử dụng chữa viêm phổi, viêm tuyến nước bọt, thủy thũng cổ trướng, loa lịch, mụn nhọt lở loét, rắn rết cắn, đòn ngã tổn thương.

Trong dân gian: Niệt gió thường được dùng làm thuốc sát trùng, trừ độc, chữa sưng hạch, mụn nhọt lở loét ngoài da. Có nơi dùng vỏ cây niệt gió chữa chứng sốt cao; lá giã nát, thêm dầu vào đắp lên những nơi sưng đau, mụn nhọt (nếu không trộn với dầu có thể gây phồng da).

Niệt gió có thể sử dụng để thay thế vị thuốc "cam toại" (vị thuốc trục thủy tán kết mạnh) trong chữa trị xơ gan cổ trướng.

Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy: Niệt gió có thể sử dụng để chữa trị một số dạng ung thư.

Tuy nhiên, những ứng dụng trên, chỉ có thể áp dụng trong điều kiện bệnh viện. Trong điều kiện gia đình, với người chưa có kinh nghiệm, chỉ nên sử dụng lá hoặc rễ cam toại đắp ngoài, để chữa một số bệnh ngoài da.

Lưu ý đặc biệt: Niệt gió là cây có độc, cần hết sức thận trọng khi dùng.

Theo kinh nghiệm dân gian, để tránh ngộ độc, dược liệu sau khi thu hái về, cần nấu một đêm cho bay bớt hơi độc, rồi mới đem phơi khô, cất kín để dùng dần. Khi dùng, lại cần sắc kỹ (đun trên 3 giờ), khi nấu cần mở vung cho hơi độc thoát ra, rồi mới uống thì không ngộ độc.

Gia súc ăn lá và cây này có thể bị chết. Nhân dân một số nơi dùng làm cây duốc cá (làm cho cá ngộ độc chết để bắt). Có thể dùng làm thuốc diệt trừ sâu bọ trong nông nghiệp.

Nói chung, người không có kinh nghiệm không nên dùng.

Ngoài tác dụng làm thuốc, vỏ thân và vỏ cành có nhiều sợi, có thể dùng chế giấy. Cành và lá có chất dính có thể dùng làm keo trong kỹ nghệ làm giấy.

"Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu một số bài thuốc chữa bệnh ngoài da có sử dụng niệt gió:

    (1) Chữa da dị ứng nổi mẩn: Dùng lá niệt gió tươi 100-200g, rửa sạch, giã nát, dùng bông thấm dịch bôi vào chỗ da bị bệnh; ngày 3-4 lần.

    (2) Chữa đinh nhọt sưng tấy, bị thương, rắn cắn: Giã lá tươi đắp.

    (3) Chữa tổ đỉa ở chân (tinea pedis): Dùng độc vị lá niệt gió tươi, lượng thích hợp, giã nát đắp. Hoặc phối hợp với cỏ sữa lá to, lượng thích hợp, nấu nước rửa hoặc ngâm.

    (4) Chữa sưng hạch ở cổ:

        - Đắp ngoài: Dùng lá niệt gió tươi, lượng thích hợp, giã nát đắp vào chỗ bị bệnh rồi cố định lại; ngày thay thuốc 1-2 lần. Hoặc dùng vỏ rễ 30-60g, rửa sạch bằng nước sôi để nguội, thêm lượng thích hợp đường đỏ, cùng giã nát; đắp vào chỗ bị bệnh rồi cố định lại; ngày thay thuốc 1-2 lần.

        - Uống trong: Dùng rễ tươi 30g, thêm nước, sắc liên tục trên 3 tiếng; chắt lấy nước, chia ra uống sau các bữa ăn; ngày 1 thang.

    (5) Chữa sưng hạch ở dưới nách:

        - Đắp ngoài: Dùng lá niệt gió tươi lượng thích hợp, rửa sạch bằng nước sôi để nguội, thêm vài hạt muối giã đắp vào chỗ bị bệnh rồi cố định lại, ngày thay thuốc 1-2 lần. Hoặc dùng rễ tươi 15-30g, rửa sạch bằng nước sôi để nguội, giã nát, thêm chút giấm đắp vào chỗ bị bệnh rồi cố định lại; ngày thay thuốc 1-2 lần.

        - Uống trong: Dùng rễ khô 10-25g, thêm nước sắc liên tục trên 3 tiếng; chắt lấy nước, chia ra uống sau bữa ăn, ngày 1 thang.

    (6) Chữa sưng hạch ở bẹn:

        - Đắp ngoài: Dùng vỏ rễ (cạo bỏ lớp ngoài cùng) 30g, rửa sạch bằng nước sôi để nguội, giã nát, trộn thêm rượu đắp vào chỗ bị bệnh rồi cố định lại; ngày thay thuốc 2-3 lần.

        - Uống trong: Dùng rễ khô 10-20g, thái lát, nấu với nửa nước nửa rượu, trên 3 tiếng; chắt lấy nước, chia ra uống sau bữa ăn; ngày 1 thang.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]