Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Tác dụng chữa bệnh của cây bình rượu (hồ lô trà)

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 11/03/2013 10:24 CH

Hỏi:

Tháng trước, bà xã nhà tôi bị lên nhọt hậu bối, đau đớn vô cùng. May được một bà cụ hàng xóm người dân tộc cho nắm cây, đem về trộn với cơm nguội đắp, giảm đau và tiêu sưng rất tốt. Sau này, chúng tôi mới biết, thứ cây đã chữa khỏi bệnh cho vợ tôi mọc hoang ở khắp các đồi sim, quả có nhiều lông hay bám vào quần áo mỗi khi đi qua. Một số người gọi đó là "cây bình rượu". Nay tôi viết thư, mong được "Thuốc vườn nhà" cho biết thêm về tác dụng chữa bệnh của cây thuốc này.

Trần Bình, Thanh Sơn, Phú Thọ

Đáp:

cây bình rượu, hồ lô trà, cổ bình, cổ cò, mũi mác, thóc lép, thổ đậu, bài ngài, ngưu trùng thảo, bách lao thiệt, kim kiếm thảo, Desmodium triquetrum (L.) DC.

"Bình rượu" là một tên dân gian, gọi vị thuốc "hồ lô trà", dùng trong Đông y. Thuốc có tên "hồ lô trà" vì lá chỗ gần cuống có hình như quả bầu nậm (hồ lô) và có thể dùng uống thay trà.

Tùy theo địa phương, cây còn có những tên khác, như "cổ bình", "cổ cò", "mũi mác", "thóc lép", "thổ đậu", "bài ngài", "ngưu trùng thảo", "bách lao thiệt", "kim kiếm thảo", ... tên khoa học là Desmodium triquetrum (L.) DC., thuộc Họ đậu (Fabaceae).

Ở nước ta, cây hồ lô trà mọc hoang khắp nơi. Hầu hết các địa phương đều có. Thường gặp ở bờ ruộng, đường đi, nhất là trên các đồi cỏ, đồi sim, mua.

Cỏ bình rượu (hồ lô trà) là loại cây nhỏ, hóa gỗ ở gốc, cao 0,5-2m. Thân cành có cạnh, ban đầu trên cạnh có lông thô, sau nhẵn. Lá kép đơn, một lá chét, mọc cách. Lá chét hình thuôn dài 5-10cm, đầu lá nhọn như mũi mác (nên có nơi gọi là cây mũi mác), gốc lá có hình tim; mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông ở gân chính; cuống dài 1-3cm, có cánh rộng, hai lá kèm. Cụm hoa ở nách lá hay ở ngọn, dạng chùy. Hoa màu hồng, xếp 1-2 cái một. Đài nhẵn chia 4 thùy. Cánh cờ hình mắt chim, cánh bên hình trái xoan ngược, cánh thìa nhỏ hình mỏ cong. Nhị một bó, bầu có lông mềm. Quả đậu, thẳng, có lông màu tro mềm, mép uốn lượn, chia thành 6-8 đốt, trong chứa 6-8 hạt. Lông trên vỏ quả dễ bám vào súc vật hoặc quần áo người đi qua. Mùa hoa quả vào tháng 6-10.

Ngoài đặc tính quả có lông hay bám vào quần áo, đặc điểm nổi bật nhất để nhận biết cây này là: Phiến lá ở gần cuống có chỗ thắt lại, cuống lá có cánh rộng ở hai bên, nhìn giống như quả bầu nậm lộn ngược.

Để làm thuốc, thường dùng toàn bộ cây. Thu hái vào mùa hè, thu. Cắt lấy bộ phận trên mặt đất, bỏ những cành thô, cắt ngắn, dùng tươi hoặc phơi khô. Tại một số địa phương còn dùng cả rễ.

Theo Đông y: Hồ lô trà có vị đắng chát, tính mát; vào 3 kinh Phế, Can và Bàng quang. Có công dụng thanh nhiệt, lợi thấp, tiêu trệ, sát trùng. Dùng chữa cảm mạo, đau họng, bệnh phổi ho ra máu, viêm ruột, lỵ tật, hoàng đản, phong thấp đau khớp xương, giun móc câu, phụ nữ có thai nôn mửa, trẻ nhỏ cam tích, ghẻ lở. Liều dùng: Toàn thân bỏ rễ 30-60g hoặc 15-30g lá; sắc nước chia 2-3 lần uống trong ngày.

Ngoài công dụng làm thuốc, dân gian một số nơi khi muối cá, thường cho thêm một ít hồ lô trà tươi vào, sau đó mới dùng đá chẹn lên trên, có tác dụng phòng cá khỏi thối. Nên dân gian còn gọi loại cây này là "cây muối cá" (hàm ngư thảo).

Ngoài tác dụng chữa mụn nhọt, hậu bối, mà bạn đã tận mắt chứng nghiệm, cây thuốc này còn được sử dụng để chữa trị nhiều chứng bệnh khác.

"Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu một số ứng dụng cụ thể, tương đối đơn giản, có thể áp dụng trong điều kiện gia đình:

    (1) Mùa hè phiền khát: Dùng cây hồ lô trà, sắc nước uống thay trà trong ngày.

    (2) Chữa cảm mạo, sốt cao: Dùng hồ lô trà, cúc tần, lá tre tươi - mỗi thứ 30g; sắc lấy nước uống.

    (3) Chữa họng sưng đau: Dùng hồ lô trà 60g, sắc lấy nước; chia ra ngậm, nuốt dần, nhiều lần trong ngày.

    (4) Chữa viêm họng, ho: Dùng hồ lô trà 50g, trần bì 15g, húng chanh (tần dày lá) 30g, gừng 5g; sắc uống.

    (5) Chữa ho ra máu: Dùng hồ lô trà 75g; sắc nước uống.

    (6) Chữa nôn ra máu: Dùng hồ lô trà (thái nhỏ, sao vàng) 8-12g, sắc đặc, chắt lấy nước; hòa thêm chút mật ong vào uống.

    (7)  Chữa trẻ cam tích, tiêu hóa kém: Dùng hồ lô trà 50g, trần bì 10g, ngò gai 20g, nụ vối (hoặc lá vối) 20g, đường kính 10g; sắc với 1 lít nước, uống khi khát, cuối ngày còn thừa thì bỏ đi.

    (8) Chữa viêm gan vàng da, viêm đường tiết niệu cấp: Dùng một vị hồ lô trà, mỗi ngày 100g tươi; sắc với 1 lít nước, chia ra uống mỗi lần 100ml. Có thể phối hợp với các vị thuốc khác có tác dụng phục hồi chức năng của gan, thận như quả dứa dại, thân cây móp gai, cây chó đẻ răng cưa, ... tác dụng càng nhanh.

    (9) Chữa viêm thận: Dùng hồ lô trà 30g, đậu đen 125g; sắc nước uống trong ngày.

    (10) Chữa phong thấp khớp xương đau nhức: Cành lá hồ lô trà 30g, hầm với móng giò lợn; chia ra ăn trong ngày.

    (11) Chữa mày đay, dị ứng: Dùng cành lá cây hồ lô trà 30g tươi, sắc nước uống. Hoặc dùng toàn cây, lượng thích hợp, nấu nước xông rửa.

    (12) Chữa rắn độc cắn (chỉ nên tham khảo): Lá hồ lô trà 20-30g tươi; rửa sạch, nhai nuốt nước, bã đắp lên vết cắn.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]