Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Sách thuốc Đông y nói gì về tác dụng chữa bệnh của con ngựa?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 18/03/2014 01:01 SA

Hỏi:

Gần đây tôi nghe nhiều người nói về rất nhiều tác dụng chữa bệnh kỳ diệu của cao ngựa, nên rất muốn biết rõ thực tế ra sao. Để tham khảo, tôi rất muốn biết, từ xưa đến nay, trong sách thuốc Đông y, đã có những ghi chép gì liên quan đến tác dụng chữa bệnh của con ngựa. Rất mong "Thuốc vườn nhà" cung cấp thông tin trong thời gian sớm nhất.

Trần Thế Dân, H. Vĩnh Tường, T. Vĩnh Phúc

Đáp:

da ngựa, mã bì, xương ngựa, mã cốt, bờm ngựa, mã tung, răng ngựa, mã xỉ, móng chân ngựa, mã đề giáp, dương vật ngựa, mã âm kinh, mỡ cổ ngựa, mã kỳ cao, tim ngựa, mã tâm, gan ngựa, mã can, nhau thai ngựa, mã bào y, sữa ngựa, mã nhũ, sỏi trong dạ dày ngựa, mã bảo

Hầu hết các bộ phận của con ngựa, như da ngựa (mã bì), xương ngựa (mã cốt), bờm ngựa (mã tung), răng ngựa (mã xỉ), móng chân ngựa (mã đề giáp), dương vật ngựa (mã âm kinh), mỡ cổ ngựa (mã kỳ cao), tim ngựa (mã tâm), gan ngựa (mã can), nhau thai ngựa (mã bào y), sữa ngựa (mã nhũ) và cả sỏi trong dạ dày ngựa (mã bảo), đều có thể sử dụng làm thuốc và đã có những ghi chép trong sách thuốc Đông y cổ truyền.

Theo sách "Danh y biệt lục" của Đào Hoằng Cảnh (456-536): Ngựa có lông nhiều màu, khi làm thuốc tốt nhất nên chọn loại có lông trắng tuyền, có tác dụng tốt nhất.

Việc chọn ngựa trắng, theo chúng tôi nghĩ, có thể liên quan tới quan niệm trong triết học phương Đông cổ đại, cho rằng, ngựa thuộc "Quẻ càn" trong "Bát quái", còn theo "Ngũ hành", thuộc "hành Kim"; đều ứng với màu trắng. Tuy nhiên, trên thực tế, màu sắc của lông ngựa, có lẽ cũng không ảnh hưởng nhiều tới chất lượng của thuốc, cho nên trong sách thuốc thời sau, rất ít thấy đề cập tới với đề này. Chủ yếu là những ghi chép về tác dụng của "ngựa - nói chung", rất ít khi có một mục riêng nói về "ngựa trắng".  

"Thuốc vườn nhà" xin phép được giới thiệu một số ghi chép cụ thể:

    - Da ngựa (mã bì): Theo các sách "Thực liệu bản thảo" và "Điền nam bản thảo", có thể sử dụng để chữa trị một số bệnh ngoài da, như trẻ nhỏ rụng tóc (đốt thành than, trộn với mỡ lợn bôi), viêm da thần kinh (đốt thành than, trộn với dầu bôi vào chỗ da bị bệnh).

    - Gan ngựa (mã can): Theo sách "Thánh huệ phương", có tác dụng thông kinh nguyệt ở nữ giới. Chữa ngực bụng đầy tức, chân tay đau nhức (Gan ngựa thái lát, nướng khô, tán bột, trước bữa ăn dùng 1 tiền, hòa với rượu ấm uống).

    - Răng ngựa (mã xỉ): Theo "Bản thảo cương mục", có vị ngọt, tính bình, hơi độc (hữu tiểu độc); có tác dụng chữa kinh giản (động kinh), đinh sang (mụn nhọt, lở loét), đau răng. Chữa đinh nhọt sưng đau chưa vỡ (dùng răng ngựa trắng đốt thành than, nghiền mịn, hòa với giấm bôi).

    - Sữa ngựa (mã nhũ): Theo "Bản thảo thập di", có vị ngọt, tính lạnh; có tác dụng bổ huyết, nhuận táo, thanh nhiệt, chỉ khát (chống khát). Dùng chữa huyết hư phiền nhiệt, hư lao cốt chưng (nóng trong xương do cơ thể suy nhược), tiêu khát (tiểu đường), nha cam (bệnh răng lợi).

    - Sỏi trong dạ dày ngựa (mã bảo): Theo "Bản thảo cương mục", có vị mặn, tính bình, không độc; có tác dụng trấn kinh (chống co giật), hóa đàm (tan đờm), thanh nhiệt, giải độc. Dùng chữa kinh giản (động kinh), điên cuồng, hôn mê, thổ huyết, nục huyết (chảy máu mũi), ác sang thũng độc (mụn nhọt sưng đau).

    - Thịt ngựa (mã nhục): Theo sách "Danh y biệt lục", có vị chua ngọt (cam toan), tính lạnh; có tác dụng trừ nhiệt, hạ khí, mạnh gân, mạnh xương sống. Dùng chữa phong tê thấp người phát sốt phát rét. Kiêng kỵ, theo "Thực liệu bản thảo", người đang bị viêm loét ngoài da, ăn thịt ngựa bệnh sẽ nặng thêm; theo "Nhật Hoa tử bản thảo", khi ăn thịt ngựa, không sử dụng thương nhĩ (ké đầu ngựa) và sinh khương (gừng sống).

    - Xương ngựa (mã cốt): Theo "Thực liệu bản thảo", có vị ngọt, tính mát; chủ trị đầu sang (đầu lở loét), nhĩ sang (tai lở loét), âm sang (cơ quan sinh dục lở loét). Theo "Bản thảo cương mục", dùng chữa tiêu thư (sưng móng chân, móng tay), chảy nước, nóng như lửa đốt (dùng xương ngựa đốt thành than, hòa với dầu bôi).

    - Dương vật ngựa (mã âm kinh): Theo "Thần Nông bản thảo kinh", có vị mặn, tính bình; có tác dụng bổ thận ích khí. Chữa dương nuy (liệt dương), tinh suy, người ốm yếu gầy gò. Theo Trần Tàng Khí, để dùng làm thuốc, cần lấy dương vật của loại ngựa có lông trắng như bạc, không bệnh tật, vào mùa Xuân, thời gian ngựa giao phối, đang động dục mạnh, mới có tác dụng tốt. Theo Lôi Công, cần dùng dao đồng cắt dương vật ngựa thành 7 miếng, trộn với máu dê tươi, chưng nửa ngày, phơi khô, dùng vải thô lau hết máu và da bên ngoài, nghiền nhỏ để dùng dần.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]