Dưỡng sinh

Mùa Đông dưỡng "tàng"

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 03/11/2013 11:54 CH

tọa công trong tiết lập đông

Tọa công trong tiết Lập Đông

Mùa Đông bắt đầu từ tiết Lập Đông (vào ngày 7 hoặc ngày 8 tháng 11 Dương lịch) và kết thúc vào trước tiết Lập Xuân; tiết Lập Xuân cũng là khởi đầu mùa Xuân.

Ba tháng mùa Đông bao gồm 6 tiết khí:

    - Tháng 10 (Hợi): Lập Đông, Tiểu Tuyết;

    - Tháng 11 (Tý): Đại Tuyết, Đông Chí;

    - Tháng 12 (Sửu): Tiểu Hàn, Đại Hàn.

Mùa Đông là thời kỳ lạnh nhất trong bốn mùa. Cỏ cây rụng lá, nước đóng băng, đất nứt nẻ, gió lạnh, tuyết rơi, côn trùng ẩn lánh, mọi vật đang ở trong trạng thái ngủ đông để nuôi dưỡng sức lực. Đó là thời kỳ khí Dương tiềm phục bên trong, khí Âm cực thịnh, mọi vật đều đang bế tàng. Để thuận ứng với cái khí bế tàng trong mùa Đông, cần cất giữ Dương khí và bảo vệ Âm khí (liễm Dương hộ Âm), cần tránh chỗ lạnh gần chỗ ấm (tỵ hàn tựu ôn).

Như vậy Âm Dương sẽ được quân bình và thân thể khỏe mạnh. Trong thực hành dưỡng sinh, cần chú ý một số vấn đề như sau:

1. Về mặt tinh thần:

    Mùa Đông thuộc hành Thủy, ứng với tạng Thận.

    Thận chủ bế tàng, muốn bảo vệ Thận khí, cần giữ cho tinh thần yên tĩnh và kín đáo. Trong mùa Đông, ý chí và tình cảm phải giống như đội quân đang mai phục, như có ý tình riêng không muốn thổ lộ ra ngoài, như có vật báu mà giấu kín không để ai nhìn thấy. Như vậy, Dương khí sẽ tiềm tàng, bền vững. Không nên để cho tinh thần và tình cảm lên đến cực độ. Tình chí quá độ sẽ làm cho Dương khí bị nhiễu loạn, không còn đủ sức cân bằng với phần Âm, gây nên trạng thái mất quân bình Âm Dương, làm tổn hại đến sức khỏe và tuổi thọ.

    Mùa Đông, cảnh vật u ám, tiêu điều, dễ khiến cho tâm trạng người ta bị lâm vào trạng thái trầm uất, bi quan. Cách cải thiện tâm tình tốt nhất là hoạt động. Tùy hoàn cảnh, mỗi người tự chọn cho mình một hình thức hoạt động thích hợp. Có thể đến các câu lạc bộ chơi thể thao và các trò giả trí, tập chạy ngoài trời hoặc tập thể dục ở nhà, đi khiêu vũ hoặc nghe ca nhạc, …

    Người phương Đông xưa có nhiều thú vui như uống trà, đàm đạo, đánh cờ, làm thơ, nghe đàn, … Đó cũng là những hình thức sinh hoạt rất có ích, làm cho đời sống thêm khoái lạc trong những ngày Đông ảm đạm.

    Theo các nhà Dưỡng sinh, ba tháng mùa Đông cần phải đi ngủ sớm và dậy muộn. Ngủ sớm khi mặt trời vừa lặn để giữ ấm cơ thể nhằm bảo vệ Dương khí. Khi ngủ, Âm khí được nuôi dưỡng tốt hơn khi thức, cho nên ngủ dậy muộn chính là để kéo dài thời gian di dưỡng Âm khí. Thức ngủ theo nhịp điệu như vậy cũng chính là tuân theo quy tắc “tỵ hàn tựu ôn” trong mùa Đông.

    Mùa Đông nên ở trong nhà, không xông pha mưa gió làm cho cơ thể bị nhiễm lạnh, tổn thương Dương khí. Chỉ nên làm việc vận động nhẹ nhàng.

2. Ăn uống trong mùa Đông:

    - Mùa Đông là thời lệnh của tạng Thận. Thận chủ về vị mặn, Tâm chủ về vị đắng, vị mặn thuộc hành Thủy, đắng thuộc hành Hỏa. Trong Ngũ Hành, Thủy khắc Hỏa, cho nên sách Dưỡng sinh xưa khuyên người ta nên hạn chế vị mặn và tăng cường vị đắng trong mùa Đông. Như vậy tạng Thận sẽ không bị vượng lên thái quá mà khắc phạt, làm hại tạng Tâm.

    - Mùa Đông cần ăn nhiều thức ăn nóng ấm, giàu nhiệt lượng, để chống rét. Tuy nhiên không nên lạm dụng các chất cay nóng, như ớt, tỏi, hồ tiêu, ... Ăn quá nhiều chất cay nóng có thể làm cho Dương khí uất kết, tạo nên một thứ nhiệt tà ẩn náu bên trong cơ thể, sang mùa Xuân, Dương khí thăng phát dễ gây nên những chứng bệnh nhiệt. Trong mùa Đông cần tránh các thức ăn sống, lạnh, khó tiêu. Ăn nhiều các thứ cứng lạnh dễ làm tổn thương Dương khí, gây nên các chứng bệnh như "trung khí hạ hãm", ỉa chảy phân sống, chân tay cóng lạnh, …

    - Phép tắc cơ bản về ăn uống trong mùa Đông là "bảo Âm tiềm Dương" (bảo vệ khí Âm và cất giữ khí Dương). Các món ăn có tác dụng "bảo Âm tiềm Dương" là ba ba, rùa, mộc nhĩ, ngó sen, vừng, …

    - Thiên "Dưỡng Sinh Luận" sách "Bão Phác Tử" đưa ra quy tắc: Mùa Đông sáng sớm không để bụng đói, mùa Hạ đêm chớ ăn no ("Đông triêu vật không tâm, Hạ dạ vật bão thực"). Trong mùa Đông, buổi sáng nên ăn bát cháo nóng, bữa chiều nên ăn ít. Ăn xong tốt nhất nên lấy tay xoa bụng và đi bách bộ.

    Mùa Đông ăn cháo nấu với thịt dê có tác dụng ôn bổ Dương khí. Sáng sớm ngậm chút gừng nướng có tác dụng sinh vị khí và phòng gió độc.

    Đối với người thiên về "Dương hư", nên ăn các món ấm nóng, như thịt dê, thịt gà, … Theo Đông y, đó là những thức ấm, có tác dụng ôn trung, ích khí, bổ tinh, điền tủy.

    Đối với những người thiên về "Âm hư", nên ăn thịt vịt và thịt ngỗng, cũng như các món có tính "cam hàn" (ngọt lạnh), có tác dụng ích Âm dưỡng Vị, bổ Thận tiêu thũng, hóa đàm chỉ khái. Theo sách "Tùy Tức Cư Ẩm Thực Phổ" thì thịt vịt bổ phần Âm của ngũ tạng, trừ hư nhiệt trong ngũ tạng, bổ huyết hành thủy, dưỡng vị sinh tân. Còn thịt ngỗng có tác dụng bổ hư ích khí, noãn vị (ấm vị) sinh tân, chỉ tiêu khát.

IMG

Tọa công trong tiết Đông Chí

3. Luyện tập thân thể trong mùa Đông:

    Mùa Đông tuy giá lạnh, nhưng vẫn cần tùy theo điều kiện cụ thể để rèn luyện thân thể. Rèn luyện thân thể trong mùa Đông rất có lợi cho sức khỏe, cho nên ngạn ngữ xưa có câu "Đông luyện tam cửu".

    "Tam cửu" là những ngày đặc biệt trong mùa Đông. Chúng ta đã nói về 3 ngày "phục" sau tiết Hạ Chí. Hạ Chí là ngày "Dương cực nhất Âm sinh", Âm khí mới sinh còn tiềm phục bên trong cho nên những ngày sau Hạ Chí mới gọi là "phục". Cũng vì Âm khí mới sinh còn tiềm phục bên trong, cho nên sau tiết Hạ Chí, 2 ngày Tiểu Thử và Đại Thử vẫn là những ngày cực nóng.

    Về mùa Đông thì ngược lại, Đông Chí là ngày lạnh nhất và cũng là lúc "Âm cực nhất Dương sinh". Tuy Dương đã sinh nhưng vẫn tiềm ẩn bên trong cho nên sau Đông Chí, Tiểu Hàn và Đại Hàn vẫn là những ngày cực lạnh trong một năm. Ngày Đông Chí khí Dương bắt đầu sinh, cho nên người xưa lấy số 9 để biểu tượng cho chu kỳ biến thiên của thời tiết. Sau Đông Chí 9 ngày là "nhất cửu", sau 18 ngày là "nhị cửu", sau 27 ngày là "tam cửu", … sau 9 x 9 = 81 ngày thì đến ngày Xuân Phân của năm sau.

    Những ngày "cửu" sau Đông Chí là giai đoạn Âm khí lui dần, Dương khí tăng lên. Vận động cơ thể trong giai đoạn này sẽ có tác dụng phù trợ cho Dương khí trong cơ thể, làm cho cơ thể hòa đồng với sự tăng trưởng của Dương khí trong trời đất.

    Trong mùa Đông, có thể luyện tập trong nhà và luyện tập ngoài trời. Tuy nhiên, nếu tập ngoài trời thì không nên dậy tập quá sớm. Nói chung, nên chờ mặt trời lên rồi hãy ra ngoài luyện tập.

4. Đề phòng bệnh tật và bảo vệ sức khỏe:

    Mùa Xuân và mùa Thu là những giai đoạn chức năng sinh lý trong cơ thể phát huy hiệu suất cao nhất. Mùa Hạ, khí hậu nóng bức, các chức năng sinh lý tăng cường và năng lượng cũng bị tiêu hao nhiều. Chỉ đến mùa Đông, nhịp độ hoạt động sinh lý của cơ thể mới ở trạng thái ức chế và các quá trình trao đổi chất diễn ra chậm hơn. Đặc biệt là trong mùa Đông quá trình đồng hóa mạnh hơn quá trình dị hóa - và đây cũng chính là cơ hội thuận tiện nhất để bồi bổ cho cơ thể.

    Mùa Đông chủ về "bế tàng", trong thiên nhiên mọi vật đều tàng trữ tinh lực, nuôi dưỡng nhuệ khí để đón chờ mùa Xuân. Tẩm bổ vào mùa Đông thì cơ thể sẽ tích lũy được những chất bổ, tiềm năng sẽ được tăng cường, chuẩn bị đầy đủ sức lực cho những giai đoạn sôi động của mùa Xuân và mùa Hạ trong năm tới. Có lẽ chính vì thế cho đến nay, trong dân gian còn lưu truyền những câu ngạn ngữ, đại ý như "mùa Đông tẩm bổ tốt, cả năm sau vô bệnh". Hoặc là "mùa Đông tẩm bổ, sang Xuân đánh được hổ", …

    Trong phần nói về ăn uống mùa Đông, chúng ta đã nói qua về việc "thực bổ" (bổ bằng ăn uống), nay xin nói thêm về "dược bổ" (bổ bằng thuốc).

    Căn cứ vào tính vị, công năng và phạm vi ứng dụng, bổ bằng thuốc chia ra 4 loại là "bổ Khí", "bổ Huyết", "bổ Âm" và "bổ Dương", thích ứng với các trạng thái "Khí hư", "Huyết hư", "Âm hư" và "Dương hư".

    - Thuốc bổ Khí, thường có vị cam, tính bình hoặc hơi ấm, công năng chủ yếu là ích Phế khí, dưỡng Tâm khí, bổ Tỳ khí. Thường dùng cho những người tinh thần mệt mỏi, gầy gò, yếu sức, ăn kém, đại tiện nhão, hoặc là thở hụt hơi, thở gấp, tiếng nói yếu ớt, hay ra mồ hôi, tim hồi hộp đập loạn nhịp, mạch nhỏ vô lực, … Những thuốc bổ Khí thông dụng là nhân sâm, hoàng kỳ, đảng sâm, thái tử sâm, bạch truật, sơn dược. Khi dùng các chất này nên bổ sung thêm một số vị thuốc "lý Khí" như mộc hương, trần bì, sa nhân, …

    - Thuốc bổ Dương, có tính ấm hoặc nóng, vị cay, đắng hoặc mặn. Công năng chủ yếu là bổ Thận tráng Dương, trợ Tâm Dương, ôn Tỳ Dương, thường dùng cho những người tinh thần ủy mị, lưng đau gối mỏi, tiểu tiện nhiều lần, di tinh, mạch trầm, chất lưỡi nhạt, hoặc những người đầu choáng mắt hoa, gân cốt yếu ớt, chân tay yếu mềm, phụ nữ không có mang, trẻ em chậm mọc răng, chậm biết đi, … Những vị thuốc bổ Dương thông dụng là nhung hươu, sừng hươu, tắc kè, hải cẩu thận, ba kích, tỏa dương, …

    - Thuốc bổ Huyết, thường có tính bình hoặc ấm vị cay ngọt. Công năng chủ yếu là dưỡng tâm huyết, bổ can huyết. Thường dùng với những chứng trạng như sắc mặt vàng ệch, môi và móng chân móng tay nhợt nhạt, chóng mặt, tim hồi hộp, trống ngực, mắt mờ, tai ù, mất ngủ, hay quên, phụ nữ ít kinh, kinh huyết sắc nhợt hoặc bế kinh, … Những vị thuốc bổ Huyết thông thường là đương quy, sinh địa, hà thủ ô, a giao, bạch thược, long nhãn, hạn liên thảo (cỏ nhọ nồi), …

    - Thuốc bổ Âm, thường có vị cam, tính hàn. Tác dụng chủ yếu là dưỡng Âm, nhuận táo, sinh tân. Thường dùng với chứng trạng Âm hư dịch thiểu; ví dụ như Phế Âm hư, với những biểu hiện như miệng khô, họng háo, ho khan, mặt lưỡi đỏ tía không rêu, …; hoặc Can Âm hư, với những chứng trạng như mắt khô đầu choáng, chân tay rung giật, ngủ ít, hay mê; hoặc Thận Âm hư, với những biểu hiện lưng gối yếu mỏi đau nhức, tai ù, sốt về chiều, đêm ngủ ra mồ hôi trộm, … Những vị thuốc bổ Âm thông dụng là sinh địa, sa sâm, mạch đông, thạch hộc, câu kỷ tử, quy bản, miết giáp, …


"Trường Sinh Luận Đông phương"

Tác giả "Bác sĩ HOÀNG NGỌC ĐÍNH, Lương y THÁI HƯ"

Ngày Nay xuất bản tại Hòa Kỳ (Tháng 03/1995)


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]