Dưỡng sinh Dưỡng sinh bốn mùa

Bí quyết dưỡng sinh mùa Hạ: Mùa Hạ dưỡng "trưởng"

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 25/06/2013 09:28 SA

mùa hạ, dưỡng sinh mùa hạ, tọa công

Tọa công trong tiết Lập Hạ

Mùa Hạ bắt đầu từ tiết Lập Hạ (vào ngày 5 hoặc ngày 6 tháng 5 Dương lịch) và kết thúc vào trước tiết Lập Thu (vào ngày 7 hoặc ngày 8 tháng 8 Dương lịch). Tiết Lập Thu cũng là khởi đầu của mùa Thu.

Ba tháng mùa Hạ bao gồm 6 tiết khí:

    - Tháng 4 (Tý): Lập Hạ, Tiểu Mãn;

    - Tháng 5 (Ngọ): Mang Chủng, Hạ Chí;

    - Tháng 6 (Mùi): Tiểu Thử, Đại Thử.

Ba tháng mùa Hạ vạn vật tốt tươi, thịnh vượng. Dương khí bắt đầu nảy nở từ mùa Xuân, sang đến mùa Hạ thì cực thịnh. Dương khí của trời giáng xuống, Âm khí của đất bốc lên. Dương chủ hóa sinh, Âm chủ hóa kết thành, trời và đất giao hòa với nhau làm cho vạn vật sinh hoa, kết quả.

Mùa Hạ thời tiết nóng bức, là thời kỳ quá trình khí hóa trong thân thể rất thịnh vượng. Dương khí của cơ thể phát tiết ra ngoài, âm khí tàng phục ở bên trong.

Để thích ứng với điều kiện bên ngoài, trong thực hành dưỡng sinh cần chú ý một số vấn đề như sau:

1. Về mặt tinh thần:

    Theo thuyết Tạng tượng của Đông y, mùa Hạ ứng với tạng Tâm.

    Tâm là tạng trọng yếu nhất trong nhân thể. "Tâm chủ thần minh", đảm nhiệm chức năng của "bộ chỉ huy", làm chủ các hoạt động về tư duy, ý thức, tình cảm. Tâm là tạng rất nhạy cảm, các dao động về thất tình (tình cảm) rất dễ làm cho Tâm bị tổn thương. Muốn bảo vệ tạng Tâm, trong mùa Hạ cần làm cho thần chí cởi mở, vui vẻ, khoáng đạt mà điềm tĩnh, không cáu giận. Tâm hồn do đó sẽ giống như khí sắc phồn thịnh tốt tươi của cảnh vật trong mùa Hạ.

    Trong mùa Hạ, không nên chán ghét sự nóng bức mà nằm trong nhà, trái lại nên cố gắng tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, ca hát, du lịch, tắm biển, ... Những hoạt động này làm cho tinh thần khoáng đạt, hướng ngoại, vui vẻ và phù hợp với đạo "dưỡng trưởng" (nuôi dưỡng sự trưởng thành) về tâm thân của thuật nhiếp sinh.

2. Về sinh hoạt hàng ngày:

    Mùa Hạ ngày dài đêm ngắn, Dương khí thịnh vượng còn Âm khí giảm thiểu, tàng phục. Ba tháng mùa Hè, đêm ngủ muộn để theo đúng với sự khuyết thiểu của Âm khí, sáng dậy sớm để thuận ứng với sự thịnh trị của khí Dương.

    Mùa Hạ, khí trời nóng bức, buổi trưa nhiệt độ càng cao, giấc ngủ ban đêm tương đối ngắn, ta nên ngủ thêm một giấc vào buổi trưa. Theo Đông y, khi ngủ, cơ thể được bổ sung thêm Âm khí, như vậy sẽ giúp cơ thể duy trì được trạng thái cân bằng về Âm Dương, trong điều kiện Dương khí trong trời đất đang cực thịnh.

    Mùa Hạ, cần giữ nhiệt độ mát mẻ vừa phải ở nơi làm việc và chỗ nghỉ ngơi. Tuy nhiên, đêm đến không nên hóng mát quá lâu, không để quạt thốc vào người, không nên nằm ngủ ngoài trời, dễ bị sương đêm, gió lạnh, thấp tà thâm nhập làm hại cơ thể.

    Quần áo nên dùng các thứ mỏng, mát. Quần áo cần thay giặt luôn. Không mặc lâu quần áo đã bị mồ hôi hoặc nước thấm ẩm. Đặc biệt là quần áo vừa phơi nắng xong không được mặc ngay, Dương khí còn sót lại trong quần áo sẽ đễ dàng xâm nhập vào cơ thể gây ra những bệnh ngoài da, nặng thì có thể dẫn đến những bệnh nghiêm trọng về nội tạng.

3. Ăn uống trong mùa Hạ:

    Tạng Tâm thuộc hành Hỏa, thông với khí mùa Hạ. Sách "Kim quỹ yếu lược" khuyên mùa Hạ không nên ăn tim (Hạ bất thực tâm). Điều này cũng dễ hiểu, theo nguyên lý "đồng khí tương cầu" ăn tim bổ tim. Mùa Hạ, Tâm khí vốn đã vượng sẵn, lại dùng các món tim động vật bồi bổ thêm vào, sẽ dẫn đến tình trạng "thái quá", tạo ra "dâm khí", chỉ có hại đối với sức khỏe.

    Để nuôi dưỡng Dương khí, về mặt khí vị của thức ăn, ta nên ăn các thứ cay ấm, ít ăn các thứ đắng, mặn và hạn chế các đồ uống lạnh. Các thứ cay và ấm có tác dụng hỗ trợ Dương khí. Vị đắng thuộc hành Hỏa, ăn quá nhiều chất đắng sẽ làm Tâm Hỏa quá vượng, gây nguy cơ khắc phạt Phế Kim, làm tổn hại đến sức khỏe. Vị mặn thuộc hành Thủy, ứng với tạng Thận. Thủy khắc Hỏa, ăn quá nhiều chất mặn thì Thủy khí sẽ khắc phạt làm tổn hại Tâm Hỏa, gây nguy hại cho sức khỏe. Lạm dụng các thứ mát lạnh cũng sẽ làm tổn thương Dương khí và trái với đạo "dưỡng Dương" trong mùa Hạ.

    Mùa Hạ Hỏa khí của tạng Tâm thịnh vượng, dễ làm thương tổn Phế Kim (Hỏa khắc Kim), cho nên về mặt ăn uống cần chú ý bồi dưỡng cho tạng Phế. Mùa Hạ nên ăn thêm các chất vị cay, chất cay có tác dụng sản sinh thêm tân dịch và nuôi dưỡng tạng Phế.

    Trong mùa Hạ nên ăn các thứ dễ tiêu và có tác dụng chống nóng, tuy nhiên vẫn cần tuân theo quy luật chung "Xuân, Hạ dưỡng Dương". Mùa Hạ thông thường người ta thích ăn những thứ mát lạnh. Tuy nhiên hoa trái trong mùa Hạ lại là những thứ nóng, như dứa, mít, xoài. Ăn những thứ này là thuận theo nguyên tắc "Xuân, Hạ dưỡng Dương". Phải chăng tạo hóa đã an bài sẵn trong thiên nhiên những thức ăn giúp con người tồn tại theo đúng với quy luật tiêu trưởng của Âm Dương, Hàn Nhiệt?

    Mùa Hạ chớ ăn quá no và cần hạn chế các món khó tiêu. Sách "Dưỡng sinh thư" đã viết: Từ sau tiết Hạ Chí đến tiết Thu Phân, chớ ăn các món quay, nướng, cùng các thứ xào rán. Để dưỡng Dương, cần ăn các thức ấm. Song, về mùa Hạ chức năng của Tỳ Vị dễ bị thương tổn. Không nên ăn nhiều các chất xào rán khó tiêu, nên ăn những thứ thanh đạm và có tác dụng giải nhiệt. Cần chú ý đến vấn đề vệ sinh thực phẩm, những món bị nhiễm trùng, thiu thối ăn vào rất dễ gây bệnh tật.

mùa hạ, dưỡng sinh mùa hạ, tọa công

Tọa công trong tiết Hạ Chí

4. Luyện tập thân thể trong mùa Hạ:

    Khí hậu mùa Hạ nóng bức, khi luyện tập cơ thể dễ mệt mỏi, nếu ở lâu ngoài trời, có thể bị say nắng, cho nên luyện tập trong mùa Hạ cần chú ý tới một số vấn đề sau:

    Một là, cần lựa chọn thời gian thích hợp. Nếu tập ở ngoài trời, tốt nhất nên tập vào lúc sáng sớm hoặc tập vào buổi chiều khi trời đã mát mẻ. Sáng sớm có thể chạy ra công viên, bờ sông, bờ hồ, ... để đón không khí trong lành. Có thể tập chạy, tập đi bộ, tập quyền, luyện khí công hoặc tập bài thể dục buổi sáng, ... Buổi tối, sau bữa ăn, ra ngoài đi bách bộ cũng rất có ích.

    Hai là, cần có biện pháp bảo vệ thân thể khi luyện tập. Nắng gắt cần đội nón để tránh bức xạ mặt trời chiếu vào đầu. Quần áo cần rộng thoáng, chọn loại vài mỏng, mềm, có màu nhạt để giảm bớt sự hấp thụ nhiệt lượng. Sau khi tập có thể uống nước pha thêm chút muối, không nên uống quá nhiều nước lạnh. Khi mồ hôi chưa khô, không nên gội đầu hoặc tắm ngay bằng nước lạnh, như vậy dễ bị cảm hoặc mắc các chứng bệnh phong thấp. Sau khi luyện tập nên tắm nước nóng, sự mệt nhọc sẽ tiêu tan rất nhanh và trong người cảm thấy khoan khoái.

    Ba là, cường độ luyện tập phải thích hợp, không nên để cho cơ thể quá mệt. Những người bị bệnh cao huyết áp, bệnh tim, xơ vữa động mạch, loét dạ dày, cường tuyến giáp, béo phì (quá mập), cũng như những người già, cơ thể suy nhược không nên luyện tập nơi nắng gắt hoặc ở những nơi nhiệt độ cao.

5. Đề phòng bệnh tật và bảo vệ sức khỏe:

    Mùa Hạ, khí hậu nóng gắt lại mưa nhiều, chức năng của Tỳ Vị suy yếu, thấp tà nhân đó thâm nhập vào cơ thể, dễ gây các bệnh "chú Hạ" và "say nắng".

    "Chú Hạ" là tên một thứ bệnh liên quan đến thời tiết của mùa Hạ. Bệnh này được mô tả đầu tiên trong "Đan Khê tâm pháp" của Chu Chấn Hanh (1282 - 1358). Nguyên nhân dẫn đến bệnh này do Tỳ Vị hư yếu hoặc Âm khí bất túc, trong mùa Hạ nóng bức cảm nhiễm phải khí ôn nhiệt mà phát ra. Chứng trạng biểu hiện chủ yếu là thân thể vô lực, ngực bụng khó chịu, ngại nói, lười ăn, phân nhão. Có khi phát sốt, về chiều sốt cao hơn, khát nước, tiểu tiện nhiều, đến giai đoạn cuối thì sốt dằng dai không dứt, mỏi mệt, gầy còm, thân thể chân tay không có sức. Để dự phòng bệnh này, người xưa thường dùng những thứ thuốc mùi thơm, có tác dụng kiện Tỳ hóa thấp, thanh nhiệt lợi thấp, như "hoắc hương", "bội lan", hoặc dùng "bạch hổ thang" gia thêm nhân sâm.

    "Say nắng" do làm việc dưới trời nắng gắt hoặc ở nơi nhiệt độ cao gây ra. Chứng trạng ban đầu là chóng mặt, nôn nao, tim đập loạn, chân tay vô lực, mồ hôi toát ra, miệng khát, buồn nôn, ... Đó là những triệu chứng báo trước, nếu không chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến trạng thái say nắng. Khi đó có thể xuất hiện các triệu chứng, như phát sốt, nôn mửa, vã mồ hôi, đột nhiên ngã lăn quay, hôn mê bất tỉnh, mặt trắng bệch, chân tay co giật, răng cắn chặt, ...

    Để đề phòng say nắng, cần xếp đặt công việc cho hợp lý, làm việc và nghỉ ngơi có điều độ. Khi làm việc dưới trời nắng gắt cần có phương tiện bảo vệ thân thể. Nơi làm việc trong nhà phải thông thoáng, mát mẻ. Nên dự trữ một số thức ăn và thuốc chống say nắng, như đưa hấu, nước rễ lau, nước mơ, nước đậu xanh, nhân đơn, ...

6. Đông bệnh Hạ trị:

    Mời Quý bạn đọc tham khảo bài viết "Đông bệnh Hạ trị - Bệnh mùa Đông chữa từ mùa Hè" đã được đăng tải trong mục Tư duy độc đáo trên "Thuốc vườn nhà".


"Trường Sinh Luận Đông phương"

Tác giả "Bác sĩ HOÀNG NGỌC ĐÍNH, Lương y THÁI HƯ"

Ngày Nay xuất bản tại Hòa Kỳ (Tháng 03/1995)


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]