Dưỡng sinh Dưỡng sinh bốn mùa

Bí quyết dưỡng sinh mùa Thu: Mùa Thu dưỡng "thu"

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 24/09/2013 08:00 CH

mùa thu, dưỡng sinh mùa thu, tọa công

Tọa công trong tiết Lập Thu

Mùa Thu bắt đầu từ tiết Lập Thu (vào ngày 7 hoặc ngày 8 tháng 8 Dương lịch) và kết thúc vào trước tiết Lập Đông (vào ngày 7 hoặc ngày 8 tháng 11 Dương lịch). Phương Đông coi tiết Thu Phân là giữa mùa Thu và là giai đoạn chuyển tiếp khí hậu.

Ba tháng mùa Thu bao gồm 6 tiết khí:

    - Tháng 7 (Thân): Lập Thu, Xử Thử;

    - Tháng 8 (Dậu): Bạch Lộ, Thu Phân;

    - Tháng 9 (Tuất): Hàn Lộ, Sương Giáng.

Sang Thu, thời tiết mát dần, Dương khí dần dần thu liễm lại, Âm khí tăng lên. Trời Thu trong vắt, mặt đất khô hanh, gió heo may thổi, vạn vật thành thục; đó là mùa quả chín, mùa gặt hái. Đầu Thu là giai đoạn chuyển tiếp từ nóng sang lạnh, lúc này trời vẫn còn nóng nhiều, thấp khí (độ ẩm) vẫn còn cao, nhiều khi vẫn còn giông bão. Nói chung, sau tiết Xử Thử trời mới bớt nóng (vào ngày 23 hoặc ngày 24 tháng 8 Dương lịch, “Xử Thử” có nghĩa là hết nóng) và sau tiết Bạch Lộ (sau ngày 7 hoặc ngày 8 tháng 9 Dương lịch) lượng mưa mới giảm, trời đất khô hanh. Đây cũng là lúc nóng lạnh chuyển đổi, ngày thường nóng đêm thường lạnh, cơ thể không thích ứng được sẽ rất dễ bị cảm mạo hoặc các bệnh cũ cũng dễ tái phát.

Mùa Thu chuyển tiếp từ trạng thái tăng trưởng sang trạng thái thu nhập. Nhìn chung, thời tiết có đặc tính "thu liễm", phép Dưỡng sinh trong mùa Thu là phải thuận theo cái khí thu liễm trong trời đất mà điều hòa thân thể.

Trong thực hành Dưỡng sinh, cần chú ý đến một số vấn đề như sau:

1. Về mặt tinh thần:

    Sang Thu, thời gian chiếu sáng của mặt trời đã giảm bớt, ngày ngắn đi và đêm dài dần. Cảnh mùa Thu lá rụng, đất trời heo hắt, điêu tàn làm cho tình cảm con người dễ bị u buồn, sầu não. Mùa Thu thuộc hành Kim, Phế cũng thuộc hành Kim, cho nên khí mùa Thu thông với tạng Phế. Về mặt tình chí, tạng Phế chủ về sự u buồn, cho nên lo buồn quá mức sẽ làm cho Phế khí bị tiêu tán, dần dần dẫn đến những tổn thương ở tạng Phế.

    Về mặt tinh thần, trong mùa Thu cần tuân theo nguyên tắc chính: "Thu liễm thần khí để hòa đồng với khí mùa Thu". Thu liễm thần khí, là giữ cho tinh thần, ý chí ổn định, bình tĩnh, không bị phân tán ra bên ngoài. Tránh ưu sầu làm cho thần khí bị tiêu hao ở bên trong, tránh cáu giận làm cho thần khí bị phát tán ra bên ngoài. Thần khí thu liễm, thì dục vọng không nổi lên; dục vọng không bốc lên thì cái hòa khí trong nhân thể mới duy trì được.

    Muốn cho thần khí thu liễm, vào những ngày Thu, cần tu tập để giữ thần khí thu liễm ở bên trong, cần chú ý đến những hình thức giải trí có tác dụng giải tỏa u uất. Mùa Thu, các nhà Dưỡng sinh xưa thường tu tập theo "phép nội dưỡng" (nội dưỡng công). Hàng ngày luyện tập đạo dẫn theo phép "Tiểu chu thiên" hoặc "Đại chu thiên" để làm cho tinh thần thanh tĩnh, an định. Mùa Thu có hai ngày tết lớn, là tết Trung Thu (vào ngày 15 tháng 8 Âm lịch) và tết Trùng Dương (vào ngày 9 tháng 9 Âm lịch). Vào tết Trung Thu, nhà nhà sum họp, chuyện trò, ngắm trăng, ăn bánh, thưởng thức những trò vui giải trí như múa lân, rước đèn kéo quân, … Trong tết Trùng Dương, người xưa thường tổ chức những cuộc leo núi, lên trên đỉnh cao ngắm cảnh khiến cho tâm hồn vui tươi khoáng đạt.

2. Về sinh hoạt hàng ngày:

    Ba tháng mùa Thu cần phải đi ngủ sớm và dậy sớm. Trời tối thì đi ngủ, để tránh cảm phải sương lạnh và giúp cho thần chí được yên tĩnh. Trời tối là lúc Âm khí thu liễm, đi ngủ là thuận theo cái khí thu liễm của mùa Thu, thuận với cái đạo "dưỡng Thu". Trời hửng sáng, vạn vật mới thức tỉnh, đó là lúc Dương khí đang lớn dần và lan rộng; thức dậy khi đó sẽ hòa nhập, thuận ứng được theo với cái khí đang bừng tỉnh trong trời đất, làm cho Phế khí được tuyên phát, được thanh tịnh, cơ thể sẽ khỏe mạnh. Trái nhịp điệu trên, thì Phế khí sẽ bị tổn thương, sang mùa Đông sẽ phát ra những chứng bệnh ở Đại tràng (Phế có quan hệ biểu lý với Đại tràng).

    Khí hậu trong mùa Thu khô hanh, độ ẩm trong không khí giảm xuống, sức gió cũng mạnh hơn. Trong điều kiện như vậy, mồ hôi khô nhanh, làm cho da thịt khô héo, nứt nẻ, nếp nhăn tăng lên, miệng khô họng háo. Trong mùa Thu tóc rụng cũng nhiều hơn, dễ bị táo bón. Mùa này, không nên vận động hoặc làm việc quá nặng, khiến cho mồ hôi vã ra, làm hao tán tân dịch. Cần bảo đảm độ ấm nhất định trong phòng ngủ và nơi làm việc. Quần áo cũng đã cần mặc cho đủ ấm, tuy nhiên không nên mặc quá nhiều làm giảm mất khả năng thích nghi với lạnh của cơ thể.

3. Ăn uống trong mùa Thu:

    Tạng Phế thuộc hành Kim, thông với khí mùa Thu. Sách "Kim quỹ yếu lược" khuyên "mùa Thu không ăn phổi vì ăn phổi bổ Phế. Mùa Thu, Phế khí vốn đã vượng sẵn, bổ thêm sẽ dẫn đến tình trạng "thái quá" có hại cho sức khỏe".

    Về mặt ngũ vị, mùa Thu nên "giảm cay tăng chua". Vị cay thông với Phế, vị chua vào Can; giảm vị cay để cho Phế vị được bình hòa, tăng vị chua để di dưỡng tạng Can. Mùa Thu nên giảm bớt các chất cay như hành tỏi, gừng, kiệu, hạt tiêu, … Nên ăn thêm các thứ quả có vị chua.

    Mùa Thu khí hậu khô hanh, "Táo khí", dễ làm tổn thương tân dịch cho nên về ăn uống cũng cần chú ý đến việc bảo vệ Âm dịch. Sách "Ẩm thực chính yếu" khuyên "mùa Thu nên ăn nhiều vừng, hạnh đào, gạo nếp, mật ong, sữa, mía". Đối với người cao tuổi, sách "Y học nhập môn" viết "sáng dậy ăn cháo, có tác dụng dưỡng vị, lợi cách, sinh tân, thúc đẩy sự thay cũ đổi mới trong cơ thể, làm cho người ta cảm thấy sảng khoái". Những món cháo có thêm nấm mèo, vừng (mè), hoặc thêm một số vị thuốc như bách hợp, táo đỏ, sinh địa, hạnh nhân, … là những món bổ dưỡng, rất tốt trong mùa Thu.
Vào đầu mùa Thu, khí hậu chuyển tiếp từ nóng sang lạnh (giai đoạn này thuộc "trưởng Hạ"), lúc này trời mát dần, nhưng khí "thấp nhiệt" vẫn hun đúc mạnh, dễ làm tổn hại cơ năng của Tỳ Vị và làm suy yếu sức chống bệnh của cơ thể. Cho nên, cần ăn nhiều những thứ ấm bụng, ít ăn thứ mát lạnh, Các thứ ấm có ích cho Tỳ Vị, các thứ mát lạnh dễ làm hại Tỳ Vị và gây tổn thương tạng Phế. Các sách "Thiên kim dược phương" và "Lão lão hằng ngôn" đều khuyên "nên giữ bụng cho ấm trong giai đoạn từ sau tiết Hạ Chí đến tiết Thu Phân, chớ nên ăn nhiều các thứ hoa quả mát lạnh".

mùa thu, dưỡng sinh mùa thu, tọa công

Tọa công trong tiết Thu Phân

4. Luyện tập thân thể trong mùa Thu:

    Mùa Thu khí trời mát mẻ cũng là điều kiện tốt để rèn luyện thân thể. Tuy nhiên, cần tùy theo độ tuổi mà lựa chọn những hình thức luyện tập thích hợp. Thanh niên có thể chơi các môn leo núi, bơi lội, tắm nước lạnh. Người cao tuổi, thân thể đã hư nhược, có thể múa quyền, chạy chậm, đi bộ và tập một số công pháp nhẹ nhành, … Nói chung, mùa này nên thiên về các môn tĩnh công.

    Trong khi luyện tập, nên chú ý đến sự biến đổi của thời tiết. Buổi sáng, chỉ nên tập đến mức mồ hôi ra lâm râm. Tập quá mức, mồ hôi toát ra, không nên cởi phanh áo quần, để khỏi bị gió lạnh thâm nhập gây nên cảm mạo.

5. Đề phòng bệnh tật và bảo vệ sức khỏe:

    Mùa Thu thường hay phát sinh những chứng bệnh do "Thu táo" gây nên. Thu táo (sự khô trong mùa Thu) hay gây ra những bệnh biến ở tạng Phế. Phế là tạng rất nhạy cảm, không chịu được độ ẩm quá cao (thấp tà) cũng không chịu được thời tiết quá khô ráo (táo tà). Trước tiết Trung Thu, nhiệt độ không khí nói chung vẫn còn cao, sang đến tháng 8 mà nắng vẫn gắt - "tháng 8 nắng rám trái bưởi" như tục ngữ thường nói. Nhiệt cộng với táo thường tạo nên một thứ bệnh tà mà người xưa gọi là "ôn táo". Ôn táo là do cảm phải cái khí nắng nực hanh khô của mùa Thu, làm tổn thương tạng Phế, gây nên những triệu chứng như đau đầu, phát sốt, đau họng, ho khan không có đờm hoặc khạc ra đờm loãng dính, miệng khô, ngực đầy, da thịt khô sáp, khát nước, …

    Sau tiết Trung Thu, khí hậu mát dần, lúc này lại hay xuất hiện "lương táo" - thứ tà khí khô, thiên về hàn tính. Khi cảm phải lương táo, thoạt đầu sợ lạnh, phát sốt, không mồ hôi, mũi tắc, hơi thở khò khè. Chứng này tương tự như cảm phải phong hàn, nhưng lại có những biểu hiện hao tán tân dịch, như môi ráo, họng khô, ho khan liên tục, ngực đầy tức, cơn đau lan ra hai bên sườn, da dẻ khô rát, …

    Để đề phòng táo tà, ngoài sự ăn uống, sinh hoạt điều độ, người xưa còn dùng một số bài thuốc có tác dụng "Tuyên Phế hóa đàm", "Tư Âm ích khí". Thường dùng các vị thuốc như nhân sâm, sa sâm, sinh địa, bách hợp, hạnh nhân, bối mẫu, …


"Trường Sinh Luận Đông phương"

Tác giả "Bác sĩ HOÀNG NGỌC ĐÍNH, Lương y THÁI HƯ"

Ngày Nay xuất bản tại Hòa Kỳ (Tháng 03/1995)


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]