Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Diếp cá: Diệt khuẩn, ức chế vi-rút

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 23/07/2014 07:27 SA

Hỏi:

Tôi nghe nói, trong một số loại máy điều hòa nhiệt độ mới, người ta bắt đầu sử dụng "tinh chất diếp cá" để diệt khuẩn, làm sạch không khí và có thể phòng được bệnh cúm. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết, tin tức trên có đáng tin cậy hay không? Trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng rau diếp cá để chữa bệnh gì?

Lê Minh Tuấn, Hải Phòng

Đáp:

diếp cá

Việc sử dụng rau diếp cá trong thiết bị điều hòa không khí, với mục đích phòng ngừa dịch bệnh có đáng tin cậy hay không, thật ra còn cần chờ thông báo chính thức của giới khoa học.

Tuy nhiên, từ thời xa xưa, khi còn chưa có những thiết bị điều hòa không khí hiện đại như ngày nay, dân gian đã biết cách sử dụng rau diếp cá để phòng ngừa nhiều loại bệnh nhiễm trùng, do vi khuẩn hoặc vi-rút gây nên.

Cây diếp cá là một loại cỏ nhỏ, mọc lâu năm, ưa chỗ ẩm ướt, có thân rễ mọc ngầm dưới đất. Rễ nhỏ mọc ra từ các đốt, thân mọc đứng, cao tới 40cm, có lông hoặc ít lông. Lá mọc cách, hình tim, đầu lá hơi nhọn hay nhọn hẳn. Hoa nhỏ màu vàng nhạt, không có bao hoa, mọc thành bông, có 4 lá bắc màu trắng; trông toàn bộ bề ngoài của cụm hoa và lá bắc giống như một cây hoa đơn độc, toàn cây vò có mùi tanh như cá.Hoa nở về mùa Hạ vào các tháng 5-8.

Diếp cá, còn gọi là cây lá giấp, ngoài tác dụng dùng làm rau ăn, còn có thể dùng để chữa bệnh. Trong Đông y, rau diếp cá có tên là "ngư tinh thảo", đã được sử dụng từ khoảng 2000 năm về trước và trong sách thuốc Đông y hiện đại, diếp cá được xếp được xếp trong loại thuốc "lương huyết tiêu độc" (mát máu, tiêu độc).

Theo Đông y: Ngư tinh thảo các có vị cay, tính lạnh; vào các kinh Thủ thái âm Phế và Túc quyết âm Can. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thủy tiêu thũng. Dùng chữa chứng ho do phế nhiệt, phế ung, thủy thũng, nhiệt lị, bạch đới, mụn nhọt, ...

Diếp cá là một thứ thuốc có tính hàn (lạnh), nên dùng quá nhiều sẽ hao tổn tinh tủy và dương khí, có thể sinh ra khí suyễn. Ngoài ra, người thể tạng hư hàn cần kiêng sử dụng.

Danh y Đào Hoằng Cảnh còn nhận định: "Ngư tinh thảo không có lợi đối với chân: trẻ nhỏ ăn nhiều rau diếp cá sẽ thấy đau chân khi đại tiểu tiện" (tham khảo).

Các kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, rau diếp cá có một số tác dụng chủ yếu như sau:

    1. Kháng vi-rút: Kết quả thí nghiệm ngoài cơ thể người cho thấy, diếp các có tác dụng ức chế đối với nhiều loại vi-rút; có khả năng kìm hãm tác dụng gây bệnh của echovirus. Tinh dầu diếp cá, dùng dưới dạng thuốc tiêm, thuốc uống hay thuốc nhỏ mũi, đều có tác dụng phòng ngừa cúm ở mức độ nhất định. Nước cất diếp cá có tác dụng ức chế đối với Herpes simplex virus (HSV)) và HIV.

    2. Đối với vi khuẩn gây bệnh khác: Rau diếp cá tác dụng ức chế đối với nhiều loại vi khuẩn, như tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn tan huyết, phế cầu khuẩn, trực khuẩn lao, trực khuẩn bạch hầu, trực khuẩn coli, trực khuẩn lị, ...

    3. Tác dụng kháng viêm: Nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, rau diếp cá có tác dụng kháng viêm đối với động vật thí nghiệm.

    4. Đối với hệ thống miễn dịch: Nước sắc diếp cá, cũng như thuốc chế từ một số hoạt chất trong diếp cá có tác dụng tăng cường khả năng diệt khuẩn của bạch cầu và của đại thực bào.

    5. Một số tác dụng khác: Còn có tác dụng lợi niệu, cầm ho (trấn khái) và cầm suyễn (bình suyễn).

Trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng rau diếp cá để chữa trị một số bệnh thường gặp theo những cách sau:

    (1) Chữa viêm tai giữa, sưng tắc tia sữa: Cây diếp cá khô 20g, hồng táo (táo tàu) 10 quả, nước 600ml; sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.

    (2) Chữa mắt đỏ đau: Lá diếp cá giã nhỏ, ép vào hai miếng giấy bản, đắp lên mắt khi ngủ, làm như vậy 2-3 lần.

    (3) Chữa trĩ, lòi dom: Lá diếp cá 6-12g sắc nước uống; đồng thời sắc nước lấy hơi xông rồi rửa. Nhiều người dùng thấy hiệu nghiệm.

    (4) Chữa các chứng ho do viêm phổi, viêm phế quản:

        - Lá diếp cá tươi 30g, sắc với nước, chia 2-3 lần uống trong ngày.

        Tại Thượng Hải, Trung Quốc, thầy thuốc Chư Vân Trình đã thử nghiệm cho 23 ca bệnh phổi (bao gồm 5 ca áp-xe phổi, 2 ca viêm phổi, 2 ca giãn phế quản, 14 ca viêm phế quản cấp và bán cấp), sau 1 tuần điều trị các chứng trạng đều cải thiện tốt (Thượng Hải Trung y dược).

        - Lá diếp cá 30g, cát cánh 15g, sắc với nước, chia 3-4 lần uống trong ngày.

        Tại Trung Quốc, đã tiến hành thử nghiệm trên lâm sàng đối với bệnh nhân bị viêm phổi, sau 10 ngày dùng thuốc, 92% số bệnh nhân đã khỏi bệnh mà không cần dùng đến một thứ thuốc nào khác (Trung Hoa Nội khoa).

        - Lá diếp cá 30g, cát cánh 15g; đầu tiên sắc riêng cát cánh, sau khi sôi giữ nhỏ lửa 10-15 phút, tiếp đó cho rau diếp cá vào đun thêm 5 phút là được; chia 3-4 lần uống trong ngày.

        Đã tiến hành thử nghiệm với các bệnh nhân viêm khí quản mạn tính, hiệu quả đạt 97% (Trung y tạp chí).

    (5) Chữa lao phổi ho ra máu, khạc ra đờm hôi thối: Lá diếp cá tươi 30g, cho vào nồi đất, đổ ngập nước ngâm trong 1 giờ, đun sôi 1-2 phút (chú ý không được đun lâu), bỏ bã chắt lấy nước, đập một quả trứng gà vào trộn đều; ăn từ từ từng ít một; mỗi ngày ăn 1 lần, liên tục 20-30 ngày.

    (6) Chữa viêm phổi ho ra máu: Lá diếp cá tươi 60g, phổi lợn 1 cái, nấu thành món canh; ăn phổi và uống nước thuốc, cách 2-3 ngày ăn 1 lần, dùng liên tục khoảng 3-5 thang.

    (7) Chữa ỉa chảy do thấp nhiệt trong mùa hạ: Lá diếp cá tươi 60g (khô 30g), sắc với nước, thêm chút đường trắng vào uống trong ngày.

    (8) Chữa viêm đường tiết niệu: Lá diếp cá tươi 30g, mã đề 15g, kim tiền thảo 15g; sắc với nước, chia thành 2-3 lần uống trong ngày.

    (9) Chữa viêm tiền liệt tuyến cấp tính: Lá diếp cá tươi 60g, giã nát, đổ ngập nước vo gạo ngâm trong 1 giờ, sau đó bỏ bã; chia 2 lần uống trong ngày (Lâm sàng thường dụng trung dược thủ sách).

    (10) Chữa bạch đới, viêm loét cổ tử cung: Lá diếp cá tươi 50-100g; sắc nước ngâm rửa, mỗi tối khoảng 15 phút.


Lương y HUYÊN THẢO

Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam

Cây diếp cá


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]