Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Quả trám: Thanh nhiệt giải độc, bảo vệ gan

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 28/06/2014 02:38 SA

Hỏi:

Đề nghị "Thuốc vườn nhà" giới thiệu cho biết, ngoài công dụng dùng làm thức ăn, quả trám còn có thể sử dụng chữa những bệnh gì? Mong được hồi âm sớm vì hiện nay đang là mùa trám.

Bùi Bình, Tân Lạc, Hòa Bình

Đáp:

Trám ở nước ta có hai loài là trám trắng và trám đen.

trám trắng, cà na, thanh quả, cảm lãm, thanh tử, hoàng lãm, bạch lãm, cam lãm, Canarium album (Lour) Raensch, Canarium sinensis Rumph, Pimela alba Lour., họ Trám (Burseraceae)

Trám trắng

Trám trắng còn gọi là "cà na", "thanh quả", "cảm lãm", "thanh tử", "hoàng lãm", "bạch lãm", "cam lãm", ... tên khoa học là Canarium album (Lour) Raensch (Canarium sinensis Rumph, Pimela alba Lour.), thuộc họ Trám (Burseraceae).

Quả trám trắng có hình thoi, màu vàng xanh nhạt, hai đầu tù, dài 45mm, rộng 20-25mm, hạt cứng nhẵn, hình thoi với 2 đầu nhọn, trong có 3 ngăn. Mùa hoa tháng 6-7, mùa quả tháng 8-10. Thường người ta lấy quả, vào tháng 9-10, quả chín, hái về phơi khô trong mát là được. Ngoài việc khai thác quả, người ta còn khai thác nhựa trám, để làm hương thắp và để cất tinh dầu hay chế côlôphan trám.

trám đen, trám chim, cây bùi, mộc uy tử, hắc lãm, ô lãm, Canarium nigrum. Lour. Engl., Canarium pimela Keen-Pimela nigra Lour., họ Trám (Burseraceae)


Trám đen

Trám đen còn gọi là "trám chim", "cây bùi", "mộc uy tử", "hắc lãm", "ô lãm", ... tên khoa học là Canarium nigrum. Lour. Engl. hay Canarium pimela Keen-Pimela nigra Lour.), thuộc họ Trám (Burseraceae).

Quả trám đen có hình trứng, màu tím đen sẫm, dài 3-4cm, rộng 2cm, hạt cứng có 3 ngăn. Cây này được trồng ở nhiều nơi trong nước ta để lấy quả ăn và lấy nhựa trám. Mùa quả vào tháng 10-12. Quả trám đen thường luộc ăn. Khi luộc trám nấu nước sôi quả trám sẽ cứng, nhưng nếu non quá trám sẽ nát. Thường người ta cho muối vào nước (để cho đậm quả trám). Đun cho sôi, cho quả trám vào rồi bắc ra ngay để nguội dần là trám vừa chín và bùi, béo.

Ngoài tác dụng dùng làm thực phẩm, quả trám (bao gồm cả hạt trám và nhân trám) và các bộ phận khác của cây trám, đều có thể sử dụng làm thuốc.

Tác dụng làm thuốc của quả trám được ghi chép đầu tiên trong sách "Thực liệu bản thảo" và "Nhật hoa tử bản thảo".

Theo Đông y: Quả trám trắng có vị chua ngọt, chát, tính ôn, không độc; vào 2 kinh Phế và Vị. Có tác dụng lợi yết hầu, sinh tân chỉ khát, giải độc; là thuốc chữa yết hầu sưng đau, hòa hãn tư bổ, có thể giải được say rượu, nọc cá độc, nọc con dải, còn dùng chữa cổ họng sưng đau, ho nhiều đờm.

Theo sách "Bản thảo cầu nguyên", tác dụng làm thuốc của trám đen tương tự trám trắng.

Từ thế kỷ 16, trong sách "Bản thảo cương mục", Lý Thời Trân đã nhận định về tác dụng của trái trám như sau: "Ăn trám sống hoặc luộc ăn đều có thể giải rượu độc; nhai nuốt nước có thể chữa hóc xương cá, có thể giải chất độc của cá nóc và các loại cua cá...".

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Trái trám tươi có hàm lượng can-xi cao, hàm lượng phốt-pho, sắt và vitamin C cũng không ít; nên là thức ăn rất thích hợp với trẻ nhỏ, phụ nữ đang mang thai và những người trung cao niên cơ thể bị suy nhược. Trong quả trám còn có các chất thymol, P-cymere, nerol, geraniol, S-cadinene, B-caryophyllene, a-copaene, elemol, ...

Về mặt dược lý, kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy: Nước sắc quả trám có tác dụng bảo vệ tế bào gan đối với các tác nhân gây độc gan; còn có tác dụng kích thích tuyến nước bọt, tăng tiết dịch tiêu hóa, nhờ đó có tác dụng tăng cường tiêu hóa và hấp thụ thức ăn.

"Thuốc vườn nhà" xin phép giới thiệu một số bài thuốc thông dụng sử dụng trám:

    (1) Dự phòng bệnh hoại huyết (do thiếu vitamin C): Dùng trám tươi 30 quả, sắc nước uống hàng ngày, liên tục trong vài tuần.

    (2) Dự phòng bệnh sởi ở trẻ nhỏ: Trám tươi 20g, sắc nước cho trẻ uống trong mùa Đông Xuân hoặc trong những thời kỳ có dịch sởi. Người Trung Quốc có kinh nghiệm lấy 500g thịt quả trám, nghiền nhỏ, trộn với bột làm bánh cho trẻ ăn để phòng bệnh sởi.

    (3) Thanh long bạch hổ thang: Dùng trám trắng 25g, củ cải 50g; trám giã giập, củ cải thái thành lát nhỏ, cùng đem sắc với nước, uống thay nước hàng ngày, có thể cho thêm chút mật ong hoặc đường cho dễ uống. Có tác dụng trị viêm họng cấp, viên khí quản, ho gà và tinh hồng nhiệt; còn có tác dụng dự phòng cảm mạo, bạch hầu và viêm não.

    Bài thuốc trên được người xưa đặt tên là "Thanh long bạch hổ thang" là vì quả trám còn có tên là "thanh quả", còn củ cải màu trắng (bạch hổ), cho nên mới có tên như vậy.

    (4) Chữa ho do cảm lạnh: Lấy trám đem hấp với đường phèn, sau đó ăn trám và uống nước cốt tiết ra từ trám và đường hòa tan.

    (5) Chữa bệnh ngoài da: Quả trám (để cả hạt) đem đốt thành than, trộn với dầu vừng, bôi vào các vết thương ngoài da, như nẻ môi, đầu vú bị nứt, ...

    (6) Chữa phụ nữ nôn mửa khi có thai: Trám trắng 9 quả, giã giập, sắc nước uống thay nước trong ngày.

    (7) Chẳng may nuốt nhầm đồ ngũ kim (Kinh nghiệm có tính tham khảo, cần nghiên cứu thêm): Khi chẳng may nuốt phải những vật bằng sắt, đồng, ... người xưa có kinh nghiệm lấy hạt trám sao vàng, tán nhỏ uống với nước sôi thì đồ kim loại sẽ thải được ra ngoài theo đường đại tiện.

    (8) Chữa hôn mê do ăn phải cá nóc hoặc cá độc khác: Trám trắng giã nát, vắt lấy nước hoặc sắc quả trám lấy nước uống; liều lượng không hạn chế.

    (9) Chữa đại tiện ra máu: Hạt trám đốt thiêu tồn tính, nghiền mịm, mỗi lần uống 10g, thang bằng nước cơm.

    (10) Chữa say rượu: Trám 10 quả, sắc nước uống.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Ý kiến bạn đọc

1 Ý kiến bạn đọc
luyến vũ (28/07/2016 03:14 SA)

Ai có nhu cầu thu mua trám trắng lh với mình nha 0917034xxx

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]