Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Tác dụng chữa bệnh của mướp ta và mướp tầu (mướp khía)

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 29/05/2014 07:39 SA

Hỏi:

Tôi nghe nhiều người nói, cây mướp có thể dùng để chữa nhiều bệnh, nhưng tôi chưa biết cách sử dụng cụ thể, vì vậy đề nghị "Thuốc vườn nhà" hướng dẫn giúp hộ. Ngoài ra, tôi thấy một số nơi còn trồng loại "mướp tầu", quả to và dài hơn, có nhiều cạnh, không ngon và thơm như mướp hương của ta, ... Xin hỏi, cây mướp tầu có dùng để chữa bệnh được không?

Nguyễn Văn Nam, Thái Nguyên

Đáp:

Trong thư bạn đề cập tới hai loài mướp. Thứ nhất là cây mướp ta, còn gọi là "mướp hương", "ty qua", ... tên khoa học là Luffa cylindrica (L.) Roem., họ Bầu bí (Cucurbitaceae).

mướp ta, mướp hương, ty qua, Luffa cylindrica (L.) Roem., họ Bầu bí (Cucurbitaceae)

Mướp hương

Thứ hai là cây "mướp tầu", còn gọi là "mướp khía", "áo ty qua", "Quảng Đông ty qua", ... tên khoa học là Luffa acutangula Roxb., cùng thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae).

mướp tầu, mướp khía, áo ty qua, Quảng Đông ty qua, Luffa acutangula Roxb., Bầu bí (Cucurbitaceae)

Mướp khía

Tương tự mướp hương, "mướp tầu - mướp khía" cũng là loài cây thảo, sống hàng năm, thân dạng dây leo, phân nhiều nhánh; thân to tới 2cm, có nhiều rãnh. Lá đơn, mọc so le, hình tim, màu lục, mép có răng cưa. Hoa đơn tính, hoa đực mọc thành chùm, mỗi hoa đều có một lá bắc màu lục; đài hoa màu trắng lục, dính nhau ở gốc; các cánh hoa màu vàng sáng, cũng dính nhau ở gốc. Hoa cái mọc đơn độc, có bao hoa như hoa đực, vòi nhụy ngắn, đầu nhụy hợp bởi 3 núm có lông mềm, màu vàng. Nhưng quả lớn hơn, hình chùy, dài tới 30-40cm, đường kính tới 7-10cm, có 10 cạnh nhọn dọc theo quả (nhìn như có khía, nên có tên mướp khía); hạt chín màu đen, sần sùi.

Ngoài hai cây mướp trên, hiện nay ở nước ta còn trồng một số loài mướp khác, như "mướp hổ" (còn gọi là "mướp rắn", "mướp Ấn Độ", ...), "mướp Nhật", ... Nếu có điều kiện, "Thuốc vườn nhà" xin đề cập trong một dịp khác.

Trở lại với cây mướp ta và mướp tầu. Ngoài tác dụng dùng làm thực phẩm, từ xưa trong Đông y hai loài mướp này đã được sử dụng làm thuốc với cùng công dụng, do đó dưới đây sẽ gọi chung là "mướp".

Trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng trái mướp hoặc các bộ phận khác của cây mướp để chữa trị một số chứng bệnh thường gặp như sau:

    (1) Chữa ho, đờm vàng đặc: Mướp tươi 1 quả (khoảng 150g), thái thành từng đoạn, giã vắt lấy nước cốt, thêm mật ong hoặc hòa nước sôi, chia thành nhiều lần uống trong ngày, mỗi lần nửa chén trà. Hoặc dùng hoa mướp 6-9g, mật ong 10g, sắc uống. Ngoài tác dụng chữa ho, cả 2 phương pháp nói trên còn có thể sử dụng chữa sốt nóng, người bồn chồn, khát nước.

    (2) Chữa viêm họng, mất tiếng: Lấy 1 quả mướp già (hái vào mùa thu, khi sương đã xuống, Đông y gọi là "thiên cô lâu"), thái thành từng khúc, sắc lấy nước uống dần trong ngày.

    (3) Chữa sốt dai dẳng: Dùng xơ mướp 8g, kim ngân hoa 12g; sắc nước uống thay trà trong ngày. Dùng trong trường hợp người chỉ hâm hấp sốt, nhưng dai dẳng lâu ngày không khỏi, miệng hơi khát, đầu óc mông lung không tỉnh táo.

    (4) Chữa thiên đầu thống (đau nửa đầu): Dùng rễ mướp tươi 90g, trứng vịt 2 quả, luộc ăn trong ngày, liên tục 5 ngày.

    (5) Chữa hen phế quản: Dùng xơ mướp 9g, tang bì 10g, hạnh nhân 8g, đậu tương 20g; sắc nước uống.

    (6) Chữa chân tay, khớp xương đau nhức lâu ngày: Dùng xơ mướp 9g, cỏ xước 12g; sắc nước uống trong ngày.

    (7) Chữa ngực sườn đau tức, da khô ngứa bong vẩy: Dùng xơ mướp 9g, tang chi (cành cây dâu tằm) 12g; sắc nước uống trong ngày.

    (8) Chữa xuất huyết: Dùng trái mướp già 100-120g, đường trắng 50g; mướp rửa sạch, thái nhỏ, sắc lấy nước, hòa đường trắng vào, để nguội, chia ra nhiều lần uống trong ngày. Hoặc dùng xơ mướp thiêu tồn tính, tán bột, mỗi lần uống 2g, ngày 3 lần. Dùng chữa các loại xuất huyết, như đổ máu cam, trĩ xuất huyết, đại tiểu tiện xuất huyết, tử cung xuất huyết, ...

    (9) Chữa sản phụ thiếu sữa cho con bú: Cá diếc 2 con (khoảng 500g), mướp 200g, nấu canh ăn. Hoặc mướp 250g, hạt sen 60g, trứng gà 1 quả, dầu vừng, mắm muối gia vị lượng thích hợp; mướp thái sẵn thành miếng nhỏ, hạt sen ninh nhừ, cho mướp vào nấu tiếp 5 phút, đập trứng gà vào, thêm dầu vừng, mắm muối gia vị cho hợp khẩu vị; ngày ăn 1 lần, liên tục 7-10 ngày.

    (10) Phụ nữ băng huyết: Dùng lá mướp sao cháy đen, nghiền mịn; ngày uống 3 lần, mỗi lần 6-15g, chiêu thuốc bằng nước sôi pha thêm chút rượu trắng. Hoặc dùng trái mướp và tông lư (cuống lá hay bẹ móc của cây cọ cảnh) - lượng bằng nhau, thiêu tồn tính, tán mịn, trộn đều; hòa với rượu, uống lúc đói bụng; ngày 3 lần, mỗi lần uống 3-6g.

    (11) Chữa da mặt lở loét: Dùng trái mướp, quả bồ kết - lượng bằng nhau, cùng đốt thành than, nghiền thật mịn, trộn với dầu vừng, bôi vào chỗ da bị bệnh, ngày 2 lần.

    (12) Chữa viêm da thần kinh: Dùng lá mướp tươi, rửa sạch, vò nát, xát vào chỗ ngứa, cho tới khi da đỏ ửng lên, nhìn thấy những tia máu thì ngừng; cách ngày xát 1 lần, 7 lần xát là 1 liệu trình. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, nói chung sau 1-2 liệu trình thường bắt đầu có chuyển biến tốt.

    (13) Chữa da mọc mụn, sưng tấy: Dùng lá mướp, hành liền cả rễ, lá hẹ - lượng bằng nhau; cùng cho vào cối đá giã nhuyễn, hòa thêm chút rượu trắng, vắt nước uống.

    (14) Chữa nhọt độc mưng mủ sưng đau: Dùng quả mướp non, giã nát đắp lên nhọt, dùng băng cố định lại, mỗi ngày thay thuốc 1 lần.

    (15) Chữa viêm loét mông (tọa bản sang): Dùng vỏ quả mướp, sấy khô, tán thành bột mịn, nấu với rượu; dùng bông thấm rượu thuốc bôi ngày 3-4 lần.

    (16) Chữa lở ngứa ở bộ phận sinh dục: Dùng lá mướp 60g, thương nhĩ thảo 30g, dã cúc hoa 60g; nấu lấy ngâm rửa hàng ngày.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]