Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Cách chữa bệnh sởi của Đông y: Rau mùi chỉ có tác dụng kích thích sởi mọc

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 18/04/2014 08:28 SA

Hỏi:

Bệnh sởi đang bùng phát. Tôi thấy người ta đua nhau mua hạt mùi để sắc nước cho trẻ nhỏ uống dự phòng bệnh sởi. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết, uống nước hạt mùi có phòng ngừa được bệnh sởi hay không? Uống như vậy có hại gì không? Còn có những vị thuốc hoặc thực phẩm nào có tác dụng phòng ngừa bệnh sởi?

Câu hỏi của nhiều bạn đọc

Đáp:

rau mùi, ngò, ngổ thơm, hồ tuy, nguyên tuy, hương tuy, Coriandrum sativum L., họ Hoa tán Apiaceae (Umbelliferac)

Rau mùi

Rau mùi còn có tên là "ngò", "ngổ thơm", … Đông y thường gọi là "hồ tuy", "nguyên tuy", "hương tuy", ... tên khoa học là Coriandrum sativum L., thuộc họ Hoa tán Apiaceae (Umbelliferac).

Rau mùi là loại rau gia vị quen thuộc và cũng là một vị thuốc đã được sử dụng từ lâu đời trong dân gian và Đông y học. Khi sử dụng làm thuốc, có thể dùng toàn cây hoặc chỉ dùng hạt (về mặc thực vật học, gọi là "quả" mới đúng).

• Tính năng và tác dụng của rau mùi:

    Trong các sách thuốc của Đông y, vị thuốc "hồ tuy" được xếp trong loại thuốc "Tân ôn giải biểu" - nghĩa là loại thuốc có vị cay (tân) và ấm (ôn), dùng chữa các chứng ngoại cảm do phong hàn.

     Theo Đông y: Hồ tuy có vị cay, tính ấm; vào các kinh Phế và Tỳ. Có tác dụng phát hãn (làm ra mồ hôi để giải trừ ngoại cảm), thấu chẩn (thúc cho sởi mọc), tiêu thực (tiêu cơm), hạ khí (chữa khí nghịch lên trên). Dùng chữa sởi mọc chậm, thức ăn tích trệ.

    Khi dùng rau mùi để chữa bệnh, cần chú ý một số vấn đề như sau:

        - Theo sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư Tiến sĩ khoa học Đỗ Tất Lợi: "Phàm chứng cước khí, kim sang, sâu răng hôi mồm chớ ăn".

        - Theo "Trung dược đại từ điển": "Khi sởi đã mọc hoặc tuy chưa mọc, nhưng nhiệt độc ung trệ (nhiệt tích đọng ở bên trong cơ thể), không phải bệnh do "phong hàn ngoại thúc" (gió lạnh bó chặt ở bên ngoài) thì kiêng sử dụng".

        - Theo sách "Thiên kim. Thực trị": "Dùng nhiều và lâu ngày dẫn đến hay quên. Người bị sâu răng, hôi mồm ăn vào bệnh càng thêm nặng".

        - Theo sách "Bản thảo cương mục" của Lý Thời Trân: "Đang uống tất cả các loại thuốc bổ Đông y và những đơn thuốc có bạch truật, và mẫu đơn thì không được dùng".

• Sử dụng rau mùi để chữa sởi:

    Trở lại vấn đề phòng trị sởi. Cách chữa bệnh sởi của Đông y chia 3 giai đoạn:

        - Trong giai đoạn đầu, bệnh mới nhiễm cần "phát biểu" - nghĩa là dùng thuốc kích thích cho sởi mọc đều, để tống khứ "bệnh độc" ra ngoài.

        - Lúc sởi đã mọc, cần dùng những vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt và giải độc.

        - Sau khi sởi bay, cơ thể và huyết dịch đều bị tổn thương ở mức độ nhất định, nên cần sử dụng những vị thuốc bồi bổ, chủ yếu là có những thứ có tác dụng dưỡng âm bổ huyết.

    Rau mùi là loại thuốc cay ấm (tân ôn), chỉ có thể sử dụng trong giai đoạn đầu. Sang các giai đoạn sau, cần sử dụng các loại thuốc mát, nên rau mùi không còn thích hợp.

    Trong giai đoạn đầu, Đông y thường dùng rau mùi để thúc cho sởi mọc, theo một số cách như sau:

        (1) Dùng rau mùi hoặc hạt mùi, lượng thích hợp, nấu lấy nước, nhân lúc còn nóng đặt bên mũi xông. Hoặc dùng khăn thấm nước thuốc, xoa nhẹ lên người và chân tay (không xoa lên mặt), để kích thích cho sởi mọc nhanh hơn.

        (2) Cũng có thể đem quả mùi 80g (tán nhỏ), rượu 100ml, nước 100ml; đun sôi, đậy kín tránh bay hơi; lọc bỏ bã, phun từ đầu đến chân, trừ mặt. Cũng có tác dụng thấu chẩn tốt.


Xin nhấn mạnh lại: Tất cả những phương pháp trên chỉ áp dụng trong giai đoạn đầu của bệnh sởi, khi sởi chưa mọc hoặc mọc không đều do "phong hàn thúc biểu" (bị gió lạnh cản trở ở bên ngoài).

Thư tịch và tài liệu lâm sàng của Đông y xưa nay, không nói có thể sử dụng rau mùi hoặc hạt mùi để phòng ngừa sởi.


Để phòng ngừa bệnh bệnh sởi, có thể sử dụng một số vị thuốc khác, có sẵn trong vườn nhà, ví dụ như:

    (1) Dùng cam thảo đất: Sắc nước uống thay trà trong ngày; liên tục 3 ngày, trong thời gian có dịch.

    (2) Dùng tề thái: Sắc lấy nước, chia ra uống 3 lần trong ngày, liên tục trong 3 ngày.

    (3) Dùng thổ phục linh: Sắc lấy nước, chia ra uống 3 lần trong ngày, liên tục trong 3 ngày.

    * Liều lượng cụ thể, tăng giảm tùy theo tuổi.

    * Cần có sự hướng dẫn cụ thể của thầy thuốc Đông y.

Kính mời quý độc giả tham khảo thêm một số bài viết liên quan đến bệnh sởi, như "Cách chữa bệnh sởi bằng thuốc Nam", ""Sởi sữa" - Một loại sởi ít được biết đến", ... đã được giới thiệu trên "Thuốc vườn nhà".


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]