Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Thuốc Nam chữa trẻ nhỏ khóc đêm

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 30/10/2012 09:06 CH

Hỏi:

Tôi có đứa cháu ngoại hay khóc đêm. Nghe nhiều người nói, bệnh này phải chữa bằng thuốc Nam mới tốt. Vì vậy, mong được "Thuốc vườn nhà" hướng dẫn cho biết, có thể sử dụng những vị thuốc Nam nào để chữa?

Lê Thị Mai, Thanh Hóa

Đáp:

trầu không, cây trầu không

Khóc đêm là một chứng bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh. Dân gian thường gọi đó là "khóc dạ đề".

Biểu hiện cụ thể của bệnh là: Mỗi khi đêm đến là trẻ nhỏ bắt đầu khóc lè nhè, trăn trở khó chịu, ngủ không yên; hoặc đang ngủ yên thỉnh thoảng bỗng giật mình, tỉnh dậy, khóc thét. Phần nhiều trẻ nhỏ khóc từng đợt, lúc khóc lúc ngừng, nhưng cũng có những trường hợp trẻ nhỏ khóc lè nhè suốt cả đêm. Bệnh có đặc điểm là, đến khi trời sáng thì trẻ hết khóc và bắt đầu vào giấc ngủ.

Theo Đông y: Nguyên nhân dẫn đến khóc dạ đề chủ yếu do trẻ nhỏ "thần khí" chưa phát triển đầy đủ, khả năng thích ứng còn yếu ớt, dễ bị các kích thích bên ngoài làm cho khiếp sợ. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác như "tâm nhiệt" (tạng Tâm bị nhiệt), "tỳ vị hư hàn" (bụng lạnh, chức năng tiêu hóa yếu), ... cũng có thể dẫn đến hiện tượng khóc dạ đề.

Để chữa trị, trước hết bác có thể sử dụng thử 1 trong 2 bài thuốc đắp bên ngoài:

    (1) Dùng lá trầu không: Hái lá trầu không, đặt lên bếp hơ cho ấm, ấp vào rốn trẻ, rồi bế cháu vào lòng, ấp bụng con vào bụng mẹ, để hơi ấm của mẹ truyền sang cho con, một lát sau trẻ sẽ đỡ khóc và ngủ yên.

    (2) Dùng hạt bìm bìm: Dùng hạt bìm bìm 7-9 hạt, giã nát, trộn với nước ấm thành bột nhão; trước khi cho trẻ nằm ngủ, lấy bột thuốc đắp lên rốn, dùng băng dính cố định lại. Thích hợp với tất cả các dạng trẻ nhỏ khóc dạ đề. Cây bìm bìm mọc hoang khắp nơi, thường thấy trong các bụi rậm, ven đường; còn hay được trồng làm cảnh và làm giàn che nắng. Hạt bìm bìm trong Đông y gọi là "khiên ngưu", "khiên ngưu tử", "hắc sửu", ... Nếu không kiếm được hạt bìm bìm ở quanh nhà, có thể đến mua ở cửa hàng Đông dược.

Nếu đắp ngoài không có kết quả, cần căn cứ vào triệu chứng cụ thể, để chọn thuốc uống trong, theo 1 trong số 3 phương án dưới đây:

    1. Dạng tỳ vị hư hàn (bụng lạnh, tiêu hóa kém):

        - Biểu hiện: Trẻ khóc đêm, tiếng khóc yếu thấp, khi khóc hay ưỡn người, trán vã mồ hôi; da trẻ thường xanh nhợt, thường ngày người uể oải, mệt mỏi, hay buồn ngủ, miệng và hơi thở lạnh, bụng lạnh đau, chán ăn, đại tiện lỏng, tiểu tiện trong dài, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch tế hoãn, chỉ văn (hiện lên ở phía trong ngón tay trỏ) màu hồng nhạt.

        - Phép chữa: Để chữa trị, cần sử dụng những loại thuốc có tác dụng "ôn trung kiện tỳ" (làm ấm, tăng cường tiêu hóa).

        - Bài thuốc thường dùng:

            (1) Bài 1: Dùng gừng tươi 5g, đường đỏ 15g; gừng rửa sạch, gọt bỏ vỏ, thái chỉ, cho vào cốc sứ, đổ nước sôi vào hãm khoảng 5 phút, sau đó cho đường đỏ vào quấy đều; chia ra cho trẻ uống trong ngày và trước lúc đi ngủ.

            (2) Bài 2: Dùng hành 5-10 củ (để liền cả củ và rễ, rửa sạch, thái ngắn), gạo tẻ 25g, gừng tươi 3 lát; gạo vo sạch, cho vào nồi, thêm nước nấu cháo, khi cháo chín cho hành và gừng vào đun thêm một lát nữa cho sôi lại là được; chia ra cho trẻ ăn trong ngày.

    2. Dạng tâm nhiệt (nhiệt tích ở tạng Tâm):

        - Biểu hiện: Trẻ khóc về đêm, tiếng khóc to, mặt đỏ, môi hồng, miệng và hơi thở nóng, thường ngày hay quấy khóc không yên, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch hoạt sác, chỉ văn màu đỏ tía.

        - Phép chữa: Thanh tâm giải nhiệt (làm mát tạng Tâm và giải nhiệt).

        - Bài thuốc thường dùng:

            (1) Bài 1: Dùng lá vông nem 6g, lá diếp cá 8g, rau má 12g, gừng tươi 2 lát; sắc lấy nước; cho trẻ uống thay nước trong ngày.

            (2) Bài 2: Dùng đăng tâm thảo (cỏ bấc đèn) 15g; sắc lấy 2 nước, hợp 2 nước lại; chia ra 2 lần cho trẻ uống trong ngày. Cây cỏ bấc đèn mọc hoang ở khắp nơi, thường thấy ở những nơi ẩm ướt; mùa thu cắt toàn cây về, rạch dọc để lấy lõi riêng ra, bó thành từng bó, phơi khô để dùng dần làm thuốc.

            (3) Bài 3: Dùng lá tre 5g, gạo tẻ 25g; sắc lá tre, chắt lấy nước, cho gạo vào nấu cháo cho trẻ ăn trong ngày.

    3. Dạng kinh khủng bất an (khóc đêm do sợ hãi):

        - Biểu hiện: Trẻ khóc đêm, đêm nằm hay bất chợt tỉnh dậy khóc thét, thường ngày tính tình vốn nhút nhát, hay khiếp sợ, chất lưỡi hồng nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch tế sác.

        - Phép chữa: Dưỡng tâm an thần.

        - Bài thuốc thường dùng:

            (1) Bài 1: Dùng hạt sen (khoảng 20 hạt), để cả tâm, sắc lấy nước; chia thành 2 lần cho trẻ uống trong ngày, có thể pha thêm chút đường cho dễ uống.

            (2) Bài 2: Dùng xác ve sầu (Đông y gọi là "thiền thoái", "thiền y") 3-5g; bẻ bỏ đầu và chân, sắc lấy nước; cho trẻ uống thay nước trong ngày. Hoặc xác ve sầu đem sấy khô, nghiền thành bột mịn, cất vào lọ dùng dần; tối đến, lấy khoảng 10 ngọn bạc hà, đun nhỏ lửa cho sôi, gạn lấy nước, để gần nguội thì hòa 2-3g bột xác ve sầu vào; cho trẻ uống từng ít một, mỗi lần vài giọt, không vội vàng uống nhiều một lúc.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]