Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Không nên uống vọng cách thường xuyên

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 29/10/2012 12:05 SA

Hỏi:

Tôi bị huyết áp thấp và hay thấy chóng mặt, mệt mỏi. Mấy tháng trước, có người mách dùng cành lá cây vọng cách, băm nhỏ, sắc nước uống thay trà sẽ đỡ. Tôi uống thử, cảm thấy người đỡ mệt và phấn chấn hẳn lên. Nay tôi rất muốn tìm hiểu thêm về loại cây này. Vì vậy, rất mong "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết, ngoài tác dụng chống mệt mỏi, cây vọng cách còn có những tác dụng gì khác? Dùng uống thường xuyên thay nước, có gây nên tác hại gì không?

Nguyễn Văn Kiên, Sóc Sơn, Hà Nội

Đáp:

vọng cách, cây cách, bọng cách, Premna serratifolia L., Premna integrifolia L., Gumira littorea Rumph.

Vọng cách là cây hoang khắp nơi ở nước ta, thường thấy ở ven đồi, các bờ đầm lầy nước mặn và nước lợ. Cũng thường được trồng làm cảnh và làm thuốc trong vườn nhà. Cây còn mọc ở các nước khác như Lào, Cămpuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônêxia, Philipin, châu Úc, ...

Theo kết quả điều tra dược liệu, ở nước ta có 15 loài khác nhau, cùng thuộc "Chi cách" (Premna), họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae), trong đó có 3 loài thường được trồng để lấy lá làm rau hoặc làm thuốc:

    1. Thông dụng nhất là cây "vọng cách", còn có tên khác là "cây cách", "bọng cách", ... tên khoa học là Premna serratifolia L. (trước kia là Premna integrifolia L., hoặc Gumira littorea Rumph.), họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae). Vọng cách là loại cây gỗ nhỏ (tiểu mộc), cao 2-7m, có nhiều cành, đôi khi mọc dựa vào cây khác như cây leo. Cành non hình 4 cạnh, phủ lông mịn, đôi khi có gai, nhất là ở các mấu, về sau nhẵn, màu nâu đỏ, có rãnh và lỗ bì. Lá mỏng, hình dáng thay đổi, khi thì hình trứng khi thì hình trái xoan, đầu lá tù hay hơi nhọn, phía cuống hơi tròn; mép lá nguyên hoặc hơi khía tai bèo ở phía đầu, các gân ở mặt dưới nhẵn, hay có lông mịn. Hoa mọc thành ngù ở đầu cành, với nhiều bông nhỏ, màu trắng hoặc xanh lục nhạt, có lông mịn; lá bắc có hình lá, rất bé. Quả hình trứng, màu đen nhạt, to bằng hạt đậu, xù xì, ở đầu hơi hõm, trong có 4 ngăn, mỗi ngăn chứa một hạt. Toàn thân cây có mùi thơm dễ chịu, lá cũng có mùi thơm hơi hắc, rễ có vị hăng đắng, mùi thơm.

    2. Thứ hai là cây "cách lá rộng", có tên khoa học là Premna latifolia Roxb., họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae). Cách lá rộng có hình dạng gần giống vọng cách, nhưng to hơn, là loại cây gỗ lớn (đại mộc), cao tới 8-10m, cành non đầy lông phấn. Lá hình xoan, to rộng, dài tới 10-15cm, đáy tròn. Hoa tụ, tán gần như trên cùng một mặt phẳng.

    3. Thứ ba là cây "cách lá thơm", có tên khoa học là Premna odorata Blco., họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae). Là loại cây nhỏ (tiểu mộc), cao khoảng 3-6m. Phiến hình xoan hay bầu dục, đáy hơi lõm hình tim. Hoa màu vàng.

Trong dân gian, cả ba loài nói trên, cùng được sử dụng làm rau và làm thuốc với cùng tác dụng. Để làm thuốc, người ta thường dùng cành và lá, chặt nhỏ sắc uống; có nơi chỉ dùng lá; có nơi dùng cả vỏ thân, rễ, hái về rửa sạch, phơi hay sấy khô hoặc sao vàng, rồi mới sử dụng.

Ở nước ta, miền Bắc hay dùng lá vọng cách để ăn gỏi cá; miền Nam thường dùng trong món "thịt bò nướng lá cách"; một số địa phương còn dùng vọng cách để làm rau, nấu canh hoặc xào.

Vọng cách được sử dụng làm thuốc, chủ yếu theo kinh nghiệm dân gian: Lá vọng cách dùng để chữa lỵ, thông tiểu tiện, giúp sự tiêu hóa. Rễ vọng cách dùng chữa đau bụng, ăn uống không tiêu, chữa sốt.

Để chữa lỵ, đau bụng, kinh nghiệm dân gian dùng lá vọng cách tươi 30-40g; rửa sạch, vò nát, thêm ít nước lã đun sôi để nguội, khuấy đều, sau đó lấy nước, thêm chút đường cho ngọt mà uống; ngày uống một chén 30-40ml, trẻ em dùng nửa liều; hoặc có thể hái cành lá, phơi khô hay sao vàng, dùng 15-20g, sắc uống.

Tại Ấn Độ, Inđônêxia, người ta dùng lá vọng cách sắc uống, để chữa tê thấp, thấp khớp. Còn dùng để lợi sữa cho phụ nữ mới sinh con: Mỗi ngày dùng 30-40g lá tươi, hoặc 15-20g rễ, sắc uống.

Nghiên cứu hiện đại về cây vọng cách còn tương đối hiếm. Kết quả sơ bộ cho thấy, trong vọng cách có hai loại alcaloid, gọi là premnin và ganiarin. Trong rễ có tinh dầu thơm và một chất màu vàng. Kết quả nghiên cứu dược lý cho thấy, các chất premnin và ganiarin trong vọng cách có tác dụng tăng cường thần kinh giao cảm - nghĩa là làm co mạch, tăng huyết áp, tăng tiết nước bọt, nở đồng tử, tăng nhu động ruột, nở khí quản, ... Tăng nhu động ruột và tiết nước bọt khiến ăn ngon miệng hơn; khí quản nở to thì thở tốt; huyết áp tăng (đối với người có huyết áp thấp) thì cảm thấy người mạnh khỏe hơn, ... Do đó, dùng cành lá vọng cách sắc uống, sẽ có cảm giác hưng phấn, đỡ mệt mỏi, người dễ chịu hơn, ... như bạn viết trong thư.

Cơ chế cường giao cảm cũng giải thích tác dụng lợi sữa, điều kinh, trị nhức mỏi, thấp khớp, ... theo kinh nghiệm dân gian.

Nước sắc cây vọng cách còn có tác dụng kháng sinh mạnh, nên có thể sử dụng trong những trường hợp nhiễm khuẩn đường ruột, ngộ độc thực phẩm, lỵ trực trùng, ... còn có thể dùng bôi mụn nhọt, lở ngứa ngoài da, ... Tuy nhiên, hai loại alcaloid nói trên (premnin và ganiarin) trong cây vọng cách là những chất hơi độc. Do đó, nói chung chỉ nên sử dụng vọng cách theo từng liệu trình, 5-7 ngày thì tạm ngừng. Không nên sử dụng liều cao và không nên dùng liên tục.

Theo Y học hiện đại, thường xuyên uống vọng cách thay nước có thể gây cường thần kinh giao cảm, khiến huyết áp tăng cao, không tốt. Nói theo Đông y, uống thường xuyên có thể gây nên mất cân bằng Âm Dương và làm rối loạn chức năng của tạng phủ, từ đó có thể dẫn tới những chứng bệnh khó lường trước được.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]