Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Thuốc Nam chữa khí hư

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 10/06/2013 07:55 SA

Hỏi:

Tôi nghe nhiều người nói, bệnh khí hư, cũng như nhiều bệnh phụ nữ khác, chữa bằng thuốc Nam tốt hơn tân dược. Vì vậy, tôi mong "Thuốc vườn nhà" mách giúp một số bài thuốc chữa khí hư để áp dụng thử. Xin cảm ơn và mong được hồi âm thời gian nhanh nhất.

Minh Hương, Lương Tài, Bắc Ninh

Đáp:

cây ích mẫu, ích mẫu, ích mẫu thảo

Đúng là dân gian và Đông y có rất nhiều bài thuốc hay chữa các bệnh phụ khoa. Tuy nhiên, muốn có kết quả tốt, cần sử dụng thuốc Nam theo đúng lý luận Đông y.

Cụ thể, đối với bệnh khí hư, chúng ta nên biết, trên lâm sàng, bệnh khí hư được chia thành 5 thể. Cần căn cứ vào biểu hiện cụ thể, để nhận biết thể bệnh và áp dụng bài thuốc tương ứng, theo nguyên tắc "biện chứng luận trị" như sau:

1. Thể tỳ hư:

    - Biểu hiện: Khí hư sắc trắng như nước bọt, không có mùi hôi, lưng bụng không trướng đau, kinh nguyệt bình thường. Sắc da nhợt nhạt, tinh thần mệt mỏi, tay chân lạnh, đại tiện lỏng, nước tiểu trong và nhiều, rêu lưỡi trắng, mạch hoãn nhược (chậm, yếu).

    - Muốn chữa cần sử dụng bài thuốc có tác dụng "bổ tỳ ích khí" như sau: Bố chính sâm (tẩm nước gừng sao vàng) 40g, hạt sen (sao vàng), vỏ quít 12g, tỳ giải 20g, ý dĩ (sao vàng) 40g, sa nhân (nếu không có, thay bằng ngải cứu khô) 10g, củ sả 12g.

    - Cách sử dụng: Tất cả các vị thuốc sao chế xong, sấy khô, tán thành bột mịn, luyện hồ làm viên bằng hạt ngô; ngày uống 2 lần, sáng và tối, mỗi lần 20g; uống theo từng đợt (liệu trình) 10-15 ngày.

2. Thể thấp nhiệt:

    - Biểu hiện: Khí hư ra nhiều, chất dịch đặc dính, hôi, có khi lẫn máu. Nặng đầu, choáng váng, người mệt mỏi, miệng khát mà không muốn uống nhiều nước, bứt rứt khó ngủ, đại tiện thất thường, tiểu tiện sẻn đỏ hoặc đi nhiều mà buốt, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch nhu sác (yếu mà đi rất nhanh, một hơi đến 6-7 lần).

    - Để chữa trị, có thể dùng bài thuốc có tác dụng "thanh nhiệt trừ thấp" sau: Khiếm thực (sao vàng) 40g, ý dĩ (sao vàng) 40g, bông mã đề 20g, hoa mào gà 20g, vỏ cây núc nác (tẩm rượu sao) 20g; tất cả các vị thuốc sao chế xong, sấy khô, tán thành bột mịn, cho vào lọ nút kín, dùng dần; ngày uống 2 lần, sáng và tối, mỗi lần 20g; theo từng đợt (liệu trình) 10-15 ngày.

3. Thể đàm thấp:

    - Biểu hiện: Thường thấy ở những người béo mập. Khí hư ra nhiều, đặc quánh như đờm. Đầu mặt xây xẩm, ngực tức, bụng đầy, miệng nhạt, kém ăn, hơi thở mạnh và gấp, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch hoạt (đi trơn tru, lúc nhúc như chuỗi hạt châu).

    - Để chữa trị, có thể dùng bài thuốc có tác dụng "trừ thấp, kiện tỳ, hóa đàm" sau: Thổ phục linh (sao vàng) 20g, vỏ quít 16g, bán hạ (tẩm nước gừng sao) 16g, vỏ rụt 20g, củ gấu (sao với đồng tiện) 20g, chỉ xác 12g, gừng sống 8g; tất cả cho vào ấm, đổ 600ml nước, sắc còn 300ml, chia thành 2 lần uống trong ngày, sáng và tối; liệu trình 10-15 ngày.

4. Thể can uất:

    - Biểu hiện: Khí hư màu đỏ nhợt hoặc trắng, chất dịch đặc dính, tiết ra dai dẳng không dứt; hành kinh không đúng kỳ; tinh thần kém thư thái; dưới sườn có cảm giác đầy tức, trướng đau; miệng đắng, họng khô, da mặt vàng, nước tiểu vàng, rêu lưỡi trắng vàng lẫn lỗn, mạch huyền (căng như sợi dây đàn).

    - Dùng bài thuốc có tác dụng "hòa can (điều hòa tạng can), giải uất, thanh nhiệt" sau: Xích đồng nam (sao vàng) 40g, bạch đồng nữ (sao vàng) 40g, thanh bì 20g, quả dành dàng (sao cháy) 20g, dái nghệ vàng 20g, cam thảo 16g; tất cả cho vào ấm, đổ 800ml nước, sắc còn 450ml, chia thành 3 lần uống trong ngày; liệu trình 10 ngày.

5. Thể thận hư:

    - Biểu hiện: Khí hư sắc trắng như lòng trắng trứng gà, dai dẳng lâu ngày không dứt; sắc mặt xám tối, mỏi mệt, lưng đau như muốn gẫy, bụng dưới đau, đại tiện nhão, nước tiểu trong và nhiều, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm tế.

    - Có thể sử dụng các bài thuốc "bổ thận" sau đây:

        (1) Bài thuốc 1: Khiếm thực (sao vàng) 40g, hà thủ ô (chế) 40g, lộc giác sương (sao vàng) 40g, đậu đen (sao kỹ) 40g, mẫu lệ (vỏ hầu nung kỹ) 40g; tất cả các vị thuốc sao chế xong, sấy khô, tán thành bột mịn, luyện hồ làm viên bằng hạt ngô; ngày uống 2 lần, sáng và tối, mỗi lần 20g; liệu trình 7 ngày.

        (2) Bài thuốc 2: Mẫu lệ, rễ cây ích mẫu, gương sen (đốt tồn tính), hương phụ (củ gấu đã sao chế) - 4 vị liều lượng bằng nhau (1 phần); gừng khô (đốt tồn tính) nửa phần; tất cả tán thành bột mịn, cho vào lọ nút kín dùng dần; ngày uống 2 lần, sáng và tối, mỗi lần 8g, chiêu thuốc bằng rượu hoặc nước đun sôi; liệu trình 7 ngày.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]