Hỏi:
Tôi nghe nói phụ nữ ở Trung Quốc và Nhật Bản thường sử dụng hạt ý dĩ như một loại mỹ phẩm "uống trong". Tôi rất muốn biết về tác dụng cụ thể của thứ hạt này. Mong "Mỹ phẩm từ thiên nhiên" thông tin cho biết.
Thanh Nhàn (thanhnhan...@gmail.com)
Đáp:
Ý dĩ còn gọi là "bo bo", "cườm gạo", "dĩ mễ", "dĩ nhân", "ý dĩ nhân", tên khoa học Coix lachryma-jobi L. , thuộc họ lúa Poaceae.
Ở nước ta, cây ý dĩ mọc hoang khắp những nơi ẩm mát ở miền núi (thường thấy ở bờ suối, bờ khe), nhiều nơi còn trồng để dùng làm lương thực hoặc làm thuốc; cây ý dĩ ưa đất phù sa, đất cát có nhiều mùm, có ẩm đều nhưng không đọng nước.
Theo sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư Đỗ Tất Lợi: Trong hạt ý dĩ có khoảng 65% chất hydradcacbon, 5,4% chất béo, 13,7% chất protid và các axit amin như leuxin, lysin, acginin, tysosin, histidin, chất coixin hay coixol là một chất protid đặc biệt của ý dĩ (ý dĩ tố), coixenolide (ý dĩ chi), một số hợp chất của triterpene và axit glutamic, ... các loại dầu béo của hạt ý dĩ (trong đó có chất coixenolide) có tác dụng dưỡng da và chữa trị các loại ung nhọt mưng mủ, các vết sẹo rất tốt.
Trong Đông y: Ý dĩ là một trong số những vị thuốc có tác dụng bổ dưỡng, tăng cường thể lực và làm đẹp kinh điển (đã được sử dụng từ 2000 năm trước). Vị thuốc "ý dĩ nhân" là hạt ý dĩ đã bỏ vỏ, phơi hay sấy khô của cây ý dĩ (có thể dùng sống), sao vàng hay sao đen. Ngoài hạt Đông y còn dùng cả lá và rễ cây ý dĩ.
Về dược tính - theo Đông y: Hạt ý dĩ có vị ngọt nhạt, tính hơi lạnh; vào 3 kinh Tỳ, Vị và Phế. Có tác dụng làm mạnh chức năng tiêu hoá (kiện tỳ), tăng khí lực (bổ phế), lợi tiểu tiện, thanh nhiệt, trừ các chứng viêm nhiễm mưng mủ ở ngoài da và trong tạng phủp (bài nùng) và làm mịn da. Thường dùng làm thuốc bổ dưỡng, chống mệt mỏi, chữa tê thấp, đau nhức, gân mạch co rút, da thịt phù thũng, tê dại, phụ nữ khí hư bạch dới, chữa viêm loét và các vết sẹo. Liều dùng từ 10-30g, dưới dạng thuốc thang, thuốc viên hoặc thuốc tán. Cũng có thể nấu cháo hoặc nấu cơm ăn.
Xin giới thiệu một số ứng dụng cụ thể:
(1) Đơn thuốc bổ chữa lao lực: Hạt ý dĩ 5g, mạch môn đông 3g, tang bạch bì (vỏ trắng rễ cây dâu tằm) 3g, bách bộ 3g, thiên môn đông 3g, nước 600ml. Sắc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).
(2) Thuốc bổ tỳ, chữa tiêu chảy: Hạt ý dĩ 30g, hạt mã đề 16g, sắc nước uống trong ngày. Chuyên trị tỳ hư (chức năng tiêu hóa yếu), bụng trướng đầy, ỉa chảy (Lâm sàng thường dụng trung dược thủ sách).
(3) Chữa vàng da: Rễ ý dĩ 60g, nhân trần 30g, sắc với nước, chia 3 phần, thêm chút đường vào uống trong ngày (VVC).
(4) Chữa phù thũng, tiểu tiện ít: Hạt ý dĩ 30g, vỏ bí đao 30g, xích tiểu đậu (đậu đỏ nhỏ hạt) 30g, nấu thành cháo ăn trong ngày (Lâm sàng thường dụng trung dược thủ sách).
(5) Phụ nữ khí hư quá nhiều: Dùng rễ cây ý dĩ 30g, hồng táo (táo tầu) 12g, sắc với nước, chia thành 2-3 phần uống trong ngày (Tố thực phổ hoà trung thảo dược phương).
(6) Chữa phụ nữ kinh nguyệt không thông (loại trừ trường hợp có thai): Dùng rễ cây ý dĩ 30g tươi (hoặc 12g khô), sắc nước uống trong ngày; trước mỗi chu kỳ uống 3-5 thang (Tố thực phổ hoà trung thảo dược phương).
Các bài thuốc làm đẹp:
(1) Chữa môi bị sưng thũng: Ý dĩ nhân (hạt ý dĩ) 30g, phòng phong 6g, xích tiểu đậu (đậu đỏ nhỏ hạt) 6g, sắc lấy nước, bỏ bã, uống khi thuốc còn ấm (Tạp bệnh chứng trị).
(2) Xóa các vết sẹo trên da:
(2.1) Cháo ý dĩ: Hạt ý dĩ 60g, nấu thành món cháo ăn trong ngày (Thực liệu bản thảo).
(2.2) Trà ý dĩ tử thảo: Hạt ý dĩ 20-30g, rễ tử thảo 15g, sắc nước uống thay trà trong ngày, uống liên tục trong nửa tháng có thể kiến hiệu (Dân gian nghiệm phương).
(3) Chữa mụn trứng cá: Thiên quỳ thảo (tử bối thiên quỳ thảo - lấy loại lá tía) 50g tươi (hoặc 15g khô), hạt ý dĩ 30g; dùng nước vo gạo nấu thành cháo, khi ăn vớt thiên quỳ thảo ra, chia thành 3 phần ăn trong ngày (Trung y tạp chí 1985).
(4) Trà giảm béo: Lá sen 1 cái (cắt nhỏ), quả sơn tra 10g, hạt ý dĩ 10g, vỏ quít 6g, cho vào phích, đổ nước sôi vào hãm thành trà uống thay nước trong ngày; sau khi uống hết nước, có thể thêm nước sôi vào hãm nước thứ hai. Uống liên tục trong 100 ngày nhất định sẽ kiến hiệu.
Lương y HUYÊN THẢO
Ý kiến bạn đọc
1 Ý kiến bạn đọcQuá tốt , nhà ai có ban công rộng nên trồng đề phòng ốm đau đỡ phải mua.