Hỏi đáp Mỹ phẩm từ thiên nhiên

Lá hồng chữa nám da là loại hồng nào?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 01/12/2011 07:35 CH

Hỏi:

Trên "Mỹ phẩm từ thiên nhiên" ngày 26/11/2011 có đăng bài viết "Lá hồng có thể chữa nám da?", nhưng hồng ăn quả có nhiều loại. Ví dụ như ở miền Nam gọi cây xam hay hồng mứt, còn ở miền Bắc thường gọi là hồng xiêm. Ngoài ra, ở miền Bắc thứ cây cho quả màu hồng giống như quả cà chua, cũng gọi là hồng. Cháu muốn hỏi rõ, thứ hồng ăn quả nói ở trong bài thuốc là loại hồng nào?

Trần Thu Hiền, Đức Linh, Bình Thuận

Đáp:

cây hồng, quả hồng

Hồng ăn quả nói trong bài thuốc chính là loại cây "cho quả màu hồng giống như quả cà chua" - như cháu viết trong thư.

Hồng là loại cây nhỡ, cao khoảng 5-6m, có thể tới 10m; lá mọc so le, hình trái soan, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới có lông tơ nhạt, cuống nhẵn. Hoa tháng 4-6, quả tháng 9-10. Tháng 6 ra hoa màu vàng trắng nhạt. Cây đực cây cái riêng biệt hoặc có khi hoa đực hoa cái mọc trên cùng một cây. Hoa cái mọc đơn độc, hoa đực mọc thành từng chùm 2-3 cái. Quả thường thu hoạch trong thời gian từ tiết Sương giáng tới tiết Lập đông.

Hồng thường được chia thành hai loại là hồng ngọt và hồng chát. Quả hồng ngọt chín ngay trên cây, khi chín tự nhiên hết vị chát, có thể hái về ăn ngay. Quả hồng chát sau khi chế biến mới ăn được; tùy theo cách xử lý sau đó ta sẽ được loại quả thịt mềm hoặc loại quả thịt cứng. Cả hai loại hồng trên, đều có tên khoa học là Diospyros kaki L. f., thuộc họ Thị (Ebenaceae); lá đều có thể sử dụng để chữa nám da. Ngoài ra, nên dùng lá đã già.

Tại Nhật Bản và Trung Quốc, người ta thường gom những chiếc lá mới rụng ở dưới gốc cây, đem về rửa sạch, phơi khô, để sử dụng.

Ngoài công dụng dùng lá chữa nám da, cây hồng còn cho ta một số vị thuốc khác có tác dụng chữa trị một số bệnh ngoài da ảnh hưởng vẻ đẹp:

    (1) Chữa dị ứng: Quả hồng còn xanh 500g, giã nát, thêm 1500ml nước vào trộn đều, phơi nắng 3 ngày, chắt lấy nước (bỏ bã), phơi tiếp trong 3 ngày nữa rồi rót vào lọ dùng dần; hàng ngày lấy bông thấm thuốc bôi vào chỗ da bị dị ứng 3-4 lần.

    (2) Viêm loét ngoài da lâu ngày: Lấy quả hồng đỏ, liền cả vỏ, giã nát đắp vào chỗ bị bệnh.

    (3) Chữa ban xuất huyết (tử điến - purpura): Dùng lá hồng 30g, sắc nước uống thay trà trong ngày. Liên tục 7 ngày (1 liệu trình), nghỉ 3 ngày, lại tiếp tục liệu trình khác.

    (4) Chữa lở môi, lở mép: Lấy "sương hồng" 10g, bạc hà 5g, hai thứ trộn lẫn với nhau đem nghiền mịn, bôi vào chỗ môi bị lở, rất mau khỏi. Hoặc chỉ cần lấy "sương hồng" ngày bôi 3 lần vào chỗ bị lở, vài ngày cũng sẽ khỏi. Ngoài ra, khi miệng lưỡi bị lở loét hoặc bị viêm họng, cho chút sương hồng vào miệng ngậm, nuốt dần, ngày 3-4 lần, cũng có tác dụng tốt.

    "Sương hồng" là "sản phẩm phụ" trong quá trình chế biến mứt hồng, được Đông y sử dụng làm thuốc và gọi là "thị sương" (vì quả hồng có âm Hán Việt là "thị").

    "Thị sương" là thứ bột phấn, trắng như sương, xuất hiện ở bên ngoài quả hồng (do những chất từ bên trong tiết ra), khi phơi sấy quả hồng để làm mứt. Người ta gom riêng "thị sương" lại, đun nhẹ lửa cho lỏng ra, đổ vào khuôn, phơi cho se rồi dùng dao cắt thành từng miếng nhỏ cho tiện sử dụng. Có thể mua "thị sương" ở một số cửa  hàng Đông - Nam dược.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]