Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Tác dụng chữa bệnh của tơ hồng vàng và tơ hồng xanh

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 28/06/2013 09:48 SA

Hỏi:

Tôi nghe nói, dây tơ hồng vàng và tơ hồng xanh đều có thể chữa được bệnh thấp khớp và nhiều thứ bệnh khác. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết, thông tin trên có đúng hay không?

Dương Thế Uyên, Thái Nguyên

Đáp:

Dây tơ hồng thường gặp 2 loại là "Tơ hồng vàng" và "Tơ hồng xanh". Tuy cùng có tên gọi là "tơ", nhưng về thực vật học, 2 cây lại thuộc 2 họ thực vật khác nhau, "tơ hồng vàng" thuộc họ Bìm bìm, còn "tơ hồng xanh" thuộc họ Long não.

Dưới đây xin giới thiệu chi tiết hơn, về đặc điểm thực vật và tác dụng chữa bệnh của từng loại tơ hồng để bạn và các Quý bạn đọc khác cùng tham khảo.

1. Tơ hồng vàng:

tơ hồng vàng, tơ vàng, dây tơ vàng, thỏ ty, thỏ lô, xích võng, kim tuyến thảo, dã hồ ty, vô căn thảo, hoàng loạn ty, Cuscuta shinesis Lam, họ Bìm bìm (Convolvulaceae)

Tơ hồng vàng

    "Tơ hồng vàng" còn có tên là "tơ vàng", "dây tơ vàng", "thỏ ty", "thỏ lô", "xích võng", "kim tuyến thảo", "dã hồ ty", "vô căn thảo", "hoàng loạn ty", ... tên khoa học là Cuscuta shinesis Lam, thuộc họ Bìm bìm (Convolvulaceae).

    Tơ hồng vàng là một loại dây ký sinh, cuốn trên các cây khác, thân thành sợi màu vàng hay đỏ nâu nhạt, không có lá. Lá biến thành vẩy, cây có rễ mút để hút các thức ăn từ cây chủ. Hoa ít thấy, hình cầu màu trắng nhạt, gần như không có cuống, tụ thành 10-20 hoa một. Quả hình cầu, rộng độ 3mm, nứt từ dưới lên. Hạt 2-4, hình trứng, đỉnh dẹt, dài khoảng 2mm. Tại các tỉnh phía Bắc, tơ hồng vàng thường mọc bám trên bụi cúc tần ở bờ rào và nhiều cây khác.

    Ngoài loại cây tơ hồng nói trên, tại Trung Quốc còn dùng một loại cây tơ hồng vàng nữa, gọi là "đại thỏ ty" (còn gọi là "kim đăng đằng", "mao nha đằng", "lưỡng đầu nã"), tên khoa học là Cuscuta joponica Choisy., cùng họ thực vật và cùng một công dụng.

    Tơ hồng vàng mọc hoang khắp nơi ở nước ta, để làm thuốc, dân gian thường hái cả cây về phơi khô. Hạt của tơ hồng vàng, là "thỏ ty tử” - một vị thuốc rất thông dụng trong Đông y. Tơ hồng vàng mọc hoang trong rừng cũng có quả, nhưng vị thuốc "thỏ ty tử" hiện tại chủ yếu vẫn phải nhập của Trung Quốc. Tại Trung Quốc, vào các tháng 8-9 người ta hái cả cây về phơi khô, đập lấy hạt, sảy sạch tạp chất là được.

    Theo Đông y:

        - Tơ hồng vàng vị ngọt đắng, tính bình, không độc. Có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết (mát máu), giải độc, sát trùng, tiêu thũng (tiêu ung thũng). Dùng chữa thổ huyết, nục huyết (chảy máu mũi), tiện huyết (đại tiểu tiện ra máu), băng huyết, đới hạ (khí hư), ung nhọt, đinh sang, rôm sẩy, ...

        - Hạt tơ hồng vàng là một vị thuốc bổ. Có tác dụng bổ can thận, ích tinh tủy, mạnh gân cốt. Dùng chữa thận hư tinh lạnh, liệt dương, di tinh, đau lưng, mỏi gối, tai ù, mắt mờ, sốt khát nước, tiểu tiện đục, ...

    Một số bài thuốc có sử dụng tơ hồng vàng:

        (1) Chữa ho lâu ngày: Tơ hồng vàng 20g, ngải cứu 15g, lá chanh 10g; tất cả rửa sạch, phơi cho se se, cho vào nồi sao qua hạ thổ; sắc kỹ với 5 bát nước, chia 3 lần uống trong ngày.

        (2) Chữa hen suyễn: Dây tơ hồng vàng 30g, lá táo chua 20g; sắc nước uống trong ngày.

        (3) Chữa lưng gối đau mỏi, yếu sinh lý: Dây tơ hồng vàng 15-20g; sắc lấy nước, thêm chút rượu trắng và đường đỏ, chia ra uống trong ngày. Còn có tác dụng chữa di tinh, tiểu nhỏ giọt, phụ nữ nhiều khí hư.

        (4) Chữa tiểu tiện không thông: Dây tơ hồng 1 nắm (khoảng 20g), gốc hẹ (liền cả rễ) 1 gốc; lấy khăn thấm nước thuốc, đắp lên vùng bụng ở quanh rốn.

        (5) Chữa đái đục: Dây tơ hồng vàng 20-30g, mạch môn (bỏ lõi) 20g; sắc uống. Dùng chữa đái đục, nước tiểu màu đỏ đục, do tâm thận hư yếu, tinh ít, huyết ráo, miệng khô, phiền nhiệt, đầu choáng váng, hồi hộp.

        (6) Chữa kiết lỵ: Dây tơ hồng vàng (hái toàn cây, cả nụ và hoa) 30-40g; thêm vài lát gừng vào sắc uống trong ngày.

        (7) Chữa bạch điến: Dây tơ hồng vàng ngâm rượu, chế thành "rượu tơ hồng" 25%; dùng bông thấm thuốc bôi vào chỗ có bệnh 2-3 lần trong ngày.

2. Tơ hồng xanh:

tơ hồng xanh, tơ xanh, vô gia đằng, quá thiên đằng, lưu ly võng, phi dương đằng, hoàng ngư đằng, vô địa sinh căn, vô đầu đằng, phi thiên đằng, Cassytha filiformis L., họ Long não (Lauraceae)

Tơ hồng xanh

    "Tơ hồng xanh" còn có tên là "tơ xanh", "vô gia đằng", "quá thiên đằng", "lưu ly võng", "phi dương đằng", "hoàng ngư đằng", "vô địa sinh căn", "vô đầu đằng", "phi thiên đằng", ... tên khoa học là Cassytha filiformis L., thuộc họ Long não (Lauraceae).

    Đây là một loại dây leo, nhẵn, thân dạng sợi quấn vào nhau, màu xanh lục, đường kính khoảng 2-3mm. Thân non có lông mịn, sau nhẵn. Tơ xanh là dạng sống đặc biệt, tuy có chất lục diệp, nhưng lại sống bán ký sinh trên nhiều loài cây khác nhau. Nó thường cắm giác mút vào lớp vỏ của cây để hút chất dinh dưỡng của cây chủ. Cây không có lá, hoặc lá đã tiêu giảm thành vảy nhỏ. Cụm hoa là bông thưa, dài 1,5-4cm, mang hoa nhỏ màu trắng, lưỡng tính, không cuống, 3 lá bắc nhỏ tròn, có lông mi, bao hoa có ống ngắn, gồm 6 thùy, 3 thùy ngoài nhỏ, tròn, có lông, 3 thùy trong lớn hơn. Quả bế, hình cầu, đường kính 6-8mm, bao bọc bởi bao hoa nạc, trông giống một quả mọng, chứa 1 hạt. Chim hay ăn quả này và đồng thời cũng có tác dụng phát tán cây.

    Cây tái sinh chủ yếu bằng hạt. Để hạt có thể nảy mầm, cần có sự cộng sinh của một loại vi khuẩn làm mềm vỏ hạt. Ngoài ra, cây còn có khả năng tái sinh vô tính, từ đoạn thân hoặc cành, khi được tiếp xúc với giá thể.

    Tơ hồng xanh mọc hoang dại, chưa thấy ai trồng. Để làm thuốc, sử dụng toàn cây. Dùng tươi hoặc dùng khô. Để có dược liệu khô, sau khi thu hái cắt ngắn, rửa sạch, phơi khô trong bóng râm. Bảo quản nơi khô mát, chống mốc, để dùng dần.

    Theo Đông y: Tơ hồng xanh có vị ngọt đắng (cam khổ), tính hàn; vào các kinh Can và Thận. Có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, lương huyết, giải độc. Dùng chữa gầy rộc do can nhiệt, ho do nhiệt tính ở phổi (phế nhiệt khái thấu), hoàng đản, chảy máu mũi, tiểu tiện ra máu (huyết lâm), ung thũng, lở loét, bỏng, ...

    Ở nước ta, dân gian thường dùng tơ hồng xanh làm thuốc bổ, chữa thận hư, liệt dương, mắt mờ, chân tay yếu mỏi. Còn dùng chữa ho, giang mai. Dùng ngoài chữa lở loét. Đồng bào Mường, ở khu vực chợ Bến (Kim Bôi, Hòa Bình) có kinh nghiệm dùng chữa các bệnh thận và gan.

    Tại Trung Quốc, dân gian dùng chữa phế nhiệt sinh ho, gầy mòn do can nhiệt, vàng da, ho ra máu, chảy máu mũi, mụn nhọt, bỏng, làm thuốc lợi tiểu.

    Tại Malaysia và Indonesia, dùng bột cây trộn với dầu vừng bôi lên da đầu, để kích thích cho tóc mọc.

    Một số bài thuốc có dùng tơ hồng xanh:

        (1) Chữa viêm thận, sỏi bàng quang: Tơ hồng xanh 30-60g, mộc thông 20g; sắc uống.

        (2) Chữa cam tích: Tơ hồng xanh 60g; đổ ngập nước, sắc lấy còn nửa bát, chia thành 2 phần uống trong ngày. Chuyên trị trẻ nhỏ cam tích do can nhiệt, da thịt gầy đét, lòng bàn chân bàn tay nóng, tinh thần uể oải.

        (3) Chữa trẻ nhỏ hoàng đản (vàng da): Tơ hồng xanh 15-30g; nấu với đậu phụ, ăn với cơm hàng ngày.

        (4) Chữa kiết lỵ: Tơ hồng xanh 30g; sắc nước uống.

        (5) Chữa mũi hay đổ máu cam: Tơ hồng xanh 15-30g, thịt lợn nạc 50g; thêm nước và rượu mỗi thứ một nửa, hầm lên ăn.

        (6) Chữa tiểu tiện nhỏ giọt, nước tiểu lẫn máu (huyết lâm): Tơ hồng xanh 15-30g; sắc với nước, thêm đường đỏ vào uống trong ngày.

        (7) Chữa mộng tinh, di tinh, xuất tinh sớm (tảo tiết): Tơ hồng xanh 60g, xương sống lợn đực 150g; thêm 100ml rượu tốt vào ninh chín ăn.

        (8) Chữa bỏng: Tơ hồng xanh nghiền thành bột mịn, trộn với dầu vừng bôi vào chỗ bị bỏng.

        (9) Chữa ghẻ, chàm, mụn nhọt lở loét: Dùng tơ hồng xanh nấu nước rửa.

Xin trở lại câu hỏi của bạn về khả năng chữa thấp khớp của tơ hồng vàng và tơ hồng xanh:

    Theo Đông y, "Thận chủ cốt, Can chủ cân" - nghĩa là tạng Thận quản lý chức năng của xương cốt, còn tạng Can chủ quản gân cơ. Hiện tượng đau nhức xương khớp và gân cơ thường do chức năng của 2 tạng Thận và Can bị trục trặc.

    Cả 2 loại tơ hồng vàng và tơ hồng xanh, đều đi vào 2 tạng Can và Thận, lại có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và tiêu thũng, nên sử dụng chữa phong thấp đau nhức thường mang lại kết quả khả quan.

    Tuy nhiên, tơ hồng không thể thích hợp với tất cả mọi người. Tùy theo cơ địa và bệnh tình của từng người, còn cần phối hợp thêm một số vị thuốc khác.

    Do đó, muốn sử dụng có kết quả tốt nhất, bạn cần tìm đến thầy thuốc chuyên khoa, để được xem mạch và hướng dẫn một cách cụ thể.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Ý kiến bạn đọc

3 Ý kiến bạn đọc
Lâm Minh Nhựt (03/11/2016 02:29 SA)

Tôi nghe nói dây tơ hồng có 2 loại, loại sợi lớn và loại sợi nhỏ có đúng không ? Và chúng có tác dụng như nhau không, xin quý thuốc vườn nhà cho tôi biết để sử dụng. Xin cảm ơn.

Nguyen Hong Khanh (01/09/2016 04:53 CH)

Hiện đồng bào Khmer còn có bài thuốc trị bệnh tim là dùng tơ hồng vàng nấu với tim heo. Nhờ quý admin tìm hiểu và thông tin thêm cho đọc giả. Thân

duong thi phuong (28/06/2016 01:21 SA)

o que toi co rat nhieu cay to hong . toi dax dung uong hawng nay .nay doc thong tin . toi thay an tam hon.va tiep tuc hai ve dung

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]