Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Bài thuốc thường dùng chữa trị tinh hồng nhiệt

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 26/06/2013 07:24 SA

Hỏi:

Tinh hồng nhiệt là một bệnh nhiễm trùng thường xuất hiện trong các mùa Xuân, mùa Hè và theo tôi biết Tây y thường sử dụng kháng sinh để chữa. Xin được hỏi "Thuốc vườn nhà", nếu không muốn dùng kháng sinh, có thể dùng thuốc Nam để chữa hay không?

Mai Hoa, Hà Nội

Đáp:

xuyên tâm liên

Xuyên tâm liên

Tinh hồng nhiệt (scarlet fever) là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, do liên cầu khuẩn tan máu gây nên. Bệnh có tính "thời khí", thường phát tác khi thời tiết biến đổi đột ngột. Thường gặp ở trẻ nhỏ từ 2-10 tuổi, rất hiếm khi thấy ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng. Con trai bị mắc bệnh nhiều hơn con gái. Bệnh lây nhiễm rất mạnh, chủ yếu thông qua đường hô hấp, khi nói chuyện, ho hoặc hắt hơi.

Bệnh phát nhanh và đột ngột. Trẻ bỗng nhiên sốt cao, sợ rét, họng đau hoặc khó nuốt, người khó chịu, buồn nôn. Nhìn vào họng thấy tấy đỏ. Amiđan (amygdala) sung huyết, với những điểm vàng nhạt, rỉ nước. Trên vòm họng và niêm mạc miệng có thể xuất hiện những chấm đỏ tía hoặc những điểm xuất huyết nhỏ li ti.

Sau khoảng một ngày thì bắt đầu phát ban, trên da xuất hiện những vầng đỏ tươi, cùng những chấm đỏ (nốt chẩn) cỡ đầu kim. Chẩn mọc đầu tiên ở sau tai, cổ và ngực. Khoảng một ngày sau, thì lan ra toàn thân. Da mặt tấy đỏ giống như vừa bị tát, nhưng không có các nốt chẩn. Cằm, môi và cánh mũi bình thường, nhưng da quanh miệng lại hình thành một quầng trắng nhợt.

Đặc điểm nổi bật của nốt tinh hồng nhiệt là: Dùng ngón tay ấn vào thì lặn (trừ những đường xuất huyết). Sau khi chẩn mọc 2-3 ngày, sốt bắt đầu giảm dần, tới ngày thứ 6-7 thì trở lại bình thường. Sau khoảng 1 tuần, da ở bàn tay, cánh tay, bàn chân và đùi bong ra từng mảng; da trên cổ và mình bong ra như vẩy cám, còn trên mặt giống như rắc phấn. Tình trạng toàn thân tốt dần lên.

Tinh hồng nhiệt dễ bị nhầm lẫn với bệnh sởi.

Bệnh sởi, ban đầu cũng có sốt và ho, nhưng biểu hiện giống như cảm mạo: Hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt. Đặc biệt ngày thứ 2-3, trên niêm mạc miệng gần chân răng có thể nhìn thấy những điểm trắng đục, cỡ đầu kim, gọi là "nốt sởi trên niêm mạc". Mặt khác, nốt sởi mọc muộn hơn, sau khi phát sốt 3-4 ngày mới thấy sởi mọc; nốt sởi cũng to hơn (cỡ hạt vừng) và giữa các nốt sởi còn có những chỗ da bình thường.

Tinh hồng nhiệt trong Đông y gọi là "đan sa", "dịch sa" hoặc "lạn hầu sa". "Sa" chỉ loại bệnh cấp tính; "đan" là son, vì da đỏ như son; còn "lạn hầu" có nghĩa là yết hầu bị viêm loét.

Để chữa trị, Đông y thường căn cứ vào những biểu hiện cụ thể mà sử dụng một số bài thuốc sau:

    (1) Bài thuốc 1:

        - Tang cúc ẩm gia vị: Tang diệp (lá dâu tằm) 10g, cúc hoa 12g, bạc hà 5g, xuyên tâm liên 5g, cát căn (củ sắn dây) 10g, cát cánh 9g, hạnh nhân 9g, lá tre 12g, cam thảo 3g; sắc với 800ml nước, đun cạn còn 400ml; chia ra 4 lần uống trong ngày (sáng, trưa, chiều, tối), lúc đói bụng.

        - Tác dụng: Giải cảm, sát khuẩn, điều hòa chức năng hô hấp. Thích hợp với trường hợp bệnh mới phát, bệnh tà (vi khuẩn) mới xâm phạm vào đường hô hấp trên; với những biểu hiện như phát sốt sợ rét, miệng khát, đầu đau, không mồ hôi, ho, họng đau, khó nuốt, amiđan (amygdala) sưng thũng, tấy đỏ, da ửng hồng, có những nốt chẩn đỏ ẩn hiện lờ mờ ở dưới da; chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù sác (nổi, nhanh).

    (2) Bài thuốc 2:

        - Thanh doanh thang gia giảm: Sinh thạch cao (thạch cao chưa nung) 20g, xuyên tâm liên 5g, chi tử (dành dành) 10g, kim ngân hoa 10g, đại thanh diệp (cành lá cây bọ mẩy, còn gọi là "bọ nẹt") 10g, sinh địa 10g, huyền sâm 10g, xạ can (rễ hoặc lá rẻ quạt) 6g, bạch mao căn (rễ cỏ tranh) 10g, lá tre 12g, cam thảo 6g; sắc với 1000ml nước, đun cạn còn 400ml; chia ra 4 lần uống trong ngày (sáng, trưa, chiều, tối).

        - Tác dụng: Lương huyết (mát máu), giải độc. Dùng trong trường hợp bệnh tà đã vào sâu, tổn thương khí huyết; với những biểu hiện như sốt cao, mặt đỏ bừng, miệng khát, họng viêm loét sưng đau, ban chẩn mọc dầy, nốt chẩn đỏ như son. Chất lưỡi đỏ, gai lưỡi trồi lên giống như trái dâu rượu (Đông y gọi là "dương mai thiệt"); mạch sác hữu lực (nhanh, mạnh).

    (3) Bài thuốc 3:

        - Thanh khai tức phong thang: Sinh địa 15g, xuyên tâm liên 8g, mạch môn đông 10g, đại thanh diệp (bọ mẩy) 15g, bản lam căn (rễ cây chàm mèo) 15g, hoàng liên 6g, liên kiều 15g, xương bồ 6g, uất kim 10g, câu đằng 12g, bạch cương tàm 10g, cam thảo 6g; sắc với 1000ml nước, đun cạn còn 400ml; chia ra 4 lần uống trong ngày (sáng, trưa, chiều, tối). Riêng câu đằng cho vào sau, trước khi bắc thuốc ra khoảng 10 phút.

        - Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc, tức phong (chống co giật). Có thể áp dụng cho trường hợp tinh hồng nhiệt thể ác tính; với những biểu hiện như sốt cao liên tục không lui, chẩn mọc dầy đặc, sắc đỏ tía, họng viêm tấy đỏ lở loét, khó thở, hơi thở hôi khác thường, ngủ nhiều hoặc nói sàm, chân tay co giật, thậm chí hôn mê; chất lưỡi khô tím, gai lưỡi trồi lên; mạch huyền tế sác (căng, nhỏ, nhanh).


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]