Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Tác dụng chữa bệnh của đậu răng ngựa

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 27/12/2013 01:23 SA

Hỏi:

Tôi nghe một số người nói, ngoài tác dụng dùng làm thực phẩm, đậu răng ngựa còn là một vị thuốc chữa được nhiều bệnh. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không?

Lê Mai Hoa, Hà Giang

Đáp:

đậu răng ngựa, đậu tằm, đậu la hán, hồ đậu, mã xỉ đậu, la phiếm đậu, Vicia faba L., họ Đậu (Fabaceae)

Đậu răng ngựa

"Đậu răng ngựa" còn có tên là "đậu tằm", "đậu la hán", "hồ đậu", "mã xỉ đậu", "la phiếm đậu", ... tên khoa học là Vicia faba L., thuộc họ Đậu (Fabaceae).

Đậu tằm (đậu răng ngựa) là loài cây thảo, sống hằng năm, thân rỗng, mọc đứng, cao 0,6-1m hay hơn, có cạnh khá rõ, không phân nhánh, rất ít tua cuốn. Lá chét 2-6, xoan, dài 4-8cm, rộng 2,5-4cm, màu lục mốc. Hoa trắng viền tím sẫm. Quả đậu nạc chứa những hạt dẹp to, có vỏ hạt dày. Hạt non màu xanh nhạt, mềm, có vị ngọt; hạt già rất cứng, màu xanh nâu.

Đúng như thông tin mà bạn có được, tất cả các bộ phận của cây đậu răng ngựa đều có thể sử dụng làm thuốc.

Theo đông y:

    - Hạt đậu: Có vị ngọt, hơi cay, tính bình, không độc; vào các kinh Thủ thái âm Phế và Thủ dương minh Đại tràng. Có tác dụng làm mạnh Tỳ Vị, cầm máu và tiêu thũng.

    - Vỏ hạt: Cũng có tác dụng tương tự như hạt nhưng tác dụng tiêu thũng mạnh hơn; sao vàng hãm uống thay trà có tác dụng xúc tiến tiêu hóa, mạnh Tỳ Vị và chống khát.

    - Vỏ quả, hoa, lá và cành: Có tác dụng cầm máu; hoa còn có tác dụng hạ huyết áp; vỏ quả nghiền mịn trộn với dầu dùng ngoài bôi vào các vết lở loét, vết bỏng, ...

"Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu một số cách sử dụng đậu răng ngựa để chữa bệnh đã được ghi chép trong sách thuốc:

    (1) Chữa tăng huyết áp: Dùng hoa đậu răng ngựa tươi 60g (hoặc hoa khô 20g); sắc lấy nước, pha thêm chút đường trắng vào uống trong ngày; uống 10 ngày (1 liệu trình), nghỉ vài ngày rồi lại uống tiếp. Tại Trung Quốc trong các hiệu thuốc thường có bán "nước cất hoa đậu răng ngựa" để chữa tăng huyết áp và một số chứng xuất huyết.

    (2) Chữa nôn ra máu, đổ máu mũi và các chứng xuất huyết trong: Dùng lá đậu răng ngựa tươi, giã nát, vắt lọc lấy nước cốt; uống mỗi lần 20ml, ngày uống 2 lần; khi sắc uống tác dụng hơi kém hơn. Tại Trung Quốc đã thử nghiệm điều trị các trường hợp ho lao, ho ra máu và xuất huyết đường tiêu hóa có kết quả tốt.

    (3) Chữa đại tiện ra máu: Dùng lá hoặc vỏ quả đậu răng ngựa 60-90g; sắc nước, pha thêm đường đỏ, chia thành 2 phần uống trong ngày.

    (4) Chữa ỉa chảy ra toàn nước: Dùng cành đậu răng ngựa 30g; sắc nước uống trong ngày.

    (5) Chữa say rượu: Hái chồi non đậu răng ngựa xào ăn hoặc sắc nước uống.

    (6) Chữa bí tiểu tiện lâu ngày không khỏi, đau muốn chết: Dùng vỏ quả đậu răng ngựa 9g; sắc nước uống.

    (7) Chữa viêm thận mạn tính: Vỏ hạt đậu răng ngựa 100g, đường đỏ 20g; sắc nước uống trong ngày. Hoặc dùng hạt đậu răng ngựa 100g, lạc nhân 50g, thêm chút đường đỏ, cho vào nồi đất sắc lấy nước; chia thành 2 phần uống trong ngày.

    (8) Chữa toàn thân phù thũng: Đậu răng ngựa 60g, vỏ bí đao 60g; sắc nước uống.

    (9) Chữa phụ nữ khí hư đới hạ: Dùng hoa đậu răng ngựa khô 15-30g; sắc nước, chia thành 2 lần uống trong ngày.

    (10) Chữa "thai lậu": Phụ nữ đang có thai, mà từ âm đạo thường có chất dịch lỏng lẫn máu chảy ra gọi là "thai lậu". Để chữa trị, dùng vỏ hạt đậu răng ngựa sao chín, tán thành bột mịn; ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 9-12g, pha thêm chút đường vào uống.

    (11) Chữa phụ nữ sau khi đẻ bị trúng phong, vai lưng cứng đờ, chân tay co quắp, ...: Dùng vỏ quả đậu răng ngựa  sao chín, nghiền thành bột mịn; ngày uống 3 lần, mỗi lần 9g, dùng rượu ngon chiêu thuốc.

    (12) Chữa "sản hậu phúc thống" (phụ nữ sau khi đẻ khí huyết ngưng trệ hoặc cảm lạnh, bụng đau, khối cứng kết ở bụng dưới: Hái chồi non đậu răng ngựa 150g, thêm rượu nếp vào sắc uống.

    (13) Chữa đầu lở loét chảy nước vàng, nước vàng chảy đến đâu mụn mọc tới đó (hoàng thủy sang): Dùng vỏ quả đậu răng ngựa; sao vàng, nghiền thành bột mịn, trộn với dầu vừng bôi vào chỗ có bệnh.

    (14) Chữa "thốc sang": Trên đầu xuất hiện nốt vảy trắng, lan rộng dần thành từng mảng lớn, tóc ở đó bị rụng và rất ngứa, lâu ngày tróc vảy thành vết chốc (lang), nhưng sau khi khỏi tóc lại tái sinh, gọi là "thốc sang". Dùng hạt đậu răng ngựa tươi giã nhuyễn, đắp lên chỗ có bệnh, khi thuốc khô phải đắp ngay thuốc khác. Nếu không có đậu tươi, lấy đậu khô ngâm nước cho trướng lên rồi giã nát.

    (15) Chữa "thiên bào sang" (chứng lở ngứa liên quan tới thời khí): Trên da xuất hiện những mụn bọc nước, kết thành từng mảng, dần dần hóa mủ, nặng có thể kèm theo đau nhức, phát sốt. Dùng vỏ quả đậu răng ngựa thiêu tồn tính, nghiền thành bột mịn, thêm chút khô phàn (phèn chua), trộn với dầu vừng bôi vào chỗ bị bệnh.

    (16) Chữa "liêm sang" (bắp chân lở loét lâu năm không khỏi): Lá cây đậu răng ngựa đem rửa sạch, giã nát, đắp vào chỗ có bệnh, ngày thay thuốc 2 lần.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]