Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Tác dụng chữa bệnh của con cóc

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 29/11/2011 02:15 SA

Hỏi:

Tôi nghe nói thịt cóc là một thực phẩm rất bổ lại là vị thuốc rất quý trong Đông y. Vậy thịt cóc có những tác dụng gì? Đề nghị "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết.

Nguyễn Thị Mai, Quận 3, TP Hồ Chí Minh

Đáp:

IMG

Thịt cóc, đặc biệt là nhựa cóc đúng là những vị thuốc đã được sử dụng từ lâu trong Đông y. Nhựa cóc (thiềm tô) là dịch tiết ra từ các tuyến sau tai và trên da con cóc, là thuốc cực độc (thuốc độc bảng A), cần hết sức cẩn thận khi sử dụng.

Trong dân gian còn dùng thịt cóc để chữa bệnh cam tích ở trẻ nhỏ.

Cách chế biến thịt cóc như sau: Chọn những con cóc to (cóc đen hay cóc vàng đều dùng được nhưng tránh dùng loại cóc mắt đỏ). Dùng dao thật sắc chặt đầu (ở phía dưới 2 u to trên đầu) và bỏ đi. Khía dọc xương sống và lột hết da, moi bỏ hết ruột, gan, phổi và nhất là trứng cóc. Cần tránh không để cho mủ (nhựa) cóc dính vào thịt, muốn vậy sau khi thịt cóc xong cần rửa cho thật sạch. Sau đó cho vào chảo gang rang cho khô dòn (hoặc sấy khô dòn) rồi tán thành bột.

Có nơi để nguyên cả con, cả xương đem phơi khô -  Tại Trung Quốc người ta cũng dùng hình thức này, gọi đó là vị thuốc "can thiềm" (cóc khô). Khi chế "can thiềm", cũng cần mổ bỏ ruột, gan, phổi, trứng và da rồi phơi hay sấy khô.

Về thành phần hóa học, theo kết quả nghiên cứu của Viện vệ sinh Hà Nội (1961): Trong thịt cóc có 53,37% protit, 12,66% lipit, rất ít gluxit, 23,56% tro và 4,18% độ ẩm. Trong protit của thịt cóc có rất nhiều axit amin có giá trị, chủ yếu là asparagin, histidin, axit glutamic, glycocol, threonin, axit aminobutyric, tyrosin, methionin, leuxin, isoleuxin, phenylanin, tryprophan, xystein.

Theo một thông báo khác: Thịt cóc còn có khá nhiều mangan và kẽm (cao hơn so với một số thịt khác như ếch, gà, bò và lợn).

Như vậy giá trị dinh dưỡng của thịt cóc rất cao.

Điều cần đặc biệt lưu ý là: Từ nhiều năm trước ở nước ta đã từng xảy ra nhiều vụ ngộ độc thịt cóc rất thương tâm, do chế biến không đúng phương pháp. Vì vậy khi muốn sử dụng thịt cóc để chữa bệnh, cần làm theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc. Việc sử dụng thịt cóc của những người bán rong để chế biến các món "đặc sản bổ dưỡng" theo chúng tôi nghĩ là không nên, vì như vậy rất dễ bị ngộ độc.

Ngoài ra khi dùng thịt cóc để chữa bệnh, cần chú ý theo đúng liều lượng. Nói chung chỉ nên sử nên sử dụng với liều nhỏ: Hàng ngày dùng từ 2-3g dưới dạng tán bột hay làm thành thuốc viên.

Để tham khảo, xin giới thiệu một số đơn thuốc có sử dụng cóc (theo sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư Đỗ Tất Lợi):

(1) Bài thuốc cam cóc chữa suy dinh dưỡng (do gia đình cụ Nguyễn Trọng Tấn cống hiến cho Viện nghiên cứu Đông y): Bột cóc 10 phần, bột chuối 14 phần, lòng đỏ trứng 2 phần.

    - Cách chế: Bột cóc chế như phần trên đã nói, trứng gà bỏ lòng trắng lấy lòng đỏ hấp chín, sấy khô, tán thành bột. Chuối bỏ vỏ, bổ dọc sấy cho vừa dẻo nhuyễn. Cả ba thứ trộn đều làm thành viên, mỗi viên 4gam.

    - Ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 viên. Chữa trẻ con bị suy dinh dưỡng, gầy còm, biếng ăn, ỉa chảy. Dùng liên tục trong 2-3 tháng.

(2) Bài thuốc khác chữa cam tích trẻ em (bụng to, người vàng, gầy): Bắt cóc, lột bỏ da, bỏ cả đầu mình, ruột, gan và trứng. Chỉ lấy hai cái đùi, phết dầu vừng hay mỡ nướng ăn. Ăn luôn trong 5-6 ngày, mỗi ngày một lần.

Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]