Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Tác dụng chữa bệnh của cây lựu

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 07/08/2012 02:14 SA

Hỏi:

Trong vườn nhà tôi có trồng mấy cây lựu làm cảnh. Nghe nói, lựu cũng là một loại cây thuốc. Tôi rất muốn biết, cây lựu có tác dụng gì? Có thể sử dụng để chữa những bệnh gì? Cách sử dụng cụ thể ra sao? Mong được "Thuốc vườn nhà" chỉ dẫn cho biết.

Vũ Ninh, Vĩnh Phúc

Đáp:

cây lựu, thừu lựu, thạch lựu, tháp lựu, an thạch lựu, toan thạch lựu, thiên tương, Punica granatum L., vỏ quả lựu, thạch lựu bì, thạch lựu xác, toan thạch lựu bì, toan lựu bì, tây lựu bì, vỏ rễ lựu, thạch lựu căn bì

Cây lựu còn có tên là "thừu lựu", "thạch lựu", "tháp lựu", "an thạch lựu", "toan thạch lựu", "thiên tương", ... tên khoa học Punica granatum L., thuộc họ Lựu (Punicaceae).

Trên thực tế, tất cả các bộ phận của cây lựu, từ quả, vỏ quả, vỏ rễ, cho đến hoa và lá, đều có thể sử dụng làm thuốc, nhưng thông dụng nhất là quả và vỏ quả.

- Quả lựu: Theo Đông y, có vị chua ngọt, tính ấm; vào 2 kinh Vị và Đại tràng. Có tác dụng sinh tân chỉ khát (làm tăng thủy dịch trong cơ thể và giải khát). Nếu là loại lựu chua, còn có thêm tác dụng sáp trường (làm săn niêm mạc ruột), chỉ huyết (cầm máu), dùng chữa hoạt tả (ỉa chảy), kiết lỵ lâu ngày, băng lậu, khí hư, đới hạ. Loại quả ngọt, ngoài tác dụng sinh tân chỉ khát và chữa kiết lỵ lâu ngày, còn có thêm tác dụng sát trùng, có thể dùng chữa đau bụng do một số loại ký sinh trùng gây nên.

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Lựu là loại quả có giá trị dinh dưỡng cao, vì chứa nhiều loại acid amin thiết yếu, nhiều nguyên tố vi lượng và hoạt chất sinh học quý. Gần đây, các nhà khoa học Mỹ còn phát hiện, trong trái lựu có chứa hợp chất có tác dụng ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư. Thí nghiệm trên chuột cho thấy, với những con chuột đã được cấy tế bào ung thư, ở nhóm được dùng nước lựu các khối u phát triển nhỏ hơn, so với nhóm không dùng nước lựu. Nước ép trái lựu còn có tác dụng làm giảm cholesterol trong huyết tương máu, tăng lưu lượng máu trong động mạch vành tim, do đó có thể phòng ngừa đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim.

- Vỏ quả lựu: Trong Đông y có tên là "Thạch lựu bì", còn có tên là "Thạch lựu xác", "toan thạch lựu bì", "toan lựu bì", "tây lựu bì", ... Theo Đông y, thạch lựu bì có vị chua chát, tính ấm; vào 2 kinh Đại tràng và Thận. Có tác dụng sáp tràng chỉ tả (làm săn niêm mạc ruột để chống ỉa chảy), chỉ huyết (cầm máu), sát trùng, chỉ dương (chống ngứa).

Trong Đông y truyền thống: Thạch lựu bì (vỏ lựu) thường dùng chữa kiết lỵ lâu ngày, đại tiện ra máu, lòi rom, hoạt tinh, băng lậu, đới hạ, đau bụng do giun, lở ngứa ngoài da. Hiện tại, khi kết hợp Đông Tây y trong điều trị, thạch lựu bì thường được sử dụng để chữa viêm kết tràng mạn tính, lỵ nhiễm khuẩn mạn tính, lỵ a-míp, xuất huyết đường tiêu hóa, xuất huyết tử cung, ...

- Vỏ rễ lựu (Thạch lựu căn bì): Có tác dụng tương tự như vỏ quả, cũng có tác dụng sáp tràng chỉ tả, cố băng chỉ huyết, khu trùng, cũng như sát trùng chỉ dương (chống ngứa). Nhưng vỏ rễ có tác dụng sát trùng mạnh hơn, chủ yếu dùng chữa đau bụng do ký sinh trùng. Tuy nhiên vỏ rễ có độc tính, uống vào kích thích dạ dày, nên người bị bệnh dạ dày không sử dụng được.

Một số cách sử dụng cụ thể:

    (1) Chữa kiết lỵ lâu ngày, đại tiện xuất huyết:

        - Dùng lựu tươi một trái, để cả vỏ, đập nhỏ, thêm chút muối; sắc lấy nước, chia nhiều lần uống trong ngày.

        - Dùng trái lựu khô, nướng lên cho khô hẳn, nghiền thành bột mịn, cho vào lọ nút kín; ngày uống 3 lần, mỗi lần 10-12g bột thuốc, chiêu thuốc bằng nước cơm hoặc cháo loãng.

    (2) Chữa trẻ nhỏ bị ỉa chảy: Dùng lựu tươi 2 trái, bóc bỏ vỏ, lấy thịt quả, sắc với 500ml nước, đun nhỏ lửa cho cạn còn 150ml, vớt hạt ra, thêm mật ong vào cho đủ ngọt; chia ra 2-3 lần uống hết trong ngày. Ngoài tác dụng chữa ỉa chảy, còn có tác dụng điều hòa chức năng tiêu hóa.

    (3) Chữa són tiểu: Trái lựu đem thiêu tồn tính (bên ngoài cháy đen, bên trong vẫn giữ nguyên chất quả), tán bột; ngày uống 3 lần, mỗi lần dùng 6g, hòa với nước sôi uống. Dùng chữa són tiểu, nước tiểu nhỏ giọt không tự chủ được, lượng nước tiểu ít, bụng dưới căng tức như mót tiểu; thường gặp ở người già hoặc người mới ốm dậy, cơ thể còn yếu.

    (4) Chữa miệng lưỡi viêm loét: Dùng trái lựu thiêu tồn tính (bên ngoài cháy đen, bên trong vẫn giữ nguyên chất quả), tán thành bột mịn, bôi vào chỗ bị bệnh.

    (5) Chữa miệng hôi, viêm amiđan: Dùng trái lựu sắc lấy nước đặc, ngậm và nuốt từ từ, nhiều lần trong ngày.

    (6) Chữa thoát giang (sa trực tràng): Dùng thạch lựu bì, thiến thảo - mỗi thứ 10g, rượu 1 chén con; sắc uống trong ngày.

    (7) Chữa ỉa chảy ra toàn nước: Dùng thạch lựu bì 5g, sơn tra 10g; cả 2 thứ nghiền thành bột mịn, chia thành 2 phần uống trong ngày, dùng nước đã đun sôi pha đường đỏ để chiêu thuốc.

    (8) Chữa sỏi thận: Dùng rễ lựu 30g, kim tiền thảo 30g; sắc nước uống trong ngày.

    (9) Chữa phế ung (áp-xe phổi): Dùng thạch lựu hoa (hoa lựu) 6g, ngưu tất 6g, nhẫn đông đằng (dây kim ngân) 15g, bách bộ 9g, bạch cập 30g, đường phèn 30g; sắc nước uống.

    (10) Trẻ nhỏ da viêm loét: Trẻ nhỏ không được trông nom cẩn thận, da ở cổ, nách, nếp nhăn ở tay chân, bẹn, ... có thể bị viêm nhiễm, sưng tấy đỏ đau hoặc lở loét chảy mủ. Có thể dùng lá cây lựu, sấy khô, nghiền thành bột mịn, rắc lên những chỗ bị bệnh.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]