Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Nùng si sẻng (xuyến thảo) - Vị thuốc cầm máu tốt

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 31/07/2012 09:04 CH

Hỏi:

Hồi còn công tác ở Lào Cai, tôi được một ông bạn người Tày truyền cho kinh nghiệm chữa thổ huyết, đổ máu cam, ... bằng thứ cây tên là "nùng si sẻng". Khi đó tôi đã áp dụng thử, kết quả rất tốt. Nay tôi đã nghỉ hưu, về sống ở quê nhà (Ba Vì). Tôi muốn biết, cây "nùng si sẻng" có mọc ở quê tôi hay không? Có thể mua thuốc đó ở đâu? Ngoài ra cây còn có những tác dụng gì khác?

Trần Văn Năm, Ba Vì, Hà Nội

Đáp:

xuyến thảo, thiến thảo, khiếm thảo, mao sáng, dù mi nhùa, nùng si sẻng, hùng sì sẻng, kim tuyến thảo, tây thảo, thiên căn, thiến căn, huyết kiến sầu, địa huyết, hoạt huyết đan, Rubia cordifolia L.

"Nùng si sẻng" là một tên khác (dị danh) của vị thuốc mà Đông y gọi là "Xuyến thảo"; cây còn có nhiều tên khác, như "thiến thảo", "khiếm thảo", "mao sáng", "dù mi nhùa", "nùng si sẻng", "hùng sì sẻng", "kim tuyến thảo", "tây thảo", "thiên căn", "thiến căn", "huyết kiến sầu", "địa huyết", "hoạt huyết đan", ... Tên khoa học là Rubia cordifolia L., thuộc họ Cà phê (Rubiaceae).

Cây này mọc hoang dại ở những nơi ẩm mát, vùng núi, ở nhiều tỉnh phía Bắc nước ta, ở quê bác nhất định cũng có. Nếu không tìm thấy cây mọc hoang, bác cũng có thể tìm mua ở các cửa hàng thuốc Nam Bắc, theo những tên liệt kê ở trên.

Xuyến thảo là loài cây thảo, sống lâu năm, mọc leo hay mọc trườn, rễ sống dai, thân vuông, có gai rất nhỏ, mọc quặp xuống. Lá mọc thành từng vòng 4 lá một (thực tế là lá mọc đối, với lá kém phát triển trông như 4 lá mọc vòng). Phiến lá hình bầu dục, đầu nhọn, dài 2-4cm, rộng 2,5-3cm, mép cũng có gai, gân lá hình cung. Hoa nhỏ màu vàng nhạt, mọc thành xim dài 3-20cm ở đầu cành hay kẽ lá. Quả tròn, màu đen, khi chín, trong chứa 1-2 hạt hình cầu, đường kính 4mm, hõm ở giữa, lưng phình lên. Mùa hoa quả vào tháng 9-11.

Bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu là rễ. Người ta đào rễ vào thu đông, rửa sạch, thái mỏng, phơi hay sấy khô.

Theo Đông y: Xuyến thảo có vị đắng, tính lạnh; vào kinh Can. Có tác dụng lương huyết (mát máu), chỉ huyết (cầm máu), hoạt huyết khứ ứ. Chủ trị các chứng xuất huyết do nhiệt, huyết ứ kinh bế, chấn thương ngoại khoa, đau nhức khớp.

Trên lâm sàng thường sử dụng để chữa:

    1. Chảy máu cam, khạc ra máu, nôn ra máu, đái ra máu, đại tiện ra máu (phân đen);

    2. Tử cung xuất huyết, vô kinh, đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều;

    3. Phong thấp khớp xương đau nhức;

    4. Viêm khí quản mạn tính;

    5. Viêm gan hoàng đản, thủy thũng;

    6. Dùng ngoài trị đòn ngã tổn thương, mụn nhọt, viêm da thần kinh, rắn cắn.

Có thể sử dụng xuyến thảo để chữa bệnh, theo một số phương pháp cụ thể như sau:

    (1) Chữa thổ huyết: Dùng rễ xuyến thảo 40g, tán nhỏ, chia ra uống mỗi lần 8g với nước lạnh. Nếu có điều kiện, có thể thêm sinh địa, mạch môn, rễ cỏ tranh, đương quy - mỗi thứ 6-8g, cùng sắc uống, tác dụng càng tốt.

    (2) Chảy máu răng sau khi nhổ răng: Dùng xuyến thảo tán thành bột mịn, lấy một lượng bột thuốc rắc lên gạc, đắp vào chân răng, cắn chặt, sau 1-2 phút cầm máu.

    (3) Trẻ còi xương, còng lưng: Rễ xuyến thảo 8g, vỏ chanh khô 5g, hồi hương 1g; sắc lấy nước, hòa thêm chút mật ong vào uống. Dùng liên tục, lâu ngày sẽ có kết quả.

    (4) Chữa tóc bạc sớm: Dùng xuyến thảo tươi 600g, sinh địa tươi 2kg; cùng nấu lấy nước, cô đặc thành cao, ngày uống 1 thìa với rượu. Kiêng ăn cải củ và các thức cay. Dùng thường xuyên, sau một thời gian tóc sẽ đen lại.

    (5) Chữa mụn trứng cá (thể huyết ứ): Dùng xuyến thảo 12g, xích thược 8-1g; sắc nước uống thay trà trong ngày.

Một vấn đề cần lưu ý:

    - Tại các tỉnh phía Nam nước ta, có một cây khác, có tên là "thiến thảo" (trùng tên với một dị danh của cây xuyến thảo nói ở trên), có tên khoa học là Basilicum polystachyon (L.) (Ocinum polystachyon L.) thuộc họ Hoa môi Lamiaceae.

    - Cây thiến thảo (phía Nam) là cây thảo, mọc hàng năm, chỉ cao khoảng 40cm. Thân vuông có 4 rãnh, có lông thấp. Lá có phiến xoan thon, to đến 7x4,5cm, màu xanh tươi, gần như không lông trừ ở cuống. Chùm hoa đứng ở ngọn. Hoa nhỏ mọc thành vòng, tràng hoa màu đỏ. Quả bế, màu nâu sẫm. Cây ra hoa tháng 3-4.

    - Theo GS. Phạm Hoàng Hộ, ở Khánh Hòa, dân gian dùng toàn cây thiến thảo sắc uống chữa bạch đới, khí hư. Lá trị phong thấp, kinh phong, tim đập nhanh, bệnh thần kinh.

     - Như vậy, thiến thảo (mọc ở miền Nam) là cây thuốc có những tác dụng khác, bạn đọc ở phía Nam cần chú ý để khỏi nhầm lẫn.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]