Hỏi đáp

Sản phụ sử dụng mật lợn, củ nghệ như thế nào?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 15/11/2014 09:30 SA

Hỏi:

Cháu là một độc giả gắn bó nhiều năm với "Thuốc vườn nhà", bởi những nội dung hết sức thiết thực và phong phú... Nay cháu chuẩn bị sinh con và xin được hỏi 2 câu: (1) Để cho đường ruột của mẹ và con tốt, thì sau khi sinh người mẹ có nên uống mật lợn tươi (hấp cách thủy hoặc sấy khô) hay không? (2) Để bổ máu, sau khi sinh có nên giã nghệ tươi uống, phần bã đắp lên mặt để phòng nám da không?

Nguyên Phương, Hoàng Mai - Hà Nội

Đáp:

Trước khi trả lời vấn đề bạn quan tâm, "Thuốc vườn nhà" xin phép được tóm tắt về tác dụng của mật lợn và của củ nghệ.

mật lợn, mật lợn tươi

Mật lợn

1. Mật lợn:

    Theo Đông y: Mật lợn có vị đắng, tính hàn; vào các kinh Can, Đởm, Phế và Đại tràng. Có tác dụng thanh nhiệt, sát trùng, giải độc, nhuận táo; thường dùng chữa các chứng bệnh nhiệt, nóng trong, khát nước, bí đại tiện, hoàng đản (vàng da), mắt đỏ, ho gà, hen suyễn, viêm họng, kiết lỵ, trĩ lở loét, trẻ nhỏ cam tích thể nhiệt.

    Một số đơn cách dùng mật lợn để chữa bệnh:

    (1) Chữa viêm dạ dày, viêm ruột: Lấy mật lợn tươi 100ml, trộn đều với 1kg bột đậu xanh, rồi sấy khô để dùng dần (trước khi sấy có thể vê thành viên cho dễ uống); ngày uống 3-4 lần, mỗi lần 8-12g.

    (2) Chữa viêm khí quản mạn tính, viêm gan: Dùng mật lợn đã sấy khô; ngày uống 3 lần, mỗi lần 1g.

củ nghệ, nghệ vàng, củ nghệ vàng

2. Củ nghệ:

    Theo Đông y: Củ nghệ có vị cay, đắng, tính ấm; vào 2 kinh Can và Tỳ. Có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, thông kinh, chỉ thống (giảm đau). Dùng chữa đau ngực sườn, đau bụng do khí trệ huyết ứ; chữa phong thấp đau nhức, đặc biệt có hiệu quả với chứng đau vai và cánh tay. Còn dùng chữa phụ nữ bế kinh, đòn ngã sưng đau, mụn nhọt lở loét ngoài da, ...

    Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, củ nghệ có một số tác dụng chủ yếu: Bảo vệ tế bào gan; kích thích sự co bóp của túi mật, tăng tiết dịch mật, làm giảm hàm lượng thành phần chất rắn trong dịch mật, khiến thành phần mật trở lại bình thường; giảm đau; kháng viêm; kháng khuẩn; hạ huyết áp; ức chế sự ngưng tập tiểu cầu; hạ mỡ máu; chống ô-xy hóa; chống ung thư; tăng co thắt tử cung và kháng sinh dục ở mức độ nhất định. Gần đây còn phát hiện thêm tác dụng kháng HIV.

    Một số biện pháp sử dụng củ nghệ để chữa bệnh:

    (1) Chữa lên cơn suyễn, đờm kéo lên tắc nghẽn, khó thở: Củ nghệ 40-50g, giã nát, hòa với đồng tiện (nước tiểu trẻ em khỏe mạnh), vắt lấy nước uống.

    (2) Chữa thổ huyết, máu cam: Củ nghệ tán mịn, ngày uống 4-6g, chiêu bằng nước đã đun sôi.

    (3) Chữa bệnh mạch vành tim, đau thắt ngực: Dùng củ nghệ (sao qua) 30g, đương quy (thái lát, sấy khô) 30g, mộc hương 15g, ô dược (sao qua) 15g; tất cả tán mịn, ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 4g; nếu có điều kiện dùng ngô thù du sắc lấy nước để chiêu thuốc, thì tác dụng càng tốt.

    (4) Chữa viêm dạ dày, viêm đường mật: Nghệ vàng 6g, hoàng liên 3g, nhục quế 2g, diên hồ sách 5g, uất kim 5g, nhân trần 6g; sắc nước uống trong ngày.

    (5) Chữa đau vai gáy và cánh tay: Dùng củ nghệ 10g, cành cây dâu tằm (tang chi) 10g, cốt khí củ 8g, bạch truật 10g, cam thảo 4g; sắc nước uống trong ngày.

    (6) Phòng trị các chứng bệnh sau khi sinh đẻ: Dùng củ nghệ nướng chín, nhai, nuốt dần; hoặc giã nát hòa với rượu hay đồng tiện uống.

    (7) Phụ nữ sau khi đẻ máu xấu xông lên tim: Nghệ đốt tồn tính (bên ngoài cháy đen, bên trong vẫn giữ nguyên mầu nghệ), tán thành bột mịn; ngày uống 3 lần, mỗi lần 3g.

3. Đối với phụ nữ sau khi sinh đẻ:

    Sinh đẻ là giai đoạn gian nan trong cuộc đời của người phụ nữ. Đông y cho rằng, khi sinh đẻ, cơ thể sản phụ bị tổn thương nặng, rất dễ bị lâm vào tình trạng bệnh lý, mà Đông y gọi là "Hư hàn" (với những biểu hiện chủ yếu như sợ lạnh, sức chống bệnh giảm, dễ bị ngoại cảm đặc biệt là cảm lạnh; người mệt mỏi, kém ăn, miệng nhạt, đại tiện nhão hoặc sống phân (lẫn thức ăn không tiêu hóa triệt để), ...).

    Đông y cho rằng, phụ nữ sau khi đẻ tối kỵ bị nhiễm lạnh. Vì "hàn tà" khiến khí huyết ngưng trệ, từ đó phát sinh ra hàng trăm thứ bệnh.

    Nếu sinh đẻ trong những tháng hè, nhất thiết không được nằm ngủ nơi có gió mạnh, kiêng quạt mát quá nhiều. Các nhà dưỡng sinh phương Đông coi gió lùa như tên đạn, đối với phụ nữ sau khi đẻ càng cần tránh xa. Phòng ngủ cần thoáng mát, tránh để vã mồ hôi mà bị ngoại cảm, nhưng nhất thiếp cần tránh gió lùa. Để khắc phục tình trạng "Hư hàn" nói trên, ngoài việc giữ ấm, tránh gió lạnh, còn cần kiêng dùng những thức ăn có tính sống lạnh.

    Mật lợn, có thể sử dụng để tăng cường, chữa trị một số chứng bệnh tiêu hóa. Nhưng như trên đã nói, mật lợn có tính lạnh, do đó phụ nữ sau khi đẻ không nên sử dụng "độc vị" (riêng một vị) mật lợn.

    Để làm giảm bớt tính lạnh của mật lợn, bạn có thể sử dụng mật lợn theo cách như sau: Lấy mật lợn 5ml, trứng gà tươi 1 quả; đập trứng vào bát, trộn đều với mật, thêm chút đường cho đỡ đắng, rồi đem hấp chín; mỗi ngày ăn 1 lần vào lúc sáng sớm. Có tác dụng bồi bổ cơ thể và cải thiện, tăng cường chức năng tiêu hóa khá tốt.

    Củ nghệ là vị thuốc tốt cho phụ nữ sau khi sinh đẻ, lại có tính ấm. Tùy theo tình trạng sức khỏe của bản thân, bạn có thể chọn dùng một trong số các biện pháp đã giới thiệu ở trên.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Ý kiến bạn đọc

1 Ý kiến bạn đọc
mai thị thủy chung (17/10/2017 11:03 CH)

theo kinh nghiệm bản thân. mật heo 10 cái chích lấy nước. gừng ta 2lạng giã nát vắt lấy nước. cô đặc hỗn hợp gừng mật và vê thành viên bằng hạt đậu. vê viên nào cho vào bột nếp đã rang chín viên nấy cho khỏi dính chùm. nghệ bột trộn mật ong vê viên. nghệ vừa đủ 1 lít mật ong. uống 2 lần 1 ngày. mỗi lần 1 muỗng cà phê. hiện tại sức khỏe sau sinh rất tốt. nhất lah hên tiêu hóa cả mẹ lẫn con.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]