Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Bài thuốc kinh nghiệm chữa "chín mé"

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 13/11/2014 09:57 SA

Hỏi:

Bệnh sưng tấy móng tay, mà người ta gọi là "chín mé" tuy không làm chết người, nhưng gây nên đau đớn cực kỳ ghê gớm. Mà đi bệnh viện chích giảm đau rất dễ gây biến chứng. Vì vậy, tôi rất mong được "Thuốc vườn nhà" giới thiệu giúp một số vị thuốc Nam có sẵn quanh nhà, có thể sử dụng để chữa và làm giảm đau, khi chẳng may bị lên chín mé.

Nguyễn Tuấn, Thái Nguyên

Đáp:

lá móng tay, móng tay nhuộm, chi giáp hoa, tán mạt hoa, thảo nam sơn, lá phụng tiên, Lawsonia inermis L., Lawsonia spinosa L., họ Tử vi, Lythraceae

Lá móng tay

"Chín mé" trong Đông y gọi là "xà đầu đinh" (loại đinh nhọt có hình dạng như đầu con rắn); còn Y học hiện đại gọi là "viêm mủ đầu ngón tay" (felon). Thực chất là hiện tượng tổ chức dưới da đầu ngón tay bị viêm, mưng mủ cấp tính. Thường do chẳng may bị vật nhọn (như mảnh gỗ, gai, xương, ...) đâm vào đầu ngón, gây tổn thương và bị nhiễm "tụ cầu khuẩn vàng" (staphylococcus  aureus), gây nên.

Khởi đầu, chỉ cảm thấy đau nhấm nhói ở đầu ngón. Sau đó đau tăng dần, thành những trận đau kịch liệt, theo từng đợt nhịp nhàng; khi thõng tay xuống, thì đau càng thậm tệ. Đầu ngón tay sưng to, căng tức; da tấy đỏ hoặc trắng nhợt; chạm vào rất đau. Trường hợp nhiễm trùng nặng, thường kèm theo sốt, sợ lạnh, chán ăn, người khó chịu. Khoảng một tuần sau thì mưng mủ; khi vỡ chảy ra chất dịch vàng, đặc quánh.

Chín mé gây đau rất ghê gớm. Để giảm đau, Tây y thường sử dụng biện pháp phẫu thuật (chích một bên hoặc hai bên đầu ngón tay) để làm giảm áp lực bên trong. Tuy nhiên, phẫu thuật cần được tiến  hành thật đúng lúc, khi đang xuất hiện những cơn đau kịch liệt theo từng nhịp; chích quá sớm hoặc quá muộn, hay không bảo đảm vệ sinh, đều rất dễ gây biến chứng, chủ yếu là dẫn tới hoại tử hoặc viêm tủy xương.

Thực ra, dân gian và Đông y, đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm quý, trong việc chữa trị chứng bệnh này. Cụ thể, khi bị lên chín mé, có thể sử dụng một số loại cây lá có sẵn quanh nhà để chữa trị, có tác dụng giảm đau và tiêu viêm rất tốt:

Thuốc đắp:

    - Đơn giản nhất là dùng hành và đường kính (lượng bằng nhau): Hành tươi (vẫn dùng để nấu ăn, Đông y gọi là "thông bạch") rửa sạch bằng nước đã đun sôi, cắt nhỏ, trộn với đường kính, giã nhuyễn, đắp quanh đầu ngón tay, băng cố định lại; ngày thay 2-3 lần.

    - Tốt nhất là dùng lá móng tay, giã nát với chút muối, đắp quanh đầu ngón tay, băng cố định lại; ngày thay 1-2 lần.

    Lá móng tay là loại lá thời xưa thường dùng để nhuộm móng tay; còn có tên là "móng tay nhuộm", "chi giáp hoa", "tán mạt hoa", "thảo nam sơn", "lá phụng tiên", ... tên khoa học là Lawsonia inermis L. (Lawsonia spinosa L.); thuộc họ Tử vi (Lythraceae). Đó là một cây nhỏ, cao chừng 3-4m, thân nhẵn hoặc có gai ở đầu cành. Lá mọc đối, cuống ngắn, phiến lá đơn, nhỏ, hình trứng, hai đầu bẹp, nhất là phía cuống, dài 2-3cm, rộng 1-1,5cm. Hoa trắng đỏ, mùi thơm, nhỏ, mọc thành chùy ở đầu cành. Quả nang hình cầu, bằng cỡ quả hạt tiêu, không nứt, phía cuống có đài bao bọc, có 4 cạnh dọc, 4 ngăn, trong chứa nhiều hạt nhỏ, có cạnh góc, vỏ hạt dai, rất dày phía dưới xốp. Hiện nay thường được trồng làm cảnh ở nhiều nơi.

Ngoài ra, còn có thể sử dụng một số cây lá sau:

    - Dùng cành lá tươi của cây dâu núi (dâu đất), khoảng 50g, rửa sạch bằng nước lạnh đã đun sôi, thêm chút mật ong vào giã nhuyễn, đắp vào chỗ bị bệnh, băng cố định; ngày thay 2-3 lần.

    - Dùng cây thài lài trắng, khoảng 50g tươi, giã nhuyễn, đắp vào chỗ bị bệnh, băng cố định, ngày thay 1-2 lần.

    - Dùng cỏ roi ngựa (mã tiên thảo) toàn cây tươi, khoảng 30-50g, dùng nước lã đã đun sôi rửa sạch, thêm nhúm cơm tẻ và chút muối, giã nhuyễn, đắp vào chỗ bị bệnh, băng lại; ngày thay 2-3 lần.

    - Dùng cây phù dung: Dùng hoa tươi khoảng 60g, rửa sạch bằng nước đã đun sôi, mật ong 15g, giã nhuyễn, đắp vào chỗ bị bệnh, băng lại; ngày thay 2-3 lần. Hoặc dùng lá tươi, khoảng 30g, xích tiểu đậu (đậu đỏ nhỏ hạt, ngâm nước sôi cho nở ra), thêm chút đường đỏ, giã nhuyễn, đắp vào chỗ bị bệnh, băng lại; ngày thay 1-2.

Thuốc uống:

    Khi bệnh mới phát, nói chung chỉ cần sử dụng ngay một trong số các bài thuốc đắp nói ở trên, là có thể giảm đau và ngăn ngừa bội nhiễm. Trường hợp bệnh phát nặng, kèm theo sốt, sợ lạnh, mệt mỏi, thì cần dùng thêm bài thuốc có tác dụng lương huyết, tiêu độc sau:

    Thành phần: Kim ngân hoa 12g (hoặc dây kim ngân 20g) bồ công anh 12g, rau sam 15g, rau diếp cá 10g, cam thảo 5g; sắc nước uống thay trà trong ngày; liên tục 4-5 ngày.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]