Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Rau đắng (biển súc) chữa sỏi bàng quang

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 20/11/2012 09:12 CH

Hỏi:

Tôi mắc sỏi bàng quang, đầu năm nay đã ra Hà Nội tán sỏi, nhưng gần đây bệnh lại tái phát, khi đi tiểu lại có những triệu chứng như khi chưa tán. Tôi nghe nói, sử dụng cây rau đắng sắc nước uống có thể tống được sỏi ra ngoài. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng không? Nếu đúng, đề nghị cho biết: Cây rau đắng thường mọc ở đâu và có hình dạng như thế nào, cách sử dụng cụ thể ra sao?

Phan Văn Bình, Diễn Châu, Nghệ An

Đáp:

cây rau đắng, cây càng tôm, cây xương cá, biển súc, Polygonum aviculare L.

"Rau đắng" đúng là một vị thuốc thường được sử dụng để chữa các bệnh đường tiết niệu theo kinh nghiệm dân gian. Trong các sách bản thảo của Đông y, cây này được xếp vào loại thuốc "lợi niệu thông lâm", tức là loại thuốc lợi tiểu tiện, chữa trị bệnh "lâm".

Trong Đông y, "lâm" chỉ tình trạng tiểu tiện vặt, tiểu tiện khó khăn, nhỏ giọt, đau buốt, ... Bệnh "lâm" gồm 5 loại, nên thường gọi là "ngũ lâm": "Thạch lâm", "khí lâm", "cao lâm", "lao lâm" và "huyết lâm". Trong đó "thạch lâm" là chứng bệnh tiểu tiện khó hoặc ngắt quãng, đi vội, đi vặt, đau buốt, nước tiểu lẫn sỏi, hoặc vàng đục, đôi khi lẫn máu; kèm theo bụng dưới co cứng, lưng đau quặn từng cơn, đau lan xuống bụng dưới và bộ phận sinh dục.

Cây "rau đắng" còn có tên là "cây càng tôm", "cây xương cá", trong Đông y gọi là "biển súc", tên khoa học là Polygonum aviculare L., thuộc họ Rau răm (polygonaceae). Cây mọc hoang khắp nơi, hay gặp nhất tại những nơi ẩm, như ruộng bỏ hoang, lòng suối cạn. Có người còn trồng trong vườn nhà, để dùng làm thuốc.

Rau đắng là loại cỏ nhỏ, mọc bò, thân và cành mọc tỏa tròn gần sát mặt đất, màu đỏ tím, đôi khi mọc cao tới 10-30cm. Lá nhỏ, mọc so le, có bẹ chìa. Phiến lá dài 1,5-2cm, rộng 0,4cm. Hoa nhỏ, màu hồng tím, mọc tụ từ 1-5, thường 3-4 hoa ở kẽ lá. Quả cạnh, chứa một hạt đầu đen. Mùa hoa từ tháng 5-6, kéo dài suốt mùa hè.

Theo Đông y: Rau đắng có vị đắng , tính hơi hàn; vào kinh Bàng quang. Có tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm, cầm ỉa chảy và diệt ký sinh trùng. Dùng chữa viêm bàng quang, bí đái, đái buốt, đái dắt cấp tính, hoàng đản, lỵ trực trùng, đau bụng giun, mụn nhọt lở ngứa ngoài da, trĩ, bạch đới, đòn ngã tổn thương, rắn cắn. Ngày dùng 6-12g khô dưới dạng thuốc sắc; dùng tươi tăng gấp đôi liều lượng; dùng ngoài giã nát đắp, lượng thích hợp.

Một số cách sử dụng cụ thể:

    (1) Chữa tiểu tiện khó khăn, sỏi tiết niệu: Dùng 12g-15g rau đắng khô (hoặc 15g-30g rau đắng tươi); sắc uống nước uống thay trà trong ngày. Hoặc dùng rau đắng 12g, bòng bong 20g, mã đề 20g; sắc uống thay trà; liên tục nhiều ngày đến khi đỡ.

    (2) Chữa viêm đường tiểu tiện, đái buốt: Dùng rau đắng khô 12g, hoạt thạch 10g, mộc thông 5g, xa tiền thảo (cây mã đề) 8g; nước 3 bát, sắc còn 1 bát; chia 3 lần uống  trong ngày.

    (3) Chữa lỵ: Rau đắng 20g, rau sam 10g, cỏ sữa nhỏ lá 10g; sắc lấy nước, chia 3 lần uống trong ngày, liên tục 3 ngày.

    (4) Chữa giun kim, giun đũa: Rau đắng 30g, củ bách bộ 10g; sắc nước uống.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]