Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Lá tơ mành có thể chữa được sâu quảng?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 09/06/2014 09:18 SA

Hỏi:

Chân tôi bị sâu quảng và đã dùng rất nhiều loại tân dược mà vẫn chưa khỏi. Gần đây có người nói phải kiếm lá tơ mành đem đốt thành than rắc lên, mới có thể chữa khỏi. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không? Nếu đúng thì có thể kiếm cây tơ mành ở đâu? Cây có hình dạng như thế nào?

Đức Tấn, Phú Thọ

Đáp:

tơ mành, lá mạng nhện, dây chỉ, phong xa đằng, hồng long, Hiptage benghalensis (L.)Kurz.

Tơ mành

Tơ mành còn có tên là "lá mạng nhện", "dây chỉ", "phong xa đằng", "hồng long", ... tên khoa học là Hiptage benghalensis (L.)Kurz.

Đúng là theo kinh nghiệm dân gian, lá tơ mành có thể sử dụng chữa sâu quảng.

Cây này mọc hoang ở khắp các tỉnh miền Bắc nước ta. Do đó, bạn có thể tự mình tìm kiếm, dựa vào một số đặc điểm của cây mà "Thuốc vườn nhà" giới thiệu dưới đây.

Tơ mành là một loại cây mọc thành bụi, có cành vươn dài, dựa vào cây khác leo lên cao, nên còn gọi là "dây tơ mành". Lá mọc đối, hình thuôn dài, phiến lá dài 9-10cm, rộng 2,5-5cm, 2 mặt đều có lông, gốc gân chính có 2 hạch, cuống lá dài 5-6mm. Hoa trắng, mọc thành chùm ở kẽ lá. Quả có 3 cánh mỏng, vàng nhạt, cánh giữa thường dài hơn 2 cánh bên cạnh. Cây có đặc điểm là thân và lá khi bẻ ra có những sợi mảnh như chỉ, do đó có tên "tơ mành", "dây chỉ", "mạng nhện", ...

Bộ phận thường dùng làm thuốc là thân (dây) và lá.

Theo Đông y: Tơ mành có vị chát, hơi đắng, tính ấm, vào kinh Thận. Có tác dụng ôn thận ích khí, sáp tinh chỉ di. Dùng chữa dương nuy do thận hư, di tinh, tiểu nhiều lần, tự ra mồ hôi, mồ hôi trộm, phong thấp đau nhức.

Ở nước ta, dân gian thường dùng lá tơ mành tươi, giã nát đắp lên vết thương, vết thương gẫy xương, ... Tại Ấn Độ, dân gian dùng lá tươi làm thuốc diệt côn trùng và dùng ngoài chữa những bệnh ngoài da.

Trở lại bệnh sâu quảng. Người làm việc ở nơi ẩm ướt, dễ bị nhiễm "thấp khí", lại thường bị các thứ côn trùng, như đỉa, vắt, ruồi muỗi độc cắn; nếu không chú ý giữ gìn vệ sinh, vết thương bị lở loét lâu ngày thành ra sâu quảng.

Vết sâu quảng có đặc điểm là ở giữa lõm xuống có mủ máu hôi thối, chung quanh bờ cao lên, đau nhức dữ dội, rất khó chữa.

Dân gian có kinh nghiệm, dùng lá tơ mành đốt thành than, rồi rắc lên chỗ chân bị sâu quảng, kết quả khá tốt.

Ngoài ra, còn thường chữa bằng cách: Hái 1 nắm lá trầu không, sắc nước rửa ngày 1 lần. Nếu có điều kiện, có thể thêm lá cứt lợn, kinh giới, lá lấu (bầu giác) - mỗi thứ 1 nắm, lá sòi non 10 lá, cùng nấu nước rửa.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]