Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Lá ba chẽ chữa lỵ trực khuẩn

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 08/10/2012 07:47 CH

Hỏi:

Gần đây, tôi nghe một cụ già nói, cây ba chẽ có thể dùng để chữa bệnh đau bụng, ỉa chảy. Xin đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không? Ngoài ra còn có thể sử dụng ba chẽ chữa những bệnh gì? Cách sử dụng cụ thể ra sao? Rất mong hồi âm sớm, vì quanh chỗ chúng tôi ở, có rất nhiều cây này mọc hoang.

Lê Thị Mão, Yên Hưng, Quảng Ninh

Đáp:

ba chẽ, cây ba chẽ, niễng đực, đậu bạc đầu, may thấp moong, biền ong, Da rờ típ, Desmodium cephalotes Wall.

Ba chẽ là một cây mọc hoang ở khắp nơi, từ Bắc chí Nam, qua Tây Nguyên xuống tới An Giang, thường hay gặp nhất là đồi núi ít cây vùng trung du. Có thể trồng bằng hạt hay bằng dâm cành. Ở đồng bằng hay vùng trung du cây đều mọc tốt.

Cây còn có tên là "niễng đực", "đậu bạc đầu", "may thấp moong" (Tày), "biền ong" (Dao), "Da rờ típ" (K'ho), tên khoa học là Desmodium cephalotes Wall., thuộc họ Cánh bướm Fabaceae (Papilionaceae).

Về đặc điểm thực vật, ba chẽ là loại cây nhỏ sống lâu năm, thân nhỏ, có nhiều cành. Thường cao khoảng 0,5-0,6m, nhưng cũng có thể cao tới 1,5-3m. Lá gồm ba lá chét hình bầu dục với lá kèm nhỏ. Đường gân mặt trên lõm. Mặt dưới lồi, mặt dưới lá phủ một lớp lông tơ trắng trông hơi lấp lánh, đặc biệt các lá non ở ngọn có phủ lớp lông tơ nhiều hơn. Hoa nhỏ màu trắng, mọc thành chùm đơn ở kẽ lá. Quả giáp, hạt hình thận. Mùa hoa quả vào mùa hè và mùa thu.

Tại những nơi có cây mọc, người ta thường cắt cây về làm phân xanh hoặc làm củi đun. Cây ba chẽ còn có thể sử dụng làm thuốc. Bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu là lá, hái về phơi hay sấy khô ở nhiệt độ 50 -60 độ C. Có thể sao cho hơi vàng để có mùi thơm mà dùng.

Theo "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi: Tại một số tỉnh vùng trung du, dân gian có kinh nghiệm sử dụng lá cây ba chẽ chữa bệnh lỵ trực trùng, hội chứng lỵ, đau bụng, ỉa chảy.

Cách  sử dụng để chữa lỵ cụ thể như sau: Hái lá bánh tẻ về phơi khô hay sao vàng; mỗi ngày dùng từ 30-50g, thêm nước vào, đun sôi kỹ (sôi chừng 15 phút đến nửa giờ); chia 2-3 lần uống  trong ngày; uống liên tục từ 3-5 ngày tùy theo bệnh nặng nhẹ. Một số địa phương, người ta còn phối hợp thêm với ké hoa đào, cùng liều lượng, để sắc uống. Để tiện sử dụng, có thể nấu thành cao mềm, mỗi ngày dùng 5g hòa với nước nóng, chia ra 3 lần uống trong ngày.

Ngoài ra, ở nước ta dân gian còn dùng ba chẽ chữa rắn cắn: Dùng lá ba chẽ tươi, giã nát hay nhai nát, nuốt nước, bã  còn lại đắp lên nơi rắn cắn.

Tại Trung Quốc, dân gian còn dùng rễ sắc uống để làm mạnh gân cốt, chữa đau nhức do phong tê thấp.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]